Khó phân luồng như các nước

13/01/2016 08:11 GMT+7

Phóng viên Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ GDCN (Bộ GD-ĐT), về việc vì sao cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân chưa thể hiện được phân luồng một cách rõ rệt như dư luận mong muốn.

Phóng viên Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ GDCN (Bộ GD-ĐT), về việc vì sao cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân chưa thể hiện được phân luồng một cách rõ rệt như dư luận mong muốn.

Phụ huynh nghe hướng dẫn chọn hướng đi cho học sinh sau khi hết lớp 9 - Ảnh: Đào Ngọc ThạchPhụ huynh nghe hướng dẫn chọn hướng đi cho học sinh sau khi hết lớp 9 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Không thể phân luồng theo thị trường lao động
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố Tờ trình Chính phủ về cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, một số ý kiến cho rằng dự thảo này chưa giải quyết được vấn đề rất bức thiết đặt ra hàng chục năm nay, đó là phân luồng học sinh (HS) sau giáo dục cơ bản. Việc phân luồng ở cấp THPT thực chất vẫn chỉ là phân hóa theo các khối ngành đào tạo ở ĐH chứ không phải theo thị trường lao động. Xin ông cho biết, Bộ giải thích ra sao về vấn đề này?
Ông Hoàng Ngọc Vinh
Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân Bộ vừa trình Chính phủ không phải là điều kiện cần và đủ để giải quyết bài toán phân luồng mà chúng ta đặt ra lâu nay nhưng chưa giải quyết hiệu quả. Có thể xem cơ cấu hệ thống là một trong các điều kiện cần thiết, quan trọng để hình thành các “luồng” cho HS theo nhu cầu học tập suốt đời, năng lực, điều kiện bản thân để hoàn thiện trình độ học vấn, tay nghề với hy vọng cải thiện cơ hội việc làm và có thu nhập.
Nếu nói phân luồng theo thị trường lao động thì theo UNESCO trong tài liệu phân loại các tiêu chuẩn quốc tế về giáo dục (ISCED 2011), chỉ có một nhánh phân luồng sớm ra thị trường lao động mà không rõ là phân luồng theo nhóm kỹ năng nào thị trường lao động cần, do không thể dự báo được nhu cầu chính xác và do bản chất thay đổi, biến động của thị trường lao động. Vì thế, đòi hỏi cơ cấu hệ thống giáo dục vốn ổn định giúp phân luồng theo thị trường lao động luôn biến động sẽ không làm được.
Phân luồng HS sau THCS đã đặt ra từ nhiều năm nay nhưng thực hiện chưa được nhiều do khá nhiều nguyên nhân như: nền kinh tế tăng trưởng nhưng việc làm sẵn có trên thị trường lao động đối với người tốt nghiệp các trường nghề là cản trở cho công tác phân luồng; do "thừa" lao động có trình độ THPT nên rất nhiều doanh nghiệp chỉ tuyển HS tốt nghiệp THPT để đào tạo thêm kỹ năng tại doanh nghiệp vì những đối tượng này dễ đào tạo hơn; yếu tố định hướng nghề nghiệp của các gia đình đều muốn cho con em mình học hết THPT rồi tính tiếp và tâm lý học ĐH còn nặng nề; công tác tuyên truyền, giáo dục hướng nghiệp ở trường phổ thông còn hạn chế, các đoàn thể chính trị xã hội chưa vào cuộc thật quyết liệt, thiếu sự hợp tác giữa các trường nghề và trường phổ thông để dạy kỹ năng nghề nghiệp sớm cho HS; chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, việc cải thiện chất lượng đầu ra khó khăn, đầu vào ách tắc, trường nghề khó thu hút người học.
Kinh nghiệm cho thấy ở địa phương nào cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội vào cuộc cùng sự năng động của cán bộ lãnh đạo nhà trường và đội ngũ giáo viên, có sự hỗ trợ tích cực của doanh nghiệp, phối hợp giữa cơ sở giáo dục phổ thông và đào tạo nghề... thì ở đó sự phân luồng diễn ra khá tốt. Điển hình như: Vĩnh Phúc, Quảng Ninh hay TP.HCM. Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật Q.12 (TP.HCM) mới thành lập năm học này đã tuyển được hơn 900 HS tốt nghiệp THCS có thể là minh chứng sống cho phân luồng.
Công tác phân luồng nếu chỉ chú ý đến các mục tiêu bằng cấp dựa theo cơ cấu hệ thống giáo dục và coi cơ cấu hệ thống là điều kiện cần và đủ cho việc phân luồng thì sẽ lặp lại “vết xe đổ” trước đây

