Khi tàu sân bay Nhật Bản thể hiện sức mạnh ở Biển Đông

14/10/2020 16:25 GMT+7

Việc điều động tàu khu trục chở trực thăng (được xem như tàu sân bay trực thăng) JS Kaga tập trận cùng hải quân Úc, Mỹ ở Biển Đông, Nhật Bản cùng các đồng minh đang muốn gửi thông điệp mạnh mẽ đến Trung Quốc .

Hôm qua 13.10, Hải quân Mỹ thông báo 2 tàu chiến của nước này là tàu khu trục USS John McCain và tàu tiếp dầu USNS Tippecanoe tập trận cùng 2 chiến hạm Nhật Bản ở Biển Đông từ ngày 12.10.

Hôm nay (14.10), trả lời Thanh Niên, TS.Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng chuyến hải hành đang diễn ra của tàu JS Kaga đã thể hiện nhiều thông điệp.

Kaga-2.jpg - Tàu chiến và tàu tiếp dầu Mỹ cùng 2 chiến hạm Nhật tập trận ở Biển Đông từ ngày 12.10

Hải quân Mỹ

Hải trình nhiều thông điệp

Thứ nhất, về lộ trình thì tàu JS Kaga được hộ tống bởi tàu khu trục JS Ikazuchi bắt đầu từ Nhật Bản, đi qua Biển Đông và tập trận với hải quân Úc tại đây từ ngày 13-17.9. Tiếp đó, tàu này đến Ấn Độ Dương và tập trận chung với hải quân Ấn Độ và Sri Lanka.

Sau đó, 2 chiến hạm JS Kaga và JS Ikazuchi quay về, kết hợp cùng tàu ngầm SS Shoryu (Nhật) tập trận chống ngầm ở Biển Đông. Đến ngày 12.10, cũng tại Biển Đông, cặp chiến hạm JS Kaga và JS Ikazuchi tập trận cùng tàu khu trục USS John McCain, tàu tiếp dầu USNS Tippecanoe của Mỹ.

Tàu sân bay JS Kaga trong lần diễn tập với hải quân Ấn Độ, cuối tháng 9.2020

JMSDF

“Hải trình và hoạt động này không chỉ thể hiện thông điệp từ Nhật Bản mà còn là thông điệp chung của “bộ tứ kim cương” gồm Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ về sự hợp tác toàn diện ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific)”, ông Nagao đánh giá và phân tích thêm: “Đầu tháng 10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng đề cập việc xây dựng một liên minh NATO ở châu Á để thể chế hóa “bộ tứ kim cương”.

Khu trục hạm chở trực thăng, tàu ngầm Nhật Bản tập trận ở Biển Đông

Hải trình lần này của JS Kaga phần nào thể hiện được bóng dáng của một liên minh như vậy, dù “NATO châu Á” có thể không hoàn toàn giống NATO hiện tại ở Đại Tây Dương”.

Bên cạnh đó, theo TS.Nagao, việc thúc đẩy sự hợp tác ở Indo-Pacific có cơ hội tiến lên một bước mới khi tân Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga dự kiến có chuyến công du đến Việt Nam và Indonesia.

Tàu khu trục chở trực thăng JS Kaga được xem như một tàu sân bay cỡ vừa, trong tương lai sẽ trang bị tiêm kích tàng hình F-35B

JMSDF

Vai trò của Tokyo

Ý nghĩa thứ hai, TS.Nagao cho rằng hoạt động của tàu JS Kaga thể hiện thêm vai trò của Nhật trong “bộ tứ kim cương”.

“Trước đây, Tokyo không tiến hành nhiều hoạt động ở Indo-Pacific nói chung, Biển Đông nói riêng. Tuy nhiên, việc Trung Quốc hiện đại hóa quân sự một cách quá mức đã thay đổi cục diện. Cả 3 đối tác còn lại trong “bộ tứ kim cương” đang chia sẻ cùng Washington để ứng phó Bắc Kinh. Đến nay, Nhật, Úc và Ấn Độ đã tăng cường năng lực tấn công tầm xa. Tàu JS Kaga được nâng cấp để có thể mang theo chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35 để trở thành một tàu sân bay thực thụ. Như thế, ở Biển Đông và Ấn Độ Dương, Tokyo từng bước đóng vai trò quan trọng hơn”, ông Nagao đánh giá.

Trực thăng trên tàu sân bay JS Kaga trong lần tập trận chung với hải quân Ấn Độ, cuối tháng 9.2020

JMSDF

Thực tế, từ năm 2012, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Shinzo Abe đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc đang muốn biến Biển Đông thành “ao nhà”. Lúc bấy giờ, ông Abe ngầm thể hiện Nhật Bản sẽ không khoanh tay đứng nhìn.

Thông điệp thứ ba mà TS.Nagao chỉ ra là: Các hoạt động tập trận chung, viếng thăm của tàu JS Kaga không dừng lại ở mức quan hệ hữu nghị mà đang hướng đến hoàn thiện nhóm tác chiến tàu sân bay. Nhật Bản đã cử tàu ngầm SS Shoryu tập trận chung cùng JS Kaga và JS Ikazuchi về khả năng chống tàu ngầm ở Biển Đông.

Từ phải sang: tàu sân bay JS Kaga, tàu khu trục JS Ikazuchi và tàu ngầm SS Shoryu (Nhật) tập trận chống ngầm ở Biển Đông mới đây

JMSDF

Đối với các nhóm tác chiến tàu sân bay, tàu ngầm vẫn là nguy cơ lớn nhất. Nên cuộc tập trận vừa nêu đã thể hiện năng lực của tàu ngầm trong việc hộ tống tàu sân bay.

“Từ những thực tế trên, có thể thấy trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng quân sự hóa ở Biển Đông, “bộ tứ kim cương” cũng tăng cường quân sự mạnh mẽ ở vùng biển này và khu vực lân cận”, TS.Nagao đánh giá.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.