Khi sinh viên học... xếp hàng, xin lỗi, cảm ơn

14/08/2017 10:05 GMT+7

Tại khu căng tin của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, rất nhiều sinh viên (SV) đang xếp hàng để mua đồ ăn. Bỗng có một SV nam chen vào.

Lập tức, SV nữ đang đứng đợi quay sang nói nhỏ “Bạn ơi, mình đến trước”. SV nam cười ngại ngùng, nói xin lỗi rồi đi ra sau.

tin liên quan

Điểm chuẩn sư phạm giảm sút: Nỗi lo chất lượng giáo viên
Năm học mới bắt đầu, trong rất nhiều nỗi lo thường trực vào mỗi mùa tựu trường, năm nay trỗi lên sự bất an về chất lượng nhà giáo khi dư luận đang sôi sục về điểm chuẩn của ngành sư phạm, nhất là ở các trường cao đẳng sư phạm địa phương, thí sinh chỉ cần 3 điểm mỗi môn đã trúng tuyển.
Nhiều bạn trẻ ý thức còn kém
Trong khi đó, ở một lớp học của Khoa Báo chí trường này, sau khi tan lớp, rất nhiều chai nước, giấy gói đồ ăn bị vứt lại khiến giảng đường trông “như một bãi rác”. SV Vũ Như Yến bèn nói với nhóm bạn vừa “để lại rác”: “Sao nãy các bạn không dọn đồ trước khi về”. Một trong nhóm bạn trả lời: “Ừ, tớ quên không vứt”.
Vũ Như Yến tiếp tục kể lại: “Các cô lao công rất khó chịu khi SV vứt chai nước, giấy, đồ ăn bừa bãi. Ở nhà vệ sinh cũng vậy, rất nhiều bạn không giữ gìn vệ sinh chung. Mặc dù công việc của cô là dọn rác, lau chùi dọn dẹp, nhưng nếu SV nào cũng có ý thức thì không những tạo được nét văn hóa cho chính bản thân mà còn giúp các cô lao công đỡ vất vả”.

tin liên quan

Hơn 100.000 thí sinh không xét tuyển cũng đóng lệ phí!
Có tới hơn 100.000 thí sinh đã đóng lệ phí đăng ký xét tuyển nhưng không đủ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào không được hoàn lại tiền dù không tham gia xét tuyển. Số tiền này gộp lại không nhỏ.
Theo tiến sĩ Đặng Thị Ngọc Lan, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, phần lớn SV vẫn chưa để ý lắm tới văn hóa ứng xử hằng ngày ở bên ngoài xã hội, ở trong trường ĐH, với gia đình, thầy cô và bạn bè. “Chẳng hạn nhiều em chưa biết xếp hàng, ăn nói với thầy cô còn trống không, ý thức tuân thủ các quy định còn rất kém. Những điều đó tưởng như nhỏ nhặt, nên các em không để ý, không quan tâm. Nó tạo nên một hình ảnh không đẹp về chính bản thân chúng ta. Quan trọng, nó sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của chính các em, khi sau này các em đi làm”, bà Lan nhận định.
Chính vì thế, bà Lan cho rằng, môi trường ĐH không chỉ dạy chuyên môn cho người học, mà cần phải góp phần tác động vào ý thức của SV từ những việc nhỏ nhất.
Sẽ thành công hơn trong công việc
Tại nhiều trường ĐH, chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ trật tự xếp thành hai hàng dài để đợi vào thang máy, hoặc ngồi ăn trong căng tin trò chuyện vừa đủ nghe, hoặc nhặt rác do ai "vô tình" đánh rơi cho vào thùng, biết nói xin lỗi khi va vào người khác... Thùy Trang, SV Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: “Lúc đầu khi vào trường em cũng không để ý đâu. Nhưng nhiều lần vô thang máy, em thấy các bạn xếp hàng lần lượt nên mình cũng đứng vào. Từ đó tạo thành thói quen. Nếu không xếp hàng thì dị lắm. Ngay cả việc đến các phòng, ban của trường, tụi em cũng tuân thủ nguyên tắc này”.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho hay: “Chúng tôi mong muốn xây dựng một môi trường học tập và sinh hoạt có quy củ, hình thành cho SV những tác phong, kỷ luật, ứng xử văn minh… để giúp các em ra đời thuận lợi trong công việc cũng như cuộc sống. Có những thứ trường đưa vào thành quy định cụ thể trong nội quy, nhưng có những thứ thông qua sự trao đổi trong các buổi sinh hoạt. Một người có ý thức sẽ tác động đến người thứ 2, rồi từ đó lan tỏa, tạo nên một tập thể cùng có ý thức”.
Sinh viên xếp hàng vào thang máy tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM THIÊN DI

Thạc sĩ Châu Thế Hữu (Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM) nhìn nhận: “Những thứ như xếp hàng, biết cảm ơn, xin lỗi, ứng xử nơi công cộng theo những nguyên tắc nhất định, tuân thủ những quy định trong học tập, sinh hoạt tại trường ĐH… chính là “nếp trường”. Đây là thứ mà nhiều trường đang cố gắng tạo dựng. Những điều này có tác động rất lớn tới lối sống, đến tương lai của các em. Sau này ra đời đi làm, doanh nghiệp họ cũng cần một người có thái độ làm việc nghiêm túc, tác phong văn minh lịch sự, có kỹ năng sống... Vì đó chính là nền tảng quan trọng để đưa doanh nghiệp phát triển”.
Bà Trần Thị Phương Linh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần BPO Mắt Bão, cũng cho rằng chuyên môn không phải là thứ quan trọng nhất mà doanh nghiệp cần ở người lao động, mà đó chính là ý thức, trách nhiệm với bản thân, với những người xung quanh và với công việc. “Khi tuyển dụng các doanh nghiệp rất có cảm tình với những ứng viên có nền tảng văn hóa ứng xử, có ý thức chấp hành những nguyên tắc, quy định, chẳng hạn như… biết xếp hàng. Ý thức kém sẽ cản trở sự thành công trong tương lai của các em”, bà Linh chia sẻ.

tin liên quan

Những lời khuyên hữu ích cho sinh viên mới ra trường

Vào năm cuối đại học, việc lựa chọn hướng đi cho tương lai trở thành áp lực với không ít sinh viên. Những lời khuyên dưới đây có thể sẽ rất hữu ích cho các bạn đang mất phương hướng trong quá trình tìm việc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.