Khó thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong năm nay?

Khánh An
Khánh An
12/02/2022 19:10 GMT+7

Giới phân tích cho rằng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) khó thông qua trong năm nay do còn tồn tại nhiều vấn đề chưa có lời giải.

Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc vào ngày 3.8.2021

mofa

Tờ South China Morning Post ngày 10.2 dẫn bình luận của hội đồng chuyên gia tại một diễn đàn về Trung Quốc cho rằng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) sẽ khó sớm được thông qua trong năm nay.

Bình luận được đưa ra sau khi một cố vấn quân sự Trung Quốc hồi tháng 12.2021 cho rằng Trung Quốc và ASEAN vẫn còn nhiều vấn đề bất đồng.

Theo thiếu tướng về hưu của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) Diêu Vân Trúc, các vấn đề đó gồm việc liệu thỏa thuận có mang tính ràng buộc về pháp lý hay không, quy mô về các hoạt động địa lý và hàng hải, và những nước nào sẽ có vai trò liên quan.

Nhiều vấn đề chưa có đáp án

Các chuyên gia đưa ra nhận định tại hội thảo trực tuyến ngày 9.2 mang tên “China Watching: The View from Southeast Asia” (tạm dịch: Quan sát Trung Quốc: góc nhìn từ Đông Nam Á).

Hội thảo này nằm trong loạt đối thoại đồng tài trợ bởi chương trình nghiên cứu châu Á thuộc Trường Dịch vụ đối ngoại Edmund A. Walsh và Sáng kiến Đối thoại Mỹ-Trung về các vấn đề toàn cầu. Cả hai tổ chức này đều thuộc Đại học Georgetown (Mỹ).

Theo phó giáo sư Hoo Tiang Boon tại Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore), đàm phán về COC nhằm kiểm soát căng thẳng ở Biển Đông khó có tiến triển lớn thậm chí trước thời điểm cuối năm 2023.

Trong khi một số ý kiến có thể cho rằng nguyên nhân do nước chủ tịch luân phiên của ASEAN hay thậm chí là do đại dịch Covid-19, ông Hoo cho rằng nhiều vấn đề chưa có câu trả lời.

“Chẳng hạn như cơ chế áp dụng ra sao và cơ chế giải quyết tranh chấp như thế nào, điều gì xảy ra nếu các bên bị cáo buộc vi phạm quy tắc, đây là những vấn đề bất tiện và tôi không cho rằng sẽ được đề cập tổng thể trong thảo luận”, theo ông Hoo.

“Tốt hơn là chưa có bất cứ bộ quy tắc nào hơn là có một bộ quy tắc tồi tệ”, ông phát biểu và cho rằng một bộ quy tắc tồi tệ có thể ràng buộc những lựa chọn của các nước Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cho rằng tình huống “tự do cho tất cả các bên” sẽ xảy ra nếu bất cứ bên nào vi phạm bộ quy tắc. “Một quan điểm nữa là (Trung Quốc) đang cố câu giờ và đàm phán kéo dài trong khi cố tìm cách thay đổi hiện trạng”, ông cảnh báo.

“Điều khoản của Trung Quốc”

Theo nhà nghiên cứu Trần Thị Bích thuộc chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS-Mỹ), có lẽ tốt hơn là không có một bộ quy tắc nào nếu như bộ quy tắc sẽ dựa trên “những điều khoản của Trung Quốc”.

Giáo sư Renato Cruz De Castro tại Đại học De La Salle (Philippines) cho rằng động cơ chính của việc Trung Quốc ngang nhiên quân sự hóa và xây dựng phi pháp tại Biển Đông là muốn đặt các bên vào sự đã rồi.

“Trung Quốc sẽ bảo hãy ổn định tình hình vì chúng tôi đã có các đảo rồi, chúng tôi đã biến Biển Đông thành ao nhà của Hải quân thuộc Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc”, ông Cruz De Castro phát biểu và nói thêm rằng một động cơ khác của Trung Quốc là giữ Mỹ và Nhật Bản ngoài cuộc.

Mỹ công bố nghiên cứu mới phản đối yêu sách Biển Đông của Trung Quốc

Trong khi Philippines hoan nghênh sự hiện diện của hải quân các nước Mỹ, Úc, Anh và Nhật trong khu vực, ông cho rằng điều này sẽ “làm hỏng kế hoạch hoặc các điều khoản trong bộ quy tắc ứng xử của Trung Quốc”.

Ông đặt câu hỏi rằng liệu các nước muốn một bộ quy tắc ủng hộ vai trò của ASEAN và có các bên cùng đến và cân bằng với nhau, hay bộ quy tắc mà sau cùng chỉ có “một khách hàng” là Trung Quốc.

Theo South China Morning Post, dù dự thảo COC được đưa ra vào năm 2018, các bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung hoặc cơ chế đảm bảo thực thi. Vào tháng 8.2021, Trung Quốc và ASEAN thống nhất được lời nói đầu của COC và thảo luận về bản thảo thứ 2 của COC vẫn được tổ chức trực tuyến. Với vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2022, Campuchia cam kết nỗ lực hoàn tất COC trong năm nay. Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ nghi ngờ vì nước này lệ thuộc nhiều về đầu tư, thương mại, hạ tầng và thậm chí quân sự từ Trung Quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.