Khi người trẻ 'Nhặt tình đan những sợi thương'

26/06/2021 11:58 GMT+7

Nhân Ngày Gia đình VN, NXB Thanh Niên vừa phát hành tập truyện ngắn Nhặt tình đan những sợi thương . Đây là tuyển tập truyện ngắn viết về chủ đề gia đình, được chọn lựa kỹ càng từ những truyện ngắn của Page Ổ Sách.

Tập truyện ngắn Nhặt tình đan những sợi thương khá đầy đặn ra mắt bạn đọc ngay những ngày mà sự gắn kết gia đình đem đến cho chúng ta một tinh thần ấm áp đi qua cơn đại dịch.
Hơn bao giờ hết, quãng thời gian này hầu như chúng ta đều chọn cho mình sự quay về với yêu thương, với những điều bình dị nhưng rất đỗi thân gần. Mái nhà luôn là nơi đón đợi mỗi bận chúng ta mỏi mệt hoặc lúc cuộc đời mang nhiều sóng gió. Mái nhà cũng chính là nơi thắp lên ngọn lửa yêu thương sáng ngời.
Nhặt tình đan những sợi thương mang đến những lát cắt mới mẻ của xã hội hiện thực và lan tỏa thông điệp nhân văn từ góc nhìn của người trẻ trong cuộc sống quần tụ gia đình. Hầu hết các truyện ngắn đều chỉnh chu, tròn trịa và có sự mới lạ bởi các tác giả hầu như là những người cầm bút thuộc thế hệ rất trẻ.
Lát cắt đa dạng, câu chuyện sinh động, giọng văn độc đáo. Mỗi một tác giả xuất hiện trong tập truyện Sợi tình đan những yêu thương đều tạo cho mình một mảnh đất riêng, ở đó họ tha hồ tung tẩy những mảng miếng, những cài cắm, và phóng khoáng trong cách viết. Tuy vậy, tựu trung lại vẫn đem đến màu sắc đậm đà, hương vị quyến rũ của thể loại truyện ngắn. Kiểu như một món ngon trên bàn tiệc văn chương. Nó ngon bởi nó tươi mới, nó lạ lẫm, nhưng vừa vặn khẩu vị của bạn đọc.
Như Phát Dương, một cây viết trẻ đã dần dà định danh bằng hàng loạt giải thưởng gần đây trên văn đàn, bày biện cho mình một không gia Nam bộ chân chất trong từng câu chữ. Hai hột nước mắt khiến người đọc như bị thu gọn vào trong không gian truyện bàng bạc một màu tê tái. Buồn đó, sắc lạnh đó, nhưng cũng thao thiết nhiều lắm những nỗi niềm của cuộc sống gia đình.
Hay Nguyễn Thùy Dương lại đem đến một món thịnh soạn với Những chiếc áo len khiến người đọc lắng lòng mình, cứ mải miết theo từng tình huống, từng nỗi trăn trở nội tâm nhân vật. Người mẹ và con gái, chỉ cái áo len nhưng đi qua những chặng đường thương tưởng đầy nhung nhớ. Có những thứ, mãi sau này khi chúng ta ở vào giai đoạn làm cha làm mẹ, mới thấu hết tấc lòng mà các đấng sinh thành đã gói ghém trong hành trình vun bồi cho mình lớn khôn. Chúng ta có thể vì một chuyện cỏn con như manh áo xấu đẹp mà hờn giận cha mẹ. Chứ kỳ thực, nước mắt chảy xuôi, muôn đời có bao giờ cha mẹ biết giận hờn con cái là gì? Đôi khi ông trời run rủi đoạn đường trẻ dại chúng ta nhặt lấy yêu thương, nhưng mãi đến khi đi qua thăng trầm đắng đót đời mình mới xòe tay ra mà biết đón nhận. Có người quay lại mà kịp thấy, có kẻ quay lại nhìn khói hương bay theo làn mây trắng về trời. Tiếc rồi khóc. Trách mình rồi ân hận. Chẳng thể làm gì bởi thời gian có bao giờ đi lạc, bốn mùa cứ tuần tự xuân hạ thu đông. Chỉ lòng người là luôn lạc về những nẻo xa khơi.
Cũng mang một thông điệp tôn vinh giá trị của gia đình, truyện ngắn Thương muộn của Bùi Mai Linh lại đem đến một lát cắt “bánh đúc có xương” đầy ghim gút trong lòng con người. Nhưng đôi khi, chỉ phận đàn bà con gái mới có thể thấu hiểu đời nhau. Chỉ khi con người ta lớn lên, biết khóc cười nhân tình thế thái, biết vòng tay ai ấm, và tấm lòng ai rộng. Biết nhiều thứ nhưng nói ra, hay bày tỏ lại là một điều mà ít khi nào chúng ta dám thể hiện, nhất là lời hối hận. Câu chuyện mang đến một khắc giây chực trào nước mắt, khiến người đọc bồi hồi cho một tình nghĩa cao đẹp. Bánh đúc có xương, cũng chỉ là cái nhìn cũ càng mà thôi. Đời này con người ta chỉ vì tình mà sống, vì tình mà đau, cũng vì tình mà trả cho nhau những yêu thương dẫu có muộn mằn.
Và còn đó một Nguyễn Ngọc Minh Châu khiến tôi ngỡ ngàng, bởi còn đang là sinh viên nhưng giọng văn mực thước, dạn dày, đủ đầy những tình tiết chinh phục độc giả với Phía mặt trời rơi. Tin chắc Minh Châu sẽ còn đi xa nữa với văn chương.
Gấp trang bản thảo cuối lại, nhiều lắm những cái tên quá đỗi ấn tượng như Lê Ngọc, Kỳ Kỳ, Vũ Diệu Thùy Dương, Truy Quang, Xám Phương Mai… mà tôi bắt đầu ghi nhớ. Một thế hệ trẻ, năng động, sáng tạo và biết vận dụng tri thức mới sẽ làm nên một cuộc thay đổi văn chương.
Với Nhặt tình đan những sợi thương, độc giả như góp nhặt cho mình từng câu chuyện đâu đó vẫn thấy trong cuộc sống này, có khi ngay chính trong ngôi nhà mình, chính trong bản thân mình. Để rồi, từ những câu chữ hiện hữu trên trang sách, chúng ta soi chiếu lại hai chữ “Gia đình” trong lòng chúng ta. Phải chăng giữa những cơm áo gạo tiền xoay vần của cuộc sống mà người trẻ bấy lâu đã dần xa sự ấm áp của một gia đình? Bữa cơm quây quần có hấp lực bằng những buổi liên hoan thâu đêm suốt sáng? Đối diện với những khoảng cách của hai thế hệ, người trẻ sẽ làm gì để dung hòa? Rất nhiều lát cắt mà tập truyện mang đến, nếu khéo léo ghép lại, vừa hay sẽ đầy đặn cho một bức tranh gia đình thời đại mới này. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.