Khi nhà báo vừa làm vợ vừa làm dâu

14/01/2017 21:38 GMT+7

Làm báo là một nghề căng thẳng. Đối với nữ, mức độ căng thẳng có phần hơn các đồng nghiệp nam bởi bên cạnh làm báo, các nàng còn phải... làm dâu nữa.

Nữ nhà báo H. kể: Sau ngày cưới, chị có đúng một tuần làm dâu. Còn sau đó là làm... báo. Gần 23 giờ, tòa soạn gọi. Có một vụ cháy nghiêm trọng trong thành phố H. bật dậy, hôn “nịnh” ông xã rồi tất tả thay đồ, xách ba lô lên lao đến hiện trường. Bài báo nóng bỏng đó đến tay bạn đọc sáng sớm hôm sau. Sếp gọi điện khen nhưng mẹ chồng thì chê. “Chê đến mức em ủ ê cả mặt mày”, H. kể.

tin liên quan

Phụ nữ Việt than thở chuyện làm dâu... xứ Ấn Độ
Xã hội Ấn Độ trong phim không khác ngoài đời là mấy - một bộc bạch của cô dâu Việt. Một buổi tối, cô bạn ở Chennai nhắn tin: “Chị ơi, em không thể ở lại đây nữa, em chán cuộc sống phải nghe những lời cằn nhằn, yêu sách, phải làm cái này cái nọ từ mẹ chồng”.
Số là đêm đó H. không về nhà. Chị làm việc ở tòa soạn. Kể với tôi, chị cười trong mệt mỏi: “Anh biết không? Cả ngày hôm sau em vẫn bám sát vụ hỏa hoạn để tiếp tục đưa tin, đến mức... tóc cháy sém. Chiều tối em mới mò về nhà. Lại cắm cúi gõ bài cho kịp nộp. Thế là... Buồn thiệt là buồn”.
Chuyện là mẹ chồng H. bưng mâm cơm vào phòng, đặt cái “bộp” trên bàn, nói mời cô dùng bữa với bộ mặt nặng trịch. H. hoảng hồn nhưng cố trấn tĩnh để viết cho xong bài báo.
Bên ngoài là tiếng mẹ chồng chì chiết: “Tôi đã nói với anh rồi, cưới cái ngữ đó về chỉ để suốt đời hầu hạ thôi”. Tiếng chồng H. năn nỉ: “Mẹ nho nhỏ giùm chút. Để cô ấy xong việc rồi mẹ muốn nói gì nói”. Cứ thế, tuần nào cũng cơm không lành canh không ngọt. Mẹ chồng không dằn mâm xén bát thì cũng đá thúng đụng nia.
Ra riêng cũng khó vì chồng là con một, cha mẹ chồng đều trên 70. H. nói nhờ em thiền, bỏ ngoài tai những lời gai góc của mẹ chồng nên mới trụ với báo được mấy năm nay. Không thì... văng mảnh từ lâu rồi.
Nghĩ tội cho chồng, đi dạy thì thôi, về nhà là lăng xăng cơm nước, giặt giũ, vừa che đỡ cho vợ, vừa xoa dịu mẹ. Chồng H. đùa, nói làm dâu dễ mà. Nên có trường nào mở ngành... làm dâu đâu? Em đừng bỏ báo. Chỉ cần... tỉnh táo trước thái độ hơi quá của mẹ. Còn chuyện làm dâu cứ để anh phụ em.
Còn chuyện nữ nhà báo K. là một “đoạn phim” khác. 31 tuổi, 9 năm tuổi nghề, có nước da sáng, cặp môi tươi và khuôn mặt dễ nhìn nhưng K. vẫn... đơn thân. Về quê, bạn hỏi công tác ở báo nào, K. nói ở báo “Phòng Không”.
Nói cho đúng, K. đã từng có người yêu năm cô 26 tuổi. Anh này là trưởng phòng tiếp thị của một công ty lớn. Họ hẹn nhau mười lần thì hết tám lần K. “cancel” vào phút chót vì bận phỏng vấn nhân vật, lấy tin sự kiện, đi tìm tư liệu... theo cắt cử của sếp.
Anh chàng cảm thấy “ghét” báo chí. Anh hay thập thò ở cổng tòa soạn, hay theo dõi và “hỏi cung” K. Đại loại, là con gái mà em mang máy ảnh chen giữa một rừng phóng viên nam thì còn gì là... thân thể? Về huyện tác nghiệp rồi nghỉ qua đêm có “vui” không?
Thằng cha cao cao, ria mép thiếu... đứng đắn, đeo kính cận, thường chở em từ cơ quan đi ra là ai? Gã mập mập, da trắng phếch, để râu... dê, hay đèo em vô tòa soạn là gã nào? K. nói anh đang lục vấn em đấy hả? Anh chàng nhún vai: “Chẳng lẽ anh không có quyền hiểu điều gì đang xảy ra khi anh bước vào đời em?”. K. nghiêm mặt: “Hay là anh bước ra đi!”. Vậy là xảy ra cuộc chia ly xám màu... nghi ngại.
Tôi kể chuyện của H. cho K. nghe. K. nói cô H. nào đó hạnh phúc chán. Dù sao, đi làm về, cô ấy còn có bờ vai yêu thương của chồng. Còn cái gay go của mẹ chồng là chuyện nhỏ, chỉ cần tỉnh táo là ứng xử được thôi. Chứ cứ như em, sớm khuya gì cũng lách cách với cái laptop toàn chữ. Ôi, đời và báo! Biết... đào và bới đâu ra một ông chồng đây?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.