Khi nào Trung Quốc sẽ có được 4 nhóm tác chiến tàu sân bay thực thụ?

Văn Khoa
Văn Khoa
22/08/2020 14:00 GMT+7

Trung Quốc đang tăng tốc thực hiện tham vọng có ít nhất 4 nhóm tác chiến tàu sân trong thập niên tới, nhưng giới quan sát cho rằng Trung Quốc còn mất nhiều thời gian huấn luyện nhân sự cần có để hiện thực hóa tham vọng.

Dấu hiệu hải quân Trung Quốc tăng tốc đóng tàu để phục vụ cho tham vọng nói trên thể hiện rõ hồi năm ngoái, khi bức ảnh về một xưởng tàu ở Thượng Hải xuất hiện trên mạng xã hội. Bức ảnh cho thấy 12 tàu chiến đang được đóng tại xưởng đó cùng lúc, gồm tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc, 9 tàu khu trục tiên tiến, 1 tàu đổ bộ và 1 tàu theo dõi thử tên lửa, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
Việc đóng tàu ở Thượng Hải nằm trong kế hoạch của Trung Quốc sở hữu ít nhất 4 nhóm tác chiến tàu sân bay trước năm 2035. Tính đến năm 2005, Trung Quốc có 216 tàu quân sự và con số này tăng lên 335 vào tháng 10.2019, theo một báo cáo của Vụ Khảo cứu quốc hội Mỹ. Cũng theo báo cáo này, lực lượng tác chiến hải quân của Trung Quốc sẽ có 400 tàu, kể cả tàu ngầm, trước năm 2030, nhiều hơn con số 355 tàu hải quân Mỹ nhắm tới.
Tổng biên tập chuyên san Kanwa Defence Review (Canada) Andrei Chang đánh giá ngành công nghiệp đóng tàu của Trung Quốc đang phát triển mạnh hơn ngành đóng tàu ở Mỹ, nhưng ông cho rằng quân đội Trung Quốc cần theo dõi chất lượng khi tăng tốc quá trình đóng tàu.

Trung Quốc đang tự đóng tàu sân bay cỡ lớn đầu tiên

Ông Chang còn cho rằng vấn đề thách thức lớn nhất đối với quân đội Trung Quốc là huấn luyện thủy thủ đoàn và phát triển hệ thống chỉ huy để điều phối nhiều tàu chiến nổi hiện đại. “Xây dựng một tàu sân bay có thể chỉ cần vài năm, nhưng phải mất hơn 10 năm để huấn luyện và phối hợp hàng ngàn thủy thủ làm việc trên tàu”, ông Chang nhận định.
Trung Quốc bắt đầu huấn luyện thủy thủ hoạt động trên tàu sân bay vào cuối thập niên 1980, khi cố tư lệnh hải quân Trung Quốc Lưu Hoa Thanh đề xuất kế hoạch đóng tàu sân bay cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, trước khi tàu sân bay đầu tiên của nước này là tàu Liêu Ninh được đưa vào biên chế hồi năm 2012, quá trình huấn luyện diễn ra chậm vì thiếu kinh nghiệm, theo SCMP.
Chuyên gia hải quân Lý Kiệt ở Bắc Kinh cho hay nhóm thủy thủ tàu Liêu Ninh hiện đang tham gia huấn luyện trở lại cho thủy thủ trên tàu sân bay Sơn Đông, hàng không mẫu hạm thứ 2 của Trung Quốc nhưng là chiếc đầu tiên do nước này đóng. “Ba hoặc bốn người đang làm việc cùng một vị trí trên tàu Liêu Ninh vì việc học cách vận hành một tàu sân bay và phối hợp với các tàu khác theo cùng vẫn là một chuyện mới mẻ đối với quân đội Trung Quốc”, ông Lý nhận định.

Video hiếm về quân đội Mỹ thực hiện nhiệm vụ trên biển Đông

Ngoài ra, quân đội Trung Quốc còn gặp thách thức lớn khác là huấn luyện phi công lái chiến đấu cơ hoạt động từ tàu sân bay. Quân đội Trung Quốc đang vất vả đào tạo để có thể có đủ số lượng phi công trẻ có khả năng lái chiến đấu cơ cất và hạ cánh trên hai tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông, theo SCMP. Học cách lái chiến đấu cơ cất và hạ cánh trên sàn bay dài chưa tới 300 m cần phải có thời gian.
Có thể vì vậy mà nhà nghiên cứu quân sự Châu Thần Minh ở Trung Quốc cho rằng nước này còn nhiều điều phải học về cách vận hành tàu sân bay, theo SCMP.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.