Khi nước Nga thiếu rượu

28/08/2006 23:02 GMT+7

Nga được coi là quê hương của nhiều loại vodka nổi tiếng thế giới và tửu lượng của người dân xứ sở này cũng đã "khét tiếng" từ lâu. Ấy thế mà giờ đây họ đang sống trong những ngày không có đủ rượu.

Cửa hàng rượu Aromatniy Mir gần ga Belorusskaya ở trung tâm Moscow, nơi vốn luôn đầy ứ rượu ngoại, giờ chỉ còn trơ trọi một chai cognac Pháp, vài ba chai rượu California trên chiếc giá đầy bụi. Người dân Nga, vốn nổi tiếng vì thói quen uống rượu của mình, đang trải qua một mùa hè vắng rượu.

Điều này xảy ra sau khi quy định mới về dán tem nhập khẩu rượu được áp dụng từ đầu tháng 7 trong khi việc cấp và dán tem lại được thực hiện rất chậm. Loại tem mới đã được đưa ra với các yêu cầu phải công khai rõ ràng các chi tiết về mã số thuế, nguồn gốc sản xuất.

Quy định trên xuất phát từ việc những người nhập rượu đã không nộp đầy đủ thuế hoặc khai man giá các chai rượu nhập. Một chai Chateau Mouton Rothschild'86 thường được bán tại nhà hàng với giá chừng 2.000 bảng Anh (gần 3.800 USD) nhưng các nhà nhập khẩu chỉ khai báo giá chừng 3 bảng/chai. Trước đó, vào tháng 3, nước Nga đã cấm nhập rượu từ Moldova và Georgia vì nguy cơ về vệ sinh và sức khỏe. Các nhà phân phối phàn nàn rằng quy định mới đã gây thiệt hại hàng trăm triệu USD.

Một sở thích xa xỉ

Mười lăm năm trước, mọi người ở Nga đều uống vodka trong những cái chai đơn sơ mang nhãn Stolichnaya và Moskovskaya. Giờ đây, ở Moscow, rất nhiều người đã quay lưng lại với món vodka truyền thống, một phần vì lý do sức khỏe và phần khác vì đời sống được cải thiện cho phép họ có thể mua các loại rượu nhập đắt tiền từ Tây u, Nam Phi, Úc và Chile. Những người Nga mới phất sẵn sàng thảy ra chừng 300-400 bảng Anh cho một chai rượu. Có một vài trường hợp họ gọi những chai rượu đắt tiền nhất trong thực đơn ra chỉ để ngửi một chút rồi trả lại. Đương nhiên nhà hàng vẫn tính tiền những chai rượu đó.

Trong những năm 80 của thế kỷ trước, dưới thời Mikhail Gorbachov, khi chính quyền cấm bán rượu vì nạn say xỉn quá trầm trọng, thì niềm đam mê rượu đã khiến những người lái taxi giấu loại thức uống này dưới ghế trong khi người dân sẵn sàng chế các ly cocktail bằng vật liệu có sẵn. Giờ đây, khi chính quyền cấm nhập rượu và áp dụng điều luật mới, đã có rất nhiều hành động phản kháng. Hàng loạt quán rượu ở thủ đô đã đóng cửa, nhà hàng chuyển sang phục vụ bia quốc nội khi mà các kho rượu của họ đã cạn.

Đối với một quốc gia nào đó thì đây có thể là vấn đề bình thường, nhưng với nước Nga thì khác. Tại quốc gia rộng lớn nhất hành tinh này, khoảng 75% lượng thức uống có cồn được tiêu thụ là rượu mạnh. Bia chỉ được coi như nước giải khát. Cứ trung bình 3 người đàn ông Nga thì có 1 người thường xuyên uống rượu (tỷ lệ này ở nữ là 1/7). Niềm đam mê rượu của người Nga giờ đây đang đối mặt với một "đợt hạn hán" khắc nghiệt.

Một vấn nạn nhức nhối

"Rõ ràng lệnh cấm này nhằm để chống rượu giả", Dmitry Pinski, một đại gia chuyên nhập rượu ở Nga, bình luận. Ông này có một nhà kho chứa rượu lớn cỡ một tòa nhà để máy bay. Lời của Pinski là có cơ sở. Nạn rượu giả hằâng năm cướp đi sinh mạng của 42.000 người dân Nga, tính trung bình cứ mỗi ngày qua đi có khoảng 115 người chết vì rượu giả.

Đôi khi trong lớp vỏ hào nhoáng của các chai rượu tại nhà hàng không phải là vodka, cognac hay whisky mà lại là một số chất độc hại nào đó. Đó là chưa kể đến rất nhiều loại rượu vẫn còn được bày bán dù rằng các hãng đã ngừng sản xuất loại rượu đó cách đây khá lâu rồi. Nhiều người coi những chai rượu đầy chất độc hại là một thảm họa dân tộc.

Đã có một câu chuyện đau lòng trong năm 2003. Một nhà vô địch trong cuộc thi uống rượu vodka ở Nga đã chết chỉ vài phút sau khi được công bố thắng cuộc. Năm người khác cũng đã phải nhập viện.

Thanh Tuấn
(Theo BBC, Guardian)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.