'Kho ý tưởng' tiết kiệm điện ở nhà tôi

Lò Duy Bưu
(Đắk Lắk)
25/07/2023 09:46 GMT+7

Tôi ở một làng ven sông Sêrêpôk, ngoại ô TP.Buôn Ma Thuột. Nhà có điện sinh hoạt từ năm 1994, từ thời một tháng hết khoảng 20.000 đồng tiền điện.

Nhiều năm sau này cho đến tận bây giờ, mấy chục năm trôi qua, vật giá leo thang nhưng tiền điện gia đình tôi vẫn "neo" ở khoảng 500.000 đồng/tháng, dù cuộc sống hiện đại có thêm nồi cơm điện, tủ lạnh, ti vi, máy lạnh…

'Kho ý tưởng' tiết kiệm điện ở nhà tôi - Ảnh 1.

Mở cửa sổ tận dụng ánh sáng tự nhiên, thay vì bật đèn

LÒ DUY BƯU

Để tiết kiệm điện và tiết kiệm chi phí, tôi cùng gia đình nghĩ ra cả "kho ý tưởng". Nhờ ở ngoại ô nên nhà tôi có sân vườn rộng, nhiều cây xanh với hàng si xanh mát nên cả nhà đều mắc võng nằm nghỉ trưa ở dưới tán cây, hạn chế tối đa sử dụng điều hòa. Buổi trưa yên ả, ánh nắng chan hòa, gió thổi lồng lộng từ hướng sông lên mát lành. Còn khi vào nhà thì mở cửa sổ, tận dụng ánh sáng, gió thổi tự nhiên, thoáng đãng.

Để tạo không gian mát mẻ tự nhiên cho ngôi nhà mình ở, chiều về tôi thường xuyên lau nhà. Lau xong, tôi tận dụng lượng nước đó để tưới cây trong sân. Hạn chế sử dụng máy bơm nước. Cách này vừa tránh lãng phí nước, vừa tiết kiệm được điện.

Đặc biệt, tôi không có thói quen tích trữ đồ ăn thức uống trong tủ lạnh quá nhiều. Nhà có vườn nên tận dụng trồng rau xanh, nhà lại gần chợ rất tiện cho việc mua thức ăn cho ngày hôm đó, nhờ thế đồ ăn luôn tươi mới, sức khỏe được đảm bảo, lại đỡ hao tốn điện năng.

Lợi thế ở thôn quê, vườn cây um tùm, rậm rạp, vào mỗi mùa mưa, nhà tôi thường tỉa và đốn bớt các cành cho thoáng đãng căn nhà, những khúc củi tươi ấy tôi trữ lại nên đến mùa khô đã có củi để sử dụng, nhà tôi tranh thủ nhóm bếp thổi cơm, chế biến, nấu nướng thức ăn bằng bếp lò. Cơm nấu bếp củi thơm lừng, ngon hơn hẳn nồi cơm điện.

Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên tổ chức và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.

Cuộc thi dành cho các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6 - 31.8.2023.

Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.

Mỗi buổi tối, sau khi ăn cơm xong, thay vì ngồi coi ti vi, lướt TikTok, Facebook, mỗi người một góc cầm điện thoại hay bật điều hòa, bật quạt, thì mọi người trong nhà tôi cùng sum vầy ngoài sân nhà, hóng gió, kể chuyện tiếu lâm cho nhau nghe. Những cơn gió hiếm hoi của mùa khô ở phía sông thổi về mát rượi.

Các thiết bị điện như ti vi, máy tính, khi dùng xong tôi tắt nguồn hẳn, không để chế độ sleep (chế độ ngủ). Tôi thường kiểm tra các thiết bị điện thật kỹ khi rời khỏi nhà, công tắc bóng đèn, công tắc quạt đã tắt hết chưa? Đề phòng chống cháy nổ, hỏa hoạn nên cúp cầu dao cho an toàn.

Thực hiện những phương pháp trên, cuối tháng nhà tôi tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Tiền điện giảm hẳn. Cầm hóa đơn thanh toán tiền điện, cả nhà tôi đều mừng.

Riêng bản thân tôi, là một giáo viên, khi đến lớp, ngoài việc giáo dục đạo đức, kiến thức cho học sinh, tôi còn dặn dò các em nên có ý thức tiết kiệm điện năng, sử dụng điện hợp lý, khoa học. Tiết kiệm nói chung và tiết kiệm năng lượng nói riêng là một bài học quý giá, một kỹ năng thiết thực cần đưa vào trường học để tuyên truyền, phổ biến cho học sinh, sinh viên thường xuyên.

"Tiết điệm điện thành thói quen" không chỉ giúp tiết kiệm tiền bạc mà theo tôi, đó còn là cách bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất của chúng ta luôn xanh sạch đẹp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.