Khó tin những người Sài thành sống bình yên 'hệt dưới miền Tây'

30/04/2018 11:29 GMT+7

Phía Tây TP.HCM có một xóm nhỏ chỉ với vài chục hộ dân, vài năm trước gần như biệt lập với TP. Cả xóm chỉ quanh quẩn ruộng đồng nuôi gà, thả cá, hái bồn bồn kiếm sống qua ngày.

Cách trung tâm TP khoảng 20 km về phía Tây, xóm Gò (H.Bình Chánh, TP.HCM) còn được mọi người biết đến với tên gọi xóm “ốc đảo” vì nơi đây vài năm trước, phương tiện di chuyển toàn bằng ghe, cuộc sống của người dân gần như biệt lập với TP.
VIDEO: Xóm "ốc đảo" ven Sài Gòn
Một thời chèo ghe ven Sài Gòn

Ông Nguyễn Văn Sáu (51 tuổi), một người sinh ra và lớn lên ở xóm Gò cho biết khi ông sinh ra đã được mẹ của mình kể cho nghe câu chuyện “truyền thuyết” về xóm Gò. Chuyện kể rằng, ngày trước khu đất của toàn xóm này là của ông hội đồng mùa. Ông phân đất cho người dân thuê để làm, rồi cứ đến vụ lại đong lúa tới trả cho ông. Tới khi ông bị “ám sát” thì dân vẫn tiếp tục làm. Năm 1970, luật “người cày có ruộng” được ban hành thì người dân lên chính quyền kê khai đất rồi làm luôn tới bây giờ.
“Hồi đó ba với má tui là 3,4 mẫu đất, làm ruộng với nuôi vịt. Cứ tới mùa gặt xong là có lúa ăn cả năm, thức ăn thì cá, vịt, rau cỏ cũng có sẵn. Sau này nước càng ngày càng lớn nên ngập chết hết cả lúa. Vậy nên người dân chuyển qua trồng bồn bồn và nuôi cá”, ông Sáu kể.
Cũng theo ông Sáu, độ 6 - 7 năm trở về trước, xóm Gò không có bờ đắp cũng không có cầu nối với đường chính, chỉ có nhà dân ở trên các mỏm đất, không điện, không nước sinh hoạt, bao quanh là ruộng và sông nước. Vậy nên nhà nào cũng có 1 - 2 chiếc ghe để làm phương tiện đi lại.
Đường vào xóm Gò đang được làm lại nên luôn đầy sình lầy, chỉ cần mưa nhỏ thôi là nước cũng ngập vào con đường đang thi công dang dở Ảnh: Vũ Phượng

Ở đây vầy chứ mà sống được, thức ăn có sẵn, gà có, cá có, rau có, khi nào muốn đổi món thì mới đi chợ. Chứ vô thành phố sống vừa ồn ào vừa bụi, mà vô đó không có kinh doanh buôn bán gì sao mà sống qua ngày như ở đây được

Ông Trần Ngọc Ẩn

Ông tâm sự: “Xưa vậy nên buồn thiu, nhà tui mấy anh em nhưng chẳng được đi tới đâu, chỉ ngồi chơi ở nhà, cưới vợ cũng là người cùng xóm luôn. Lâu lâu mới chèo ghe qua bờ bên kia đậu rồi cột đó đi lên lộ để cho biết đây biết đó”.
Bình yên xóm Gò
Chúng tôi tìm đến xóm Gò, hỏi thăm năm bảy lượt mới tìm được đúng con đường đất sâu hun hút dẫn vào xóm.
Hai bên đường chỉ toàn cây dại, cỏ, ao nuôi cá và ruộng bồn bồn, con đường thẳng nối từ đầu xóm đến cuối xóm cũng chỉ rộng chừng 2 mét mà đang chuẩn bị làm nên lầy lội và luôn ngập nước. Cách vài trăm mét mới có một căn nhà lụp xụp ở khuất sau những ruộng bồn bồn.
Tôi dừng lại trên lối vào nhà ông Sáu. Căn nhà của ông thì đúng kiểu căn nhà trong mơ của nhiều người thành phố thích gần gũi thiên nhiên. Căn nhà chừng 30 mét vuông nằm trên một mỏm đất mà xung quanh là ao trồng rau muống và bồn bồn.
Phía trước nhà có một cây cầu tự chế bằng gỗ để nối vào bờ. Cả 4 vách và mái nhà đều lợp bằng cách ráp những tàu lá dừa nước phơi khô lại với nhau, trụ nhà được kết nối bằng những thân cây tràm hoặc bạch đàn khẳng khiu. Vậy mà hay, ngồi ở trong nhà lúc nào cũng mát rười rượi.
Hằng ngày ông đi ghe ra ao của mình để hái rau muống cho bữa cơm trưa và tối Ảnh: Vũ Phượng

