Khó tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài

Thu Hằng
Thu Hằng
03/11/2020 08:13 GMT+7

Mặc dù một số thị trường xuất khẩu lao động đã mở cửa tiếp nhận lao động VN sau dịch Covid-19 , song nhiều doanh nghiệp cho biết việc tuyển dụng hiện nay rất khó khăn.

Tuyển dụng “nhỏ giọt” do lao động sợ dịch Covid-19

Từ tháng 9, khi dịch bệnh được khống chế, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động (XKLĐ) bắt đầu tuyển dụng trở lại. Ông Nguyễn Viết Xuân, thành viên HĐQT Công ty Việt Thắng, cho biết: “Tính đến thời điểm này, chúng tôi chỉ đưa được vài chục lao động sang thị trường Nhật, Đài Loan và Romania, số lượng bằng 1/10 năm ngoái. Những lao động đi thời điểm này phần lớn là những lao động bị “kẹt” lại từ trước dịch Covid-19. Việc tuyển lao động mới tạo nguồn cho năm sau khó hơn rất nhiều. Trước đây nhu cầu đi nước ngoài rất lớn, còn giờ nhiều lao động sợ dịch vẫn chưa muốn ra nước ngoài làm việc, do đó rất khó khăn cho DN tìm kiếm nguồn”.

Nhiều thị trường XKLĐ sụt giảm đến 80%

Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong 9 tháng năm 2020 có 42.837 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (giảm 59,1% so với 9 tháng năm 2019). Trong đó,  lao động đưa đi thị trường Nhật Bản là 22.195 người (giảm 48,6%); lao động đi làm việc tại Hàn Quốc là 985 người (giảm 83,3%); Romania tiếp nhận 274 người (giảm 82,1%); Ba Lan tiếp nhận 57 người (giảm 62,5%); Liên bang Nga tiếp nhận 25 người (giảm 64%). Thị trường các nước khu vực Trung Đông và Bắc Phi tiếp nhận 200 lao động (giảm 81,5%)...
Nếu trong năm 2020 có 26 thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam, thì chỉ có 2 thị trường tiếp nhận với quy mô từ 1.000 lao động trở lên là Đài Loan, Nhật Bản. Có 6 thị trường tiếp nhận trên 100 lao động, gồm: Hàn Quốc, Romania, Uzbekistan, Trung Quốc, Singapore, Malaysia.
Mặc dù các DN đã giải thích cho người lao động (NLĐ), để ra nước ngoài làm việc cần có thời gian, ít nhất là 6 tháng học tiếng, đào tạo về chuyên môn, giáo dục định hướng về ý thức kỷ luật, tác phong làm việc…, song tình hình vẫn không mấy khả quan. Ông Nguyễn Xuân Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hợp tác lao động Laco, cho hay từ tháng 2 đến tháng 8, công ty hầu như không đưa được lao động nào đi nước ngoài; từ tháng 9 đến nay, có 40 lao động trúng tuyển sang Nhật Bản.
“Phía Nhật hiện rất cần lao động, trước đây các chủ sử dụng thường sang Việt Nam tuyển dụng trực tiếp, nhưng do dịch bệnh họ chuyển sang phỏng vấn online, tuy nhiên rất khó tuyển lao động. Ngoài lý do chủ quan đến từ NLĐ, có thể còn có nguyên nhân khách quan như thủ tục hồ sơ xét duyệt lâu, kiểm dịch phức tạp khiến NLĐ nản vì phải chờ đợi quá lâu”, ông Hưng bày tỏ.
Không chỉ DN mà ngay cả một số chương trình hợp tác đưa lao động ra nước ngoài làm việc không mất phí cũng gặp khó khăn trong tuyển dụng. Mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) đã có thông báo gia hạn nhận hồ sơ đối với các ứng viên có nguyện vọng tham gia chương trình đưa điều dưỡng, hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản khóa 9 năm 2020 đến hết ngày 20.11.2020.
Theo bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Truyền thông (Cục Quản lý lao động ngoài nước): “Chương trình dự kiến tuyển 240 người, thời hạn nộp hồ sơ đến hết ngày 18.10, tuy nhiên do chưa đủ số lượng nên chúng tôi gia hạn thêm 1 tháng. Nói chung từ sau dịch Covid-19, hầu như tất cả các ngành nghề đều khó tuyển, không riêng ngành điều dưỡng viên”.

Mở rộng quảng cáo, tuyển dụng online

Trước tình hình khó khăn, nhiều DN đã phải tính đến bài toán cắt giảm chi phí, chuyển sang hình thức quảng cáo, tuyển dụng online. Lãnh đạo một DN XKLĐ cho hay: “Trước đây, DN phải thông qua người môi giới tại địa phương để tuyển dụng lao động, chi phí “qua cầu” khoảng 20 - 30 triệu đồng/lao động. Đây là gánh nặng cho NLĐ vì phải đội phí lên. Nhiều dân ở các vùng nông thôn giờ cũng đã sử dụng mạng internet để tiếp cận thông tin. Do vậy, thay vì tuyển dụng qua các kênh truyền thống, công ty đầu tư vào fanpage, chạy quảng cáo trên Facebook... rút ngắn khoảng cách kết nối giữa DN và NLĐ”.
Bà Trần Thị Vân Hà cho rằng đầu tư cho fanpage, chạy quảng cáo trên mạng xã hội khá hiệu quả, chỉ trong 1 tháng qua fanpage chương trình tuyển chọn hộ lý, điều dưỡng viên sang học tập và làm việc tại Nhật Bản nhận được nhiều tương tác của NLĐ.
Ông Nghiêm Quốc Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Hoàng Long CMS, chia sẻ: “Sau dịch bệnh, chúng tôi đã có những giải pháp, chiến lược thay đổi đồng bộ hoạt động thông tin XKLĐ. Bên cạnh chuyển hướng truyền thông trực diện đến NLĐ thông qua các kênh Facebook, Zalo..., chúng tôi đầu tư cho công nghệ có những giải pháp kết nối với đối tác nước ngoài, các địa phương và NLĐ”.
Theo ông Hưng, hiện NLĐ trong nước vẫn còn thiếu thông tin về đời sống sinh hoạt của NLĐ Việt Nam ở nước ngoài. Do đó, không chỉ có các DN đổi mới, Bộ LĐ-TB-XH cũng cần thông tin cụ thể những những khu vực nào, địa phương nào ở các quốc gia đưa lao động đến không có dịch bệnh, ngành nghề nào cần tuyển dụng… để NLĐ trong nước hiểu rõ và yên tâm hơn.
Ông Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam, nhận định: Với tình hình mùa đông sắp đến, nguy cơ dịch bệnh quay trở lại tại một số quốc gia châu Âu, châu Á thì khó có thể nói hoạt động XKLĐ trở lại bình thường vào cuối năm nay, rất có thể phải đến giữa năm sau.
“Việc DN kêu khó tuyển dụng lao động thời điểm này cũng dễ hiểu, bởi các thị trường đều chưa mở cửa, điều kiện kiểm tra sức khỏe ngặt nghèo, chưa kể nếu có bay được NLĐ sẽ phải chịu chi phí vé máy bay rất cao. Mặc dù một số thị trường Nhật Bản, Đài Loan đang rất cần lao động nhưng NLĐ cũng phải đắn đo, cân nhắc lựa chọn, học mà không đi được thì chi phí cũng rất tốn kém”, ông Diệp chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.