Khi teen “nổi loạn”

23/03/2010 13:01 GMT+7

Đoạn clip các nữ sinh Hà Nội đánh nhau chưa kịp nguội trên mặt báo, những vụ bạo lực học đường khác lại liên tiếp xảy ra. Thế giới tuổi teen nói chung và học trò nói riêng đang xuất hiện nhiều lối sống lập dị và đầy bất ổn. Tự đề cao bản thân, “nổi loạn”... đang trở thành mốt.

Mái tóc xù nhuộm đỏ, áo thun lệch vai thùng thình, lòe loẹt, quần soóc cũn cỡn đính nhiều sợi xích bạc, tất lưới ngang đùi, giày bốt cao... cô gái M.T, một nữ sinh lớp 10 hiện đang theo học ở một trường THPT quận Bình Thạnh-TPHCM cùng nhóm bạn dạo vài vòng trong Diamond Plaza để mua sắm và... khoe trang phục.


Thật kỳ quặc nếu các bạn trẻ “bê” nguyên trang phục này vào cuộc sống

Phục trang... quái

Giải thích về lối phục sức cầu kỳ và khá lạ của nhóm, M.T cho biết: “Tụi em sinh hoạt trong một nhóm chơi cosplay”.

Cosplay (tạm dịch là “chơi trang phục”) là một trào lưu trong giới 9X hiện nay, dù khá tốn kém. Người chơi sẽ hóa trang thành nhân vật truyện manga (một dòng truyện tranh Nhật Bản) mà mình yêu thích khi tham gia vào các lễ hội cosplay.

May một bộ cosplay thường tốn khoảng vài trăm ngàn đến vài chục triệu đồng, tùy vào “đẳng cấp” của người chơi.

Bản chất của phong trào này vốn khá vui vẻ. Tuy nhiên, có quá nhiều biến tướng của phong trào này để thể hiện bản thân đã làm cô cậu tuổi teen trở thành dị hợm. Một bộ phận không nhỏ các bạn học sinh theo trào lưu này, như M.T, mang cả những phục trang, những mái tóc màu sắc chỉ dành cho lễ hội ấy vào đời thường và thậm chí là cả môi trường học đường.

M.T còn chia sẻ: “Nhuộm tóc đỏ thế này cũng sợ thầy cô lắm. Nhưng mà lỡ mê quá, cứ muốn được giống nhân vật. Mỗi lần vào cổng trường, em phải tìm cách né thầy giám thị. Bữa trước xui quá, mới tậu cái hình xăm giả (loại vẽ giả xăm) ấn tượng lắm, gần trăm ngàn, lại bị “tóm”,  xóa đi”.

Cũng “nổi bật” với cách ăn mặc khác người là các bạn trẻ theo phong trào emo. Emo, gọi nôm na là “sống cảm xúc” (nguyên gốc tiếng Anh “emotion” – cảm xúc), xuất hiện ở Việt Nam từ khoảng 5 năm trước, là trào lưu tôn thờ... nước mắt và lối sống ủy mị.

Xóa bỏ quá khứ!

P.T.V có vẻ ngoài hiền lành, tính tình kín đáo, thường trung thành với những chiếc áo dài tay, cổ cao. Rất lâu sau khi quen biết, V. mới để cho chúng tôi nhìn thấy những đường sẹo lồi rất mảnh ở mặt ngoài cánh tay, gần phía vai tạo thành dòng chữ tiếng Anh “IM SAD” (tôi buồn).

V. kể: “Cách đây 4 năm, khi còn học phổ thông,  vì một số đổ vỡ trong chuyện tình cảm, rồi ba mẹ ly hôn, tôi đã gia nhập một nhóm emo và có khoảng thời gian sống khá bất cần. Trong một lần “cắn” thuốc lắc, tôi và một cô bạn đã dùng dao lam “viết” lên tay nhau. Đó là những dấu tích buồn mà tôi luôn ước có thể xóa bỏ”.

Trên ngực cô, gần vai phải, còn có một vết sẹo là dấu tích sau khi xóa xăm. V. cho biết vị trí đó trước đây đã từng “ngự trị” một con bướm đường kính khoảng 4 cm.

Hình ảnh một emo gắn liền với lối ăn mặc trung tính (cách ăn mặc của nam và nữ khá giống nhau), chủ yếu màu đen và trắng, khuôn mặt trang điểm trắng bệch, mắt tô đậm, nét mặt buồn rầu và thiếu sức sống. Trên tay các emo lại hay có những vết sẹo... tự tạo bằng dao lam, một “dấu ấn” đáng lo ngại đối với các bạn trẻ theo phong trào này.

