Khi Tổng thống Biden ưu tiên châu Á

29/04/2022 13:00 GMT+7

Mục đích của ông Biden trong chuyến đi châu Á sắp tới là củng cố quan hệ đồng minh quân sự với Nhật Bản và Hàn Quốc để đối phó với thách thức từ Trung Quốc và Triều Tiên.

Nhà Trắng vừa thông báo nhân dịp tham dự hội nghị thượng đỉnh của “bộ tứ an ninh” gồm Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ diễn ra vào tháng 5 tại Tokyo, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm chính thức nước chủ nhà của hội nghị và Hàn Quốc.

Tổng thống Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong lần gặp ở Bỉ hồi tháng 3

Chụp màn hình kyodo

Tokyo và Seoul đều là những đồng minh chiến lược truyền thống của Washington. Nên từ nhiều năm qua, tổng thống Mỹ nào sau khi lên cầm quyền thì đều chọn điểm đến là Nhật Bản và Hàn Quốc cho chuyến công du châu Á - Thái Bình Dương lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức.

Ban đầu, ông Biden ưu tiên chính sách đối ngoại cho việc đối phó Trung Quốc và cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Nhưng dịch bệnh Covid-19 cùng với khó khăn về đối nội, rồi chiến sự Ukraine đã chiếm hết những vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự của ông Biden. Đối phó Nga liên quan chiến sự ở Ukraine đã giúp ông Biden khôi phục lại được vai trò lãnh đạo thật sự của Mỹ trong khối các nước phương Tây. Từ đó tạo tiền đề thuận lợi, đồng thời thúc đẩy ông Biden phải quan tâm nhiều hơn về vấn đề Trung Quốc và Indo-Pacific.

Mục đích của ông Biden trong chuyến đi châu Á sắp tới là củng cố quan hệ đồng minh quân sự với Nhật Bản và Hàn Quốc để đối phó với thách thức từ Trung Quốc và Triều Tiên. Đó còn là vừa đối phó Trung Quốc vừa phân rẽ Trung Quốc với Nga, là vừa tranh thủ Ấn Độ cùng đối phó Trung Quốc, vừa phân hóa Ấn Độ với Nga. Ngoài ra, ông Biden còn phải cùng Nhật Bản và Úc không để khác biệt quan điểm với Ấn Độ trong vấn đề Ukraine gây cản trở sự đồng thuận của “bộ tứ”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.