Khi tượng đài vẫn chỉ để tuyên truyền

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
18/07/2022 06:25 GMT+7

Cụm tượng đài Công an nhân dân vì dân phục vụ , do Bộ Công an phối hợp Bộ VH-TT-DL và UBND TP.Hà Nội xây dựng, vừa được khánh thành vào hôm qua 17.7 tại Hà Nội. Cụm tượng gồm 7 nhân vật, cao khoảng 7,2 m, chất liệu ép đồng công nghệ mới .

Về cụm tượng đài này, ông Vi Kiến Thành, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Ủy viên Hội đồng nghệ thuật của công trình, cho biết: “Tượng này mang yếu tố tuyên truyền là chủ yếu, còn giá trị nghệ thuật không có gì mới”.

Cũng theo ông Thành, ở Việt Nam các công trình tượng đài và mỹ thuật công cộng vẫn chưa bước sang được cái gọi là công trình nghệ thuật. “Cứ điểm hết công trình tượng đài hiện có ở Việt Nam này, có thể thấy công trình tượng đài ngoài trời của chúng ta là tranh cổ động bằng hình khối”.

Cụm tượng đài Công an nhân dân vì dân phục vụ

Trinh Nguyễn

Cụm tượng đài Công an nhân dân vì dân phục vụ thể hiện hai nhóm nhân vật rõ rệt. Một nhóm 3 người, trong đó có nhân vật cảnh sát giao thông đang chỉ đường. Nhóm còn lại gồm những chiến sĩ công an đang cầm vòi rồng, mang bình cứu hỏa, trên vai bế em bé vừa thoát khỏi hỏa hoạn. Hai nhóm nhân vật này được chia rõ ràng tới mức cảm giác chúng “không thuộc về nhau”, hoàn toàn có thể tách riêng.

Về điều này, ông Thành cho biết: “Ban đầu phác thảo là hai nhóm tượng. Khi ghép lại thành một bố cục chỉnh thể phải nói là rất khó. Hai nội dung bản thân rất khó là chỉnh thể đi với nhau. Ghép lại thì nó gọn gàng về phân bổ sự chiếm lĩnh không gian thực tế, chứ hai nhóm tượng ở hai góc còn phức tạp thế nào. Thứ hai là nó giảm được kinh phí”.

Ông Thành cũng chia sẻ về ngôn ngữ hiện thực của cụm tượng đài. Ngay từ đầu, chủ đầu tư đã xác định tượng phải theo phong cách hiện thực. Ông đánh giá: “Xem công trình tượng đài ngoài trời của mình, hiện nay ngoài tượng Mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam là còn có ngôn ngữ biểu hiện, thể hiện ở những hình tượng người lính giải phóng được đan cài trong lồng ngực người mẹ, còn lại thì có công trình nào ngoài phương pháp sáng tác hiện thực đâu. Tượng đài của mình đến 90% theo phương pháp hiện thực”.

Ông Thành còn chia sẻ cái nhìn thông cảm với chủ đầu tư: “Khó tìm được chủ đầu tư nào chấp nhận sáng tác tượng đài mà không theo ngôn ngữ hiện thực. Bởi vì làm công trình công cộng là chúng ta phải theo ý tưởng của chủ đầu tư. Nên thẩm mỹ của chủ đầu tư ở mức nào chúng ta chấp nhận như thế, phải coi chuyện đó không có gì bức xúc cả”.

Tôn vinh những chiến sĩ công an đang gìn giữ bình yên cho xã hội là điều nên làm. Tuy nhiên, tôn vinh họ thế nào lại là câu chuyện cần bàn tới. Một cụm tượng đài mà ngay khi nhìn vào đã thấy sự thiếu liên kết giữa các nhóm nhân vật, lại có sự an toàn cũ kỹ khi chọn ngôn ngữ thể hiện là điều cần cân nhắc. Đặc biệt khi đây là công trình có sự tham gia của Bộ VH-TT-DL, cũng là cơ quan quản lý nhà nước ngành mỹ thuật.

Có thể có ý kiến rằng đây là thẩm mỹ hiện nay, sự lựa chọn này là lựa chọn của phần lớn chủ đầu tư. Tuy nhiên, cụm tượng đài này sẽ còn tồn tại với thời gian và thế hệ sau sẽ đặt câu hỏi về việc tại sao thẩm mỹ hiện thực lại được giữ lâu đến thế, sao không có đột phá trong thay đổi tư duy tượng đài? Sự thay đổi ấy, nếu có, chắc chắn sẽ giúp việc tôn vinh các chiến sĩ công an trở nên tươi mới và dễ dàng truyền cảm hứng hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.