Khi 'Vị' không còn là 'vị Việt'

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
28/09/2021 06:30 GMT+7

Việc từ bỏ quyền tác giả của đạo diễn, từ bỏ quyền sở hữu của nhà sản xuất phim Vị cho thấy một số vấn đề của quy định duyệt và phổ biến phim, cũng như hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh hiện nay.

Ngậm ngùi đổi “quốc tịch”

Vị, theo cách nào đó, đã không còn là của Lê Bảo và Đồng Thị Phương Thảo. Theo thông tin từ nhà sản xuất Phương Thảo, cả hai đã ký văn bản từ chối quyền của mình với bộ phim này. Cụ thể, Lê Bảo từ chối quyền tác giả, còn Phương Thảo từ chối quyền sở hữu với tác phẩm.
“Chúng tôi phải ký một văn bản với các công ty đồng sản xuất ở Pháp, Singapore, Đức và Thái Lan. Chúng tôi phải từ bỏ vì đó là hy vọng duy nhất của chúng tôi. Khi phim không còn “quốc tịch” Việt Nam, không liên quan đến chúng tôi ở Việt Nam nữa thì nó còn cơ hội sống, cơ hội đi. Đó là cách duy nhất chúng tôi có thể nghĩ đến. Tôi cũng không biết điều đó ở Việt Nam có được chấp nhận không”, nhà sản xuất Phương Thảo chia sẻ.
Sau khi văn bản này được ký, công ty tại Singapore của nhà đồng sản xuất Lai Weijie hiện là công ty giữ nhiều quyền nhất với phim Vị. Như vậy, Vị đã không còn “quốc tịch” Việt Nam mà mang “quốc tịch” Singapore.
Trước đó, Vị đã không được hội đồng duyệt phim quốc gia của Việt Nam cấp phép phổ biến, khiến phim không được chiếu trong nước và cũng không được mang đi nước ngoài với tư cách là một phim Việt Nam. Dù rất buồn, nhà sản xuất Phương Thảo cho biết cô cùng đoàn phim vẫn mong muốn tác phẩm điện ảnh này có cơ hội được hội đồng duyệt phim xem xét lại, để có thể đến với các liên hoan phim (LHP) với danh nghĩa là phim Việt Nam.
Tháng 7.2021, Cục Điện ảnh đã có quyết định cấm phổ biến phim Vị vì không phù hợp với văn hóa Việt Nam, do trường đoạn khỏa thân trực diện quá dài. Trước đó, nhà sản xuất phim Vị cũng bị Thanh tra Bộ VH-TT-DL phạt 35 triệu đồng vì gửi phim dự LHP Berlin khi chưa được phép phổ biến. Quyết định xử phạt được đưa ra sau khi Vị được trao giải đặc biệt của ban giám khảo hạng mục Encounters.
Luật sư Phạm Duy Khương chuyên về lĩnh vực sở hữu trí tuệ cho rằng việc từ bỏ quyền sở hữu với tác phẩm của nhà sản xuất không có vấn đề gì về pháp lý. Tuy nhiên, việc từ bỏ quyền nhân thân của đạo diễn phức tạp hơn nhiều. Ông Khương cho biết hiện tại ở Việt Nam tuy luật không cấm, song không có quy định cụ thể về việc từ bỏ quyền nhân thân. Vì thế, việc từ bỏ quyền tác giả này sẽ khó thực hiện. Tuy nhiên, nếu việc từ bỏ được thực hiện theo pháp luật Singapore thì có thể.
Giám tuyển nghệ thuật Nguyễn Anh Tuấn (chủ của Heritage Space) đánh giá việc Vị không còn mang “quốc tịch” Việt Nam là một điều đáng buồn. Ông cũng nhận định đây là cách “giữ an toàn” khi kiểm định nghệ thuật phải đối mặt với những nội dung “khó hiểu”, “nhạy cảm” mà chưa có thang bậc pháp lý nào quy định rõ ràng.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL), chiều 27.9 cho biết Cục Điện ảnh đã có buổi làm việc với nhà sản xuất Đồng Thị Phương Thảo và yêu cầu nhà sản xuất có văn bản về vụ việc này.

