Khó khăn bao trùm Tổng thống Trump

14/01/2021 04:30 GMT+7

Bất chấp Hạ viện thông qua nghị quyết kêu gọi kích hoạt Tu chính án 25 để phế truất Tổng thống Donald Trump, Phó tổng thống Mike Pence thẳng thừng phản đối hành động này.

Hôm qua, Hạ viện Mỹ tranh luận gay gắt về nghị quyết kêu gọi Phó tổng thống Pence kích hoạt Tu chính án 25 để phế truất Tổng thống Trump.
Tu chính án 25 cho phép phó tổng thống cùng đa số nội các tuyên bố tổng thống không đủ khả năng để đảm nhiệm chức vụ, qua đó phế truất nhà lãnh đạo, theo tờ The Hill.

Phe Dân chủ “châm dầu vào lửa” ?

Tại phiên tranh luận, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi chỉ trích Tổng thống Trump làm “nhơ bẩn hiến pháp” khi kích động cuộc nổi loạn tại quốc hội vào ngày 6.1, khiến 5 người thiệt mạng. NBC News dẫn lời bà Pelosi nói việc mạo phạm Điện Capitol sẽ vĩnh viễn là vết nhơ trong lịch sử Mỹ.
Các nghị sĩ đảng Dân chủ cho rằng vai trò của Tổng thống Trump trong vụ bạo loạn là “không thể chối cãi”, trong khi phe Cộng hòa chỉ trích đảng Dân chủ luôn tìm cách bắt tội Tổng thống Trump từ ngày nhậm chức cho đến ngày sắp mãn nhiệm. Hạ nghị sĩ Andy Biggs của đảng Cộng hòa cho rằng cuộc bỏ phiếu này gây lãng phí thời gian và tố cáo đồng nghiệp đảng Dân chủ “châm dầu vào lửa”. Sau cùng, nghị quyết được thông qua với 223 phiếu thuận và 205 phiếu chống.

Phó tổng thống Mike Pence vẫn bảo vệ ông Trump

Tuy nhiên, việc này chỉ mang tính chất hình thức vì trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, Phó tổng thống Pence đã gửi thư cho Chủ tịch Hạ viện Pelosi để tuyên bố rõ rằng ông sẽ không kích hoạt Tu chính án 25.
Trong thư, Phó tổng thống Pence cho rằng việc thực hiện yêu cầu nói trên của đảng Dân chủ không phải là lợi ích tốt nhất cho đất nước, không phù hợp với hiến pháp.
“Tuần trước, tôi đã không chịu khuất phục trước sức ép phải sử dụng quyền lực nằm ngoài thẩm quyền hiến định để xác định kết quả bầu cử, và tôi cũng sẽ không chịu thua trước những nỗ lực của Hạ viện để chơi trò chơi chính trị vào thời điểm rất hệ trọng của đất nước”, Phó tổng thống Pence quả quyết.
Sau đó, Phó tổng thống Pence kêu gọi quốc hội tránh những hành động gây chia rẽ và kích động, thay vào đó nên hợp tác để hạ nhiệt và đoàn kết, đảm bảo việc chuyển giao quyền lực trong trật tự. Theo ông Pence, việc kích hoạt Tu chính án 25 như công cụ trừng phạt sẽ tạo ra “tiền lệ khủng khiếp”, theo AP.
Trước đó, Tổng thống Trump kêu gọi đảng Dân chủ nên cẩn trọng về yêu cầu sử dụng Tu chính án 25 vì có thể người bị ảnh hưởng từ quy định này là ông Joe Biden. “Tu chính án 25 không nguy hại gì cho tôi nhưng sẽ quay lại ám ông Joe Biden và chính quyền của ông ta”, Tổng thống Trump nói trong chuyến đi đến Texas ngày 12.1.
Mặt khác, một nhóm hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa do ông Brian Fitzpatrick dẫn đầu hôm qua công bố nghị quyết kêu gọi khiển trách Tổng thống Trump về vai trò của nhà lãnh đạo trong cuộc bạo loạn ngày 6.1 và những hành động nhằm đảo ngược kết quả bầu cử.
Nhóm nghị sĩ cho rằng việc khiển trách là cách hiệu quả để trừng phạt Tổng thống Trump, đồng thời phản đối việc luận tội vì hành động đó có thể sẽ bị Thượng viện bác bỏ và gây chia rẽ thêm. Ngược lại, giới nghị sĩ đảng Dân chủ phản đối việc khiển trách vì cho rằng hành động này là quá nương tay với những hành vi có thể bị luận tội của Tổng thống Trump.