Cả xã hội cần vào cuộc
Nếu HS nào có học lực thật tốt thì mới theo học hệ phổ thông hết 12 năm để vào ĐH, còn lại có thể học 10 - 11 năm và học tiếp lên cao đẳng, trung học nghề... Tại sao Bộ không đề xuất phương án này?
Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân của VN cũng tham khảo nhiều quốc gia trên thế giới có nền giáo dục tiên tiến. Nhưng chúng ta cần nhìn rõ hơn yếu tố thị trường lao động cũng như cấu trúc, điều kiện của nền kinh tế, mối quan hệ giữa ngành kinh tế với GD-ĐT, cũng như các chính sách phát triển bền vững đất nước ảnh hưởng đến chính sách GD-ĐT.
Chúng ta muốn làm như các nước tiên tiến nhưng chịu ràng buộc ở điều kiện văn hóa, tài chính cho giáo dục. Lấy ví dụ ở 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, chi phí trung bình một năm cho một người học nghề ban đầu năm 2006 lên đến 6.985 euro, đến năm 2009 con số này là 8.098 euro, liệu chúng ta có thể theo được các quốc gia đó không với điều kiện tài chính cho giáo dục như hiện nay? Chính một số chuyên gia Ngân hàng Thế giới khuyến cáo các quốc gia đông dân, khi việc làm thiếu và chưa dự báo tốt nhu cầu thị trường lao động thì chính phủ nên tập trung giáo dục phổ thông có chất lượng để tạo nền tảng cho người lao động tương lai có năng lực học tập suốt đời, dễ đào tạo khi thị trường lao động thay đổi.
Công tác phân luồng nếu chỉ chú ý đến các mục tiêu bằng cấp dựa theo cơ cấu hệ thống giáo dục và coi cơ cấu hệ thống là điều kiện cần và đủ cho việc phân luồng thì sẽ lặp lại "vết xe đổ" trước đây. Vì thế, Bộ luôn quan niệm phân luồng vì việc làm (hình thành năng lực nghề nghiệp) và vì thu nhập của người lao động thì khi đó hệ thống của chúng ta sẽ mở hơn - nghĩa là phải đào tạo hướng đến trình độ bằng cấp và đào tạo kỹ năng. Nói cách khác, cả xã hội cần vào cuộc trong đó cơ sở GD-ĐT và doanh nghiệp (cơ quan sử dụng lao động) sẽ phải là những vai "diễn chính", còn nhà nước có vai trò hình thành chính sách, cơ chế để thúc đẩy công tác phân luồng.
Nhiều yếu tố để phân luồng thành công
Định hướng đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục có một phương châm chỉ đạo xuyên suốt là hình thành năng lực cho người học, tiếp cận theo kết quả hình thành năng lực ở đầu ra của quá trình, vì thế giáo dục cơ bản 9 năm sẽ giúp người học có kiến thức, kỹ năng nền tảng để đi theo những con đường học tập và lao động khác nhau. Cá biệt vẫn có những HS năng khiếu sau tiểu học đã vào các trường năng khiếu nghệ thuật, vừa học văn hóa vừa học các kỹ năng đáp ứng nhu cầu và phát triển tiềm năng của các em.
Chúng ta không thể giải quyết bài toán phân luồng thành công với nhiều ẩn số bằng công cụ giản đơn được. Cơ cấu hệ thống giáo dục chỉ nên xem là một trong những điều kiện cần thiết để đóng góp vào quá trình phân luồng và học suốt đời cho người học. Để thành công còn rất nhiều yếu tố thiết yếu khác từ điều kiện kinh tế, tài chính đến thay đổi nhận thức của xã hội với học nghề, sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống và sự tham gia của các doanh nghiệp đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa và một thế giới việc làm đầy biến động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.