Khi núi lửa chặn đứng động đất

05/11/2016 21:02 GMT+7

Một trong những núi lửa hoạt động tích cực nhất tại Nhật Bản là đỉnh Aso đã giúp ngăn chặn thảm họa động đất trên đảo Kyushu vào đầu năm nay.

Khi trận động đất 7,1 độ Richter làm rung chuyển vùng Kumamoto thuộc đảo Kyushu vào ngày 16.4.2016, nó xé toạc mặt đất và tạo ra những đường rãnh trải dài đến 40 km. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã tìm được chứng cứ cho thấy cơn địa chấn hứa hẹn có thể gieo rắc sự chết chóc đã bị ngưng lại giữa chừng nhờ vào sự can thiệp bất ngờ của khoang chứa mắc ma bên dưới núi lửa Aso, nằm cách nơi xảy ra động đất khoảng 30 km.
Phát hiện mới cung cấp một cái nhìn hiếm hoi cho giới khoa học về cách thức hai hiện tượng địa chất là núi lửa và động đất có thể tương tác với nhau. Đây là đề tài đặc biệt thu hút sự chú ý tại Nhật Bản, quốc gia luôn bị đe dọa bởi cả hai hiện tượng này. Do vậy, các nhà khoa học nước này lập tức xem đây là một trường hợp cần nghiên cứu đặc biệt, theo báo cáo được đăng hồi cuối tháng 10 trên chuyên san Science.

tin liên quan

Nguy cơ núi thiêng của Triều Tiên bùng nổ
Các chuyên gia CHDCND Triều Tiên và phương Tây vừa hợp lực đánh giá núi lửa khổng lồ ở phía bắc bán đảo Triều Tiên, và phát hiện nó có thể khai hỏa trong tương lai gần.
Sau động đất ở Kumamoto, các nhà nghiên cứu lập tức đến tâm chấn, vị trí nằm trên bề mặt của vỏ trái đất, ngay bên trên điểm bùng phát năng lượng dồn ứ giữa các đĩa kiến tạo. Họ đã bỏ ra 10 ngày tại đây để kiểm tra những vết nứt trên mặt đất do trận động đất để lại. Nhóm chuyên gia phát hiện các rãnh mới kéo dài đến miệng núi lửa khổng lồ của Aso, từ rìa tây nam đến tận rìa đông bắc. Và chúng đột ngột chấm dứt tại đây, ở độ sâu khoảng 6 km bên dưới bề mặt.
Các cuộc điều tra về hoạt động địa chấn bên dưới miệng núi lửa, nơi những vết nứt biến mất cho thấy từng có một khoang chứa mắc ma nóng chảy. Các sóng năng lượng phát ra từ cơn địa chấn di chuyển về hướng đỉnh Aso thông qua lớp đá nguội và giòn. Tuy nhiên, sự đụng độ bất thường với sức nóng khủng khiếp đến từ mắc ma đã làm phân tán năng lượng, khiến sức mạnh của trận động đất yếu dần và mặt đất ngưng bị xé toạc.
Hỗ trợ dự đoán chính xác hơn
Trưởng nhóm nghiên cứu Aiming Lin, giáo sư của Đại học Kyoto, cho hay đây là trường hợp đầu tiên từng được ghi nhận cho thấy sự “đụng độ” giữa động đất và hoạt động của núi lửa. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng tìm được những ví dụ trong quá khứ cho thấy có hoạt động tương tự.
Vào năm 1707, các vết nứt trong trận động đất Houei-Tokai-Nankai (cường độ 8,7 độ Richter) đã mở rộng về hướng bắc và dần dần bị gián đoạn giữa chừng ở rìa tây của đỉnh Phú Sĩ. Và vào năm 1930, những đứt gãy từ cơn địa chấn 7,3 độ Richter ở Bắc Izu cũng bị ngưng trệ tại núi lửa Hakone trên bán đảo Izu.
Phát hiện trên có thể hỗ trợ giới chuyên gia dự đoán chính xác hơn thời lượng xảy ra trận động đất khi có sự can dự của núi lửa, theo nhà địa chấn học Gregory Beroza, Phó giám đốc Trung tâm địa chấn nam California, kiêm giáo sư của Đại học Stanford.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.