Khi người trẻ dùng vũ đạo để 'nói'

02/10/2022 10:23 GMT+7

Trước những áp lực của cuộc sống, người trẻ đôi khi chỉ bày tỏ qua lời nói thì không thể giải tỏa hết cảm xúc được, chính vì thế vũ đạo sẽ là thứ giúp họ gắn kết và xích lại gần nhau hơn.

Những người trẻ thích thể hiện cảm xúc qua vũ đạo

Thượng Hải

Kết nối qua ngôn ngữ hình thể

Giới hạn của lời nói đôi khi chẳng thể bày tỏ hết tâm tư, nhưng qua cử chỉ của cơ thể như một cái nắm tay cũng đủ biểu đạt muôn hình vạn trạng cảm xúc. Chính từ ý tưởng đó mà những người trẻ say mê nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật vũ đạo đã cùng nhau mở ra một không gian triển lãm nghệ thuật vũ đạo tràn đầy cảm hứng về sự kết nối con người thông qua nhảy múa khi họ chẳng thể tỏ bày trọn vẹn tâm tư.

Nhà thơ Nam Thi giới thiệu về chặng đường phát triển của vũ đạo tại Việt Nam

Thượng Hải

Giám tuyển nội dung triển lãm, nhà thơ trẻ Nam Thi (28 tuổi) cho hay: “Trong tất cả hình thức kết nối của con người, điều sơ khai nhất chính là hình thể phi ngôn ngữ và tất cả động tác đấy đều là những hành động rất tự nhiên của chúng ta. Các bạn trẻ hiện nay có nhiều điều không thể biểu hiện qua lời nói được mà tìm đến những điệu nhảy, điệu múa để bộc lộ thì cũng là điều hết sức tự nhiên”.

Từng có niềm đam mê và tham gia rất nhiều các CLB vũ đạo tại trường, nhưng Tâm An (23 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết sau khi đi làm, mọi thời gian của anh đều dành cho công việc và không còn được tập luyện vũ đạo khiến cho cuộc sống bị nhàm chán.

“Tôi cảm nhận cuộc sống này cần có một số điều mình cần giải tỏa, nếu không biết giải tỏa như thế nào thì chính vũ đạo sẽ làm cho bản thân “xả stress”. Nên tôi quyết định tìm về nó để cảm nhận lại không khí nhảy múa bao lâu mà mình đã bỏ lỡ”, Tâm An chia sẻ.

Rất đông người trẻ tham dự triển lãm vũ đạo

Thượng Hải

Những người trẻ chưa có cơ hội tiếp xúc nhiều với vũ đạo hay chưa từng nhảy cũng có thể mượn ngôn ngữ của cơ thể để biểu lộ cảm xúc, vì những động tác chuyển động trên âm nhạc luôn thật tự nhiên và vốn là bản năng của con người. Và người trẻ hiện nay thường không nhảy múa đơn lẻ mà sẽ đi cùng cộng đồng, tập thể và sẽ nắm tay lại để tạo nên sự kết nối, mang đến nhiều động lực cho cuộc sống.

“Dù là trình diễn nhảy đương đại hay hip-hop thì người trẻ không cần phải ngại vì trên âm nhạc mọi động tác đều là như nhau và mỗi người đều có ngôn ngữ của riêng mình nên hãy bộc lộ thoải mái, mở rộng biên độ của sức trẻ hết mức có thể”, Nam Thi khẳng định.

Triển lãm về vũ đạo

Với mong muốn đưa vẻ đẹp của nghệ thuật hình thể vượt lên trên giới hạn của ngôn từ, những người trẻ đam mê vũ đạo tổ chức triển lãm nghệ thuật vũ đạo mang tên “Khi ta không buông tay” tại Capital Studio (số 212, Lý Chính Thắng, TP.HCM). Sự kiện đã thu hút hàng trăm người trẻ có niềm đam mê với nghệ thuật vũ đạo tham gia.

“Triển lãm ngày hôm nay có sự tham gia của nhiều thế hệ vũ công từ văn hóa truyền thống, cách tân cho đến hiện đại để người xem thấy được dòng chảy của vũ đạo Việt Nam đang được gìn giữ và quý giá như thế nào. Tất cả các vũ công dù ở thế hệ nào thì cũng có thể biểu diễn nghệ thuật một cách đa dạng, họ hòa nhập vào nhau và phong cách được giao thoa rất mạnh mẽ”, Nam Thi nói.

Người tham gia có thể cùng nhảy với các vũ công

Thượng Hải

Không gian của triển lãm gắn liền với sự đa dạng của các loại hình vũ đạo với 3 phần độc đáo là “Neo-ballet” (tân ballet) trưng bày những chiếc giày mũi cứng đã sờn rách chứa đựng sự khổ luyện của người vũ công, “Contemporary” (đương đại) nghệ thuật nhảy vũ đạo với những chiếc áo dài cách tân trên nền nhạc hiện đại và “hip-hop” (nhảy đường phố) phá cách. Và người tham dự có thể cùng các vũ công hòa mình vào các điệu nhảy để đắm chìm vào hành trình được dẫn lối bởi những vũ điệu.

Đặc biệt, người tham gia sẽ có dịp tìm hiểu về lịch sử của nghệ thuật vũ đạo, thưởng thức không gian ghi dấu ấn làm nghề qua những đối thoại cùng những người nghệ sĩ nổi bật trong lĩnh vực này như biên đạo Nguyễn Tấn Lộc, biên đạo Alexander Tú và cặp vũ công sinh đôi Gia Linh-Song Linh.

Các khách mời chia sẻ các câu chuyện về vũ đạo

Thượng Hải

Cặp vũ công từng lọt vào bán kết cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt Nam (Vietnam's got talent), Gia Linh và Song Linh chia sẻ: “Nhiều người cho rằng việc nhảy múa hiện nay đơn thuần là chỉ giải trí, nhưng đằng sau những phút giây tỏa sáng là hàng nghìn giờ tập luyện, có nước mắt, mồ hôi. Và đó cũng chính là cách mà thế hệ trẻ thể hiện cảm xúc của mình một cách lành mạnh qua bước nhảy thay vì kìm nén những cảm xúc không tốt trong lòng. Từ đó, giúp họ kết nối với cộng đồng và nuôi dưỡng tâm hồn cho nhau”.

Cảm thấy choáng ngợp trước không gian của triển lãm, Phạm Yến Nhi, sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Đối với những người trẻ như tôi thì sẽ luôn có những áp lực trong cuộc sống và khi tiếng nói không thể diễn tả được hết thì ngôn ngữ của hình thể sẽ bắt đầu chuyển động. Triển lãm vũ đạo này rất bổ ích và truyền cảm hứng đến những người trẻ có thể tìm ra những thú vui mới cho bản thân và có thể bình tâm lại chỉ sau một điệu nhảy”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.