Khó khăn đâu chỉ riêng ngành điện…

17/02/2023 04:19 GMT+7

Khó khăn chưa từng có, nguy cơ mất cân đối tài chính nếu không tăng giá... là thông tin mà ngành điện liên tục phát đi trong thời gian gần đây.


Thế nhưng "hoàn cảnh" của ngành điện vẫn chưa nhận được sự cảm thông, chia sẻ của nhiều người, bởi cùng lúc đó không ít dự án điện năng lượng tái tạo vẫn kêu trời vì dư thừa công suất do Tập đoàn điện lực VN (EVN) không mua.

Thực ra ai cũng hiểu, chi phí đầu vào trong mấy năm qua tăng vọt do dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine... gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Với đặc thù nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước, hầu hết lĩnh vực đều bị tác động nặng nề và điện không phải ngoại lệ. Cũng vì lẽ đó, Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh tăng khung giá điện từ ngày 3.2, giá điện bán lẻ chắc chắn cũng sẽ sớm tăng. Dù vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính vẫn lưu ý, giá điện của VN không thể tăng như các nước phát triển, tăng giá cao thì "người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu nổi". Từ đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương "phải suy nghĩ thấu đáo, điều hành không giật cục, dung hòa được lạm phát và tăng trưởng...".

Sở dĩ Thủ tướng phải dặn dò cẩn trọng như vậy bởi giá điện là giá đầu vào của hầu hết các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh. Tăng giá điện, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế hết sức khó khăn hiện nay, là vạn bất đắc dĩ, là chuyện chẳng đặng đừng, chưa kể còn nỗi lo ảnh hưởng đến lạm phát, từ đó tác động đến tổng cầu trong nền kinh tế vốn đang yếu sẵn. Cũng có nghĩa là ngành điện phải vận dụng hết những gì có thể để ổn định giá. Trong trường hợp không được thì hẵng tính đến việc điều chỉnh giá và cũng tăng ít nhất có thể để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Tới đây thì câu hỏi đặt ra là, công suất dư thừa của hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời đang "kêu cứu" hiện nay đã được ngành điện tính toán sử dụng để vừa giảm áp lực tăng giá điện, vừa gỡ khó cho các chủ đầu tư năng lượng sạch, vừa không gây lãng phí và nền kinh tế cũng được "nhờ" hay chưa? Chứ cùng một lúc, ngành điện kêu lỗ mà chủ đầu tư năng lượng tái tạo lại phải gửi đơn kiến nghị đi cầu cứu khắp nơi vì dư thừa, lãng phí công suất, thì... rất khó coi. Nhìn lại, không phải đến bây giờ mà nghịch lý thừa thiếu của ngành điện đã tồn tại nhiều năm nay nhưng chưa được giải thích cụ thể, rõ ràng. Nên điện năng lượng tái tạo cứ kêu cứu, cứ lãng phí trong khi nỗi lo thiếu điện dịp cao điểm vẫn đến hẹn lại lên. Tương tự, ngành điện kêu lỗ lớn nhưng cụ thể các khoản lỗ như thế nào, cơ cấu lỗ từ các nguồn ra sao... cũng nên công bố cụ thể, chi tiết để người dân được biết, để có thể cảm thông chia sẻ.

Từ cuối năm ngoái, kinh tế năm 2023 đã được nhận định sẽ rất khó khăn do tác động từ cả bên ngoài và các vấn đề nội tại bên trong. Ở thời điểm hiện tại, Chính phủ đang bàn rất nhiều giải pháp tài khóa - tiền tệ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn cam go này. Đây là lúc các tư lệnh ngành phải hóa giải các nghịch lý để hạn chế tối đa tình trạng tăng thuế, phí, thủ tục... gây lãng phí nguồn lực cũng như ảnh hưởng đến đời sống xã hội và năng lực cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm nội địa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.