Lối phục trang của emo và một số trào lưu khác cũng không phù hợp với văn hóa Việt, nhất là khi các teen còn gắn với môi trường học đường. Giám thị của một trường THPT tại TPHCM đã chỉ cho chúng tôi xem cả... một thùng những sợi dây xích, gài tóc quái đản, những mặt dây chuyền hình dao lam, xương trắng... đã thu được từ những cô cậu học sinh muốn “phá cách”.

“Vì nội quy của trường là không được ăn mặc phản cảm nên chúng tôi tịch thu những phụ tùng “lạ” này và mời phụ huynh các em đến nhận lại” - thầy cho biết.

Mốt...  rạch tay

N.T.L, một nữ sinh 15 tuổi, cho chúng tôi xem cánh tay với những đường sẹo chằng chịt không rõ hình thù của mình và giải thích: “Khi đau khổ, chúng em sẽ dùng dao lam rạch như thế để... bớt đau. Nhiều khi gặp chuyện buồn, làm gì cũng không quên đi được, nhưng khi rạch được vài đường thế này thì em thấy nhẹ nhõm ngay”.

Buổi sáng, L. là một nữ sinh bình thường, ăn nói nhỏ nhẹ, dịu dàng. Chiếc áo dài học trò với hai ống tay dài đủ để em che đi vết sẹo mà không ai thắc mắc. Nhưng tối đến, khi đi cùng bạn bè, em mới thật sự “thoát xác” thành emo, với những chiếc áo ngắn khoe cánh tay đầy sẹo như một niềm tự hào.

Khi chúng tôi hỏi đến cha mẹ, em chỉ trả lời bằng tiếng thở dài và một cái lắc đầu. Những hình ảnh emo Việt rạch tay, “viết chữ” lên cơ thể bằng dao lam đầy rẫy trên những trang web và blog cá nhân.


Rạch tay bằng dao lam, cách ghi dấu ấn nỗi buồn của một bạn trẻ

P.T.V là một trong số ít những bạn trẻ “lạc lối” kịp thời tìm đường về. “Có lần, một người bạn “cùng hội” với tôi trong cơn say thuốc đã rạch một đường khá sâu nơi mặt trong cách tay, trúng mạch máu. May là có người phát hiện đưa đi cấp cứu kịp, chứ chúng tôi lúc đó đã chẳng còn đứa nào tỉnh mà biết bạn mình đang kề cận cái chết. Mẹ bạn ấy tất tả chạy vào bệnh viện. Nước mắt xót xa của bà khiến tôi tỉnh ngộ” - V. tâm sự.

Có đến 4 em khác trong nhóm bạn 7 người của L. mang trên tay những vết sẹo, trong đó có 3 em rạch thành chữ và 1 em có những đường sẹo ngang dọc không trật tự như L.

Cậu học sinh 17 tuổi này cho biết em bắt đầu rạch những đường đầu tiên cách đây một năm, khi gặp chuyện buồn ở trường. Nhưng điều đó cũng bắt đầu cho một chuỗi ngày dài của những đường rạch mà em bảo là “nghiện rồi, bỏ không được”.

Khi chúng tôi khuyên em tìm đến một trung tâm tư vấn, em băn khoăn một lúc rồi nói: “Em cũng có nghĩ đến, nhưng chỉ sợ mấy bạn không chơi với em nữa”.

Giải thích về sự “nhẹ nhõm” mà cậu học sinh nêu trên cảm giác được, ThS - BS Nguyễn Ngọc Quang, Trưởng Khoa B Bệnh viện Tâm thần TPHCM, cho biết: “Khi chất kích thích làm hệ thần kinh trung ương mất kiểm soát sẽ tạo nên ảo giác. Đó có thể là sự hưng phấn hay cảm giác tuyệt vọng. Khi cảm giác ảo ấy lên đến đỉnh điểm, cơ thể thôi thúc một sự thỏa mãn và hành động tự hủy hoại sẽ đem đến sự thỏa mãn ấy. Nhưng điều này cũng có nghĩa các em sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ, trong đó có cả HIV và những bệnh lây qua đường máu nếu dùng chung dao lam trong lúc không tỉnh táo. Và đôi khi, chính những suy nghĩ “sợ các bạn cách ly”, ý muốn khẳng định bản thân lệch lạc ấy sẽ khiến các em ngày một dấn sâu hơn vào lối sống sai lầm”.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.