Khi thú cưng dùng điện thoại

27/11/2021 08:19 GMT+7

Các nhà nghiên cứu vừa tạo ra thiết bị mang tên DogPhone giúp thú cưng có thể liên lạc với chủ nhân từ xa.

Do đã quen ở cạnh chủ nhân trong suốt mùa dịch Covid-19, nhiều thú cưng hẳn sẽ thấy cô đơn khi chủ nhân bắt đầu đi làm trở lại.

Với ý tưởng đó, tiến sĩ Ilyena Hirskyj-Douglas của Đại học Glasgow (Scotland) cùng các đồng nghiệp từ Đại học Aalto (Phần Lan) đã tạo ra hệ thống DogPhone và thử nghiệm trên chú chó Zack 10 tuổi.

Thú cưng có thể chủ động sử dụng công nghệ với DogPhone

chụp màn hình

Để gọi chủ nhân, chú chó Zack sẽ nhặt và lắc một quả bóng có gắn máy đo gia tốc. Khi cảm biến gia tốc kế chuyển động, nó sẽ tạo cuộc gọi video trên laptop đặt trong phòng khách, giúp Zack nhìn thấy và tương tác với chủ nhân. Chủ nhân cũng có thể dùng hệ thống này để gọi thú cưng và chúng có quyền trả lời hoặc bỏ qua cuộc gọi. Theo Techxplore, kết quả nghiên cứu đã được công bố trong Hội nghị Tương tác Không gian và Bề mặt tại Ba Lan gần đây.

Với DogPhone, chú chó gọi điện thoại cho chủ đến 5 lần/ngày

Tiến sĩ Hirskyj-Douglas là chuyên gia về tương tác giữa động vật và máy tính. Bà nghiên cứu những cách làm phong phú cuộc sống của thú nuôi thông qua công nghệ.

Bà cho biết: "Người nuôi chó có thể chọn mua giữa hàng trăm món đồ chơi thông minh kết nối internet trên thị trường, từ máy tập thể dục cho đến máy cấp thức ăn được điều khiển từ xa. Đồ chơi thông minh cho thú nuôi có thể trở thành ngành công nghiệp 20 tỉ USD vào năm 2025".

Chú chó Zack của tiến sĩ Hirskyj-Douglas và quả bóng chứa cảm biến gia tốc kế

chụp màn hình

Theo tiến sĩ Hirskyj-Douglas, những món đồ chơi đó chỉ phục vụ nhu cầu của người nuôi thú cưng mà không để tâm đến nhu cầu và cảm xúc của chính vật nuôi. Vậy nên bà muốn DogPhone sẽ giúp thú cưng sử dụng công nghệ một cách chủ động hơn.

Tiến sĩ Hirskyj-Douglas rất chú ý đến những đồ vật mà Zack thích chơi cùng, như cây gậy hay đồ chơi nhồi bông. Cuối cùng bà chọn một quả bóng mềm vì đây là món đồ mà Zack hay nghịch nhất.

Với sự giúp đỡ của các đồng nghiệp từ Đại học Aalto, tiến sĩ Hirskyj-Douglas đã chế tạo máy đo gia tốc kết nối internet và giấu bên trong quả bóng. Bà dạy chú chó cách dùng bóng để gọi video cho chủ nhân và cho Zack chơi với quả bóng khoảng 16 ngày, rải đều trong quãng thời gian 3 tháng.

Trong giai đoạn thử nghiệm đầu tiên kéo dài hai ngày, Zack thực hiện 18 cuộc gọi, một nửa cuộc gọi xảy ra khi Zack ngủ quên bên cạnh quả bóng. Điều đó cho thấy hệ thống gia tốc kế hiện quá nhạy. Khi tỉnh táo, Zack gọi chủ nhân để khoe với bà những món đồ chơi của mình và tiến đến gần màn hình, cho thấy Zack muốn tương tác nhiều hơn

Trong giai đoạn thử nghiệm thứ hai, kéo dài 7 ngày, Zack chỉ gọi hai lần vì các nhà nghiên cứu đã điều chỉnh gia tốc kế kém nhạy đi nhiều. Trong giai đoạn cuối cùng, gia tốc kế được tinh chỉnh lại để loại bỏ những cuộc gọi vô ý và gia tăng những cuộc gọi có chủ đích. Sau lần này, Zack thực hiện tổng cộng 35 cuộc gọi, trung bình 5 cuộc gọi/ngày.

Zack gọi cho chủ nhân

chụp màn hình

Trên màn hình, tiến sĩ Hirskyj-Douglas thường xuyên cho Zack thấy văn phòng bà làm việc, nhà hàng, ga tàu điện ngầm, người trên phố. Zack tỏ ra thích thú, vểnh tai và tiến lại gần màn hình.

Tiến sĩ Hirskyj-Douglas không chắc rằng Zack đã nhận thức được mối liên hệ giữa việc nhặt bóng và gọi điện cho chủ nhân. Tuy nhiều cuộc gọi chỉ xảy ra một cách ngẫu nhiên, bà vẫn tin rằng đây là một bước tiến trong việc phát triển "internet cho chó", giúp thú cưng có quyền tự chủ hơn với công nghệ. Bà cũng đang có kế hoạch phát triển thêm các thiết bị DogPhone thế hệ tiếp theo.

Chuyện lạ: chọn chó theo cung hoàng đạo để khuyến khích "nhận nuôi, đừng mua"
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.