Ông Sáu ở đây một mình, vợ và con cái đã chuyển về ở trong lộ, nơi có đèn đường và vật chất đầy đủ hơn. Tôi hỏi: “Ở đây một mình vậy có buồn không chú?”, ông Sáu đáp: “Buồn gì chứ, tôi ở từ nhỏ đến giờ riết quen. Khi nào nhớ vợ thì xách xe máy chạy vèo cái là ra tới lộ, buồn buồn cũng chạy xe ra ngoải uống cà phê”.
Cuộc sống hiện tại của ông Sáu cũng không khác gì với cuộc sống của thời chưa có bờ đắp mà ông kể trước đó. Hằng ngày ông Sáu vẫn thức dậy sớm, cho gà, cho cá ăn, dọn cỏ rồi lại chèo ghe hái ít rau cho bữa cơm trong ngày. Tới chiều ông chạy xe đi xin thức ăn thừa về cho cá ăn.
Khoảng 7 - 8 tháng, ông Sáu xổ cá một lần, mỗi lần được vài chục triệu, đủ để ông mua sắm thêm những đồ gia dụng cần thiết. Ông Sáu cũng dễ tính, ruộng bồn bồn và rau muống ông cho cả xóm tới hái để đi bán khi túng thiếu, còn ông chỉ cần một ít để ăn qua bữa.
Ngày nào đặt lưới thì sáng ông Sáu dậy sớm, xổ cá rồi mang ra chợ bán kiếm đồng ra đồng vô. Cá ông thả chủ yếu là cá rô và cá chép. Ảnh: Vũ Phượng

“Quanh đây còn um tùm dừa nước, mỗi bận làm mệt mà làm biếng về nhà lấy đồ ăn là sẵn cái dao đó chặt luôn một buồng dừa nước rồi ăn tại chỗ. Dừa nước nhiều đường mà, nên hồi sức nhanh lắm”, ông Sáu chia sẻ.
Thiệt, nhìn căn nhà của ông Sáu rồi nghe chuyện sinh hoạt hằng ngày của ông Sáu thôi cũng đủ thấy bình yên.
Đi đâu rồi cũng quay về
Cách nhà ông Sáu chừng 1 km là những căn nhà liên tiếp nhau của anh em ông Trần Ngọc Ẩn (41 tuổi). 9 anh em nhà ông Ẩn cũng ở xóm Gò từ khi mới sinh ra tới nay, sau đó 4 chị gái theo chồng thì 5 anh em vẫn trụ lại ở đây. Đường vào nhà ông Ẩn chỉ 1 xe đi lọt, xung quanh là ruộng bồn bồn.
 
Cây cầu xóm Gò được khánh thành vài năm trước khiến người dân ai cũng vui mừng Ảnh: Vũ Phượng
Ông Ẩn bộc bạch: “Tui ở đây từ nhỏ tới lớn, chỉ đi học đến chừng rành chữ thì thôi học, ở nhà phụ cha mẹ nuôi tôm cá. Giờ mấy anh em nuôi chung một ao cá chứ tui cũng không có ao riêng nên hằng ngày đi câu cá lóc rồi bán kiếm tiền mua thức ăn vào ngày hôm sau”.
Còn bồn bồn thì 1 tháng gia đình ông Ẩn hái khoảng 10 ngày, mỗi ngày hái xong làm sạch sẽ bán được 200.000 đồng. Thu nhập này đủ để ông trang trải tiền học cho hai đứa con trai của mình.
Những đứa trẻ ở xóm Gò chỉ có trái banh làm bạn nên dù nắng hay mưa gì thì được đá banh cũng là một niềm vui Ảnh: Vũ Phượng
“Ở đây vầy chứ mà sống được, thức ăn có sẵn, gà có, cá có, rau có, khi nào muốn đổi món thì mới đi chợ. Chứ vô thành phố sống vừa ồn ào vừa bụi, mà vô đó không có kinh doanh buôn bán gì sao mà sống qua ngày như ở đây được”, ông Ẩn tâm sự.

tin liên quan

Viết tiếp cổ tích cho cậu bé sống 700 đêm cô quạnh giữa mộ bia
Không dừng lại ở việc lo cái ăn cái mặc cho Trần Quốc Lộc, cậu bé sống cô quạnh một mình hơn 700 đêm ở nhà, các tấm lòng hảo tâm gần xa thông qua báo Thanh Niên và nhiều kênh khác đã thực sự mang đến một cuộc sống đủ đầy và bền vững về mọi mặt cho em…
Cũng như ông Ẩn, ông Sáu, nhiều hộ dân khác ở đây quanh năm chỉ hái bồn bồn ở ruộng, làm sạch rồi đem bán, nuôi gà, thả cá… Dù có thiếu thốn về vật chất nhưng người dân ở xóm “ốc đảo” vẫn hài lòng với những gì mình có. Không khí trong lành, sự bình yên cũng chính là “tài sản” hiếm có ở TP đông dân nhất cả nước này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.