Đòn tấn công từ người phụ nữ quyền lực

Khó khăn vẫn chưa dừng lại với ông Trump. Cách đây một tuần, không ai ở Washington D.C nghĩ đến chuyện sẽ tiếp tục luận tội Tổng thống Trump lần thứ hai. Nhưng tình hình nay đã khác, khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đầy quyền lực đang nỗ lực “triệt hạ” Tổng thống Trump càng sớm càng tốt.
Bước ngoặt quan trọng trong diễn biến này chính là việc Điện Capitol bị đám đông ủng hộ Tổng thống Trump “chiếm đóng” vào ngày 6.1. Đối với bà Pelosi và các thành viên Dân chủ tại hạ viện, chuyện xảy ra tại Điện Capitol trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng mà có thể nói họ chưa từng phải đối mặt tại trụ sở quốc hội, theo báo Politico hôm 12.1 dẫn lời các nguồn thạo tin.
Hai mươi bốn giờ sau cuộc khủng hoảng trên, bà Pelosi đưa ra lời cảnh báo vô cùng dứt khoát: Đương kim chủ nhân Nhà Trắng là mối đe dọa đối với nước Mỹ, và nếu Phó tổng thống Mike Pence không lập tức hành động để phế truất ông Trump, đảng Dân chủ sẽ tự tay làm điều đó.
Nếu cách đây 2 năm, bà Pelosi dành nhiều tháng để sắp xếp và vận động mọi thứ trước khi hạ viện thông qua nghị quyết khởi động cuộc điều tra luận tội ông Trump, thì lần thứ hai này lại diễn ra rất nhanh. Bên cạnh đó, lần này, bà Pelosi không những đạt được sự nhất trí trong nội bộ Dân chủ tại Hạ viện, mà còn lôi kéo được một số nghị sĩ phe đối thủ, những người buộc phải trải qua những thời khắc sợ hãi tương tự khi đám đông xông vào Nhà Trắng trong cơn giận dữ. Trong số đó, có thể kể đến hạ nghị sĩ John Katko (bang New York), Liz Cheney (bang Wyoming), Fred Upton (bang Michigan), Herrera Beutler (bang Washington), Adam Kinzinger (bang Illinois).
Theo báo The Hill, Thủ lĩnh đa số tại Thượng viện McConnell nhiều khả năng sẽ rút khỏi vai trò bào chữa chính cho Tổng thống Trump nếu Thượng viện tổ chức phiên xử về cáo buộc luận tội.

Quy trình luận tội Tổng thống Trump lần 2 khác gì so với lần đầu?

Khó khăn bao trùm Tổng thống Trump1

Cuộc gặp đầy căng thẳng giữa bà Pelosi và Tổng thống Trump tại Nhà Trắng vào tháng 12.2018

ẢNH: AFP

Là nghị sĩ đại diện bang Califorinia, bà Pelosi (81 tuổi) tái đắc cử Chủ tịch Hạ viện Mỹ lần thứ 4 trong phiên bỏ phiếu hôm 3.1. Đến nay, bà là người phụ nữ duy nhất trên vai trò Chủ tịch Hạ viện, với nhiệm kỳ đầu tiên từ 2007 -2009, kế tiếp là 2009 - 2011, 2019 - 2021 và mới đây vừa khởi động nhiệm kỳ từ 2021. Bà cũng đứng ra chỉ huy nỗ lực của đảng Dân chủ từ cuối năm 2019 nhằm đưa Tổng thống Trump ra luận tội trước Thượng viện, trước khi nhà lãnh đạo được Thượng viện tha bổng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.