Cần có cơ chế khác cho duyệt phim

Lý do để Vị không được cấp phép là cảnh khỏa thân trực diện kéo dài. Điều này đã được mổ xẻ trong cuộc tọa đàm trực tuyến Ai góp ý giơ tay lên về dự thảo luật Điện ảnh sửa đổi, diễn ra chiều 26.9. Thành viên của hội đồng duyệt phim, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng với bà, cảnh khỏa thân đó không kéo dài, nó hợp lý, tuy nhiên với thành viên khác của hội đồng thì không. Thêm vào đó, quy định hiện tại về phân loại phim chỉ có cao nhất là C18 (cấm khán giả dưới 18 tuổi) và nó cũng không áp dụng được với trường hợp của Vị. “Khi chúng ta không thể phân loại cho họ nữa thì họ bị cấm”, bà Điệp nói.
Bà Điệp cũng nuối tiếc, nếu luật Điện ảnh hiện hành khác đi thì câu chuyện cũng có thể khác. Có thể có thêm những phân loại tuổi khác nhau cho phim; hoặc cần có quy định rõ ràng cảnh khỏa thân được kéo dài đến đâu. Quy định này thậm chí còn giúp người làm phim có thể sáng tạo dễ dàng hơn. Đạo diễn Trần Anh Hùng lấy ví dụ về nụ hôn dài nhất trong phim của Alfred Hitchcock. Luật điện ảnh Mỹ thời điểm đó quy định mỗi nụ hôn trên phim không dài quá 3 giây, đạo diễn đã cho nhân vật chạm môi nhau 3 giây lại rời môi rồi chạm lại, cứ thế nụ hôn kéo dài đến hơn 2 phút.
Mới đây, phim Miền ký ức dài 99 phút (nhà sản xuất: Nguyễn Ngọc Mai - Nicole Phạm - Đặng Xuân Trường; biên kịch và đạo diễn: Bùi Kim Quy; đạo diễn hình ảnh: Đặng Xuân Trường; quay phim: Nguyễn Trung Kiên) vừa được Cục Điện ảnh cấp phép phổ biến và sẽ dự LHP Busan (Hàn Quốc) năm nay (6 - 15.10). Phim tham dự hạng mục New Currents dành cho các phim xuất sắc từ các nhà làm phim mới đương đại. Đây cũng là hạng mục mà đạo diễn Trần Thanh Huy và phim Ròm đã dự và thắng giải hồi năm 2019. Miền ký ức sẽ có 3 buổi chiếu và giao lưu tại Busan.

Cảnh trong phim Miền ký ức

Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Chuyên gia pháp lý Fushihara Hirota cũng cho rằng việc sửa đổi luật Điện ảnh cần tập trung vào phân loại phim trước. Theo đó, nên tập trung xây dựng bộ tiêu chí thay cho điều cấm. Những tiêu chí này được bổ sung liên tục. Cũng theo ông Hirota, hội đồng duyệt chỉ có thể phân loại phim chứ không phải để cấm.
Những kiến nghị để có một cơ chế khác cho duyệt phim đi LHP nước ngoài của các nhà làm phim này gợi lại ý kiến cách đây vài ngày của ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, trong phiên họp xem xét thẩm tra dự án luật Điện ảnh sửa đổi hôm 24.9. Theo đó, trong báo cáo thẩm tra dự án luật Điện ảnh sửa đổi, ông Vinh yêu cầu “nghiên cứu, có cơ chế cấp phép đặc thù đối với phim Việt Nam tham gia LHP, giải thưởng, cuộc thi phim, chương trình phim, tuần phim tại nước ngoài”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.