Lăng kính bạn đọc:

Khi nào giá vé tết đôi bên cùng có lợi?

Trí Minh
(tổng hợp)
30/12/2023 06:31 GMT+7

Mùa cao điểm tết, các hãng máy bay, xe lửa, xe khách đều có lý do thuyết phục để tăng giá. Nhưng người dân cũng có nhu cầu chính đáng về giá vé mềm, phù hợp túi tiền để về quê.

Như thông tin Thanh Niên đã đưa, giá vé cao điểm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 của các phương tiện hàng không, đường sắt, đường bộ đều tăng rất cao, khiến không ít người dân phải hủy kế hoạch về quê ăn tết. Vé máy bay tết vừa mở bán đã hết sạch dải giá rẻ, đa số các hãng đều đẩy lên cao sát mức giá trần. Một số chặng ít chuyến như từ TP.HCM đi Thanh Hóa, Vinh, Quy Nhơn không còn giá vé phổ thông chỉ sau chưa đầy 2 tuần mở bán, chỉ còn vé hạng thương gia từ 5 - 6 triệu đồng/chiều.

Khi nào giá vé tết đôi bên cùng có lợi?- Ảnh 1.

Người dân mua vé tàu tại ga Sài Gòn (Q.3, TP.HCM)

NHẬT THỊNH

Trong khi đó, so với vé máy bay, giá vé tàu ở một số loại tàu cao hơn. Chẳng hạn, vé tàu khoang VIP hơn 2 triệu đồng, cao hơn cả vé máy bay của Hãng hàng không Vietnam Airlines - hơn 1,8 triệu đồng/chiều; trong khi thời gian di chuyển máy bay chỉ bằng khoảng 1/6 so với đi tàu hỏa. Vì giá vé tàu khá cao nên chị Minh Khai (ngụ Q.3, TP.HCM) cho biết chỉ dám mua một chặng chiều về vé tàu cho 2 mẹ con, giá 1,5 triệu đồng/vé, chiều còn lại chị mua vé xe khách. Tuy nhiên, chị Minh Khai cám cảnh: "Bình thường đi xe khách giá 450.000 đồng/ghế giường nằm, mùa tết nhà xe báo tăng giá lên 900.000 đồng, cao hơn vé ngồi mềm điều hòa của tàu hỏa. Vé xe thì lên bằng giá vé tàu, vé tàu thì hơn cả vé máy bay. Sợ thật".

Công nhân mất việc xoay xở đủ nghề trước tết: 'Tiền ăn không có lấy đâu tiền về'

Vé máy bay, tàu xe tết đều "trên trời"

Nhiều bạn đọc (BĐ) đi mua vé hoặc tìm đặt vé tết qua mạng đều cho biết cảm giác chung là "choáng" vì giá bị đẩy lên cao chót vót. "Biết trước là giá vé tết tăng cao, nhưng khi lên mạng canh tìm đặt chỗ vẫn thấy bất ngờ. Cứ chần chừ không mua vì giá cao nên để đó, đến khi tìm chỗ lại thì giá đã nhảy qua mức cao hơn, quá choáng", BĐ Phùng Sơn than thở.

Tương tự, BĐ Nguyen Tan Dat cho biết: "Hôm qua tôi vào mạng coi giá vé máy bay dịp tết, thấy không còn chỗ hoặc còn nhưng giá rất cao. Giá vé cao hết sức vô lý. Có khi nào các hãng hàng không bị lỗ trong các năm dịch Covid-19 nên giờ tới "mùa gặt" thì thay nhau tăng giá để thu lợi nhuận? Nhiều lúc tôi suy nghĩ dịp tết có nên về quê không với chi phí đi lại như hiện nay".

"Tình hình này người dân sẽ hạn chế đi lại nhiều bằng phương tiện hàng không. Đúng là giá vé máy bay của VN còn rẻ so với mức giá ở nhiều nước, nhưng quá đắt so với thu nhập của người dân", BĐ Quang Nguyen nhìn nhận.

Trong khi đó, BĐ Hung cho hay tránh giá vé máy bay tết đắt đỏ thì gặp vấn đề với giá vé tàu: "Thấy vé máy bay mắc khủng khiếp nên tôi chuyển qua kiếm vé tàu lửa, không ngờ vé tàu cũng không hề rẻ chút nào. Trước đó tôi có nghe ngành đường sắt bị cạnh tranh nên ít khách, nhưng tới mùa tết thì cũng tăng giá trên trời luôn".

Cần kiểm soát việc tăng giá vé

Hành khách luôn muốn có giá vé thấp, trong khi ngành hàng không, đường sắt, đường bộ đều có lý do trong việc tăng giá mùa cao điểm tết. "Nhà xe, hãng bay thường nói là tăng giá để bù cho chiều ngược lại không khách. Thật vô lý khi hành khách chúng tôi phải trả tiền cho cả cái chiều mà mình không hề đi. Có tăng cũng chỉ nên ở mức độ vừa phải, chứ không thể nào quá tầm tay của rất nhiều người như hiện nay", BĐ Landtour nêu quan điểm.

BĐ Trình Lương cùng bức xúc: "Các nhà xe dịp tết được cho phép tăng giá vé 40 - 60%, nhưng bản thân tôi lâu nay về miền Trung ngày tết thì chưa từng mua với giá đó. Tôi đi xe giường nằm, giá vé toàn gấp đôi ngày thường. Về quê sum họp ngày tết thì người dân đành chấp nhận giá cao mà không biết kêu ai, nhưng có cơ quan nào kiểm soát hết được chuyện tăng giá này không?".

"Các hãng báo hết vé, sau đó mở chuyến mới và tăng giá vé gấp đôi. Mỗi dịp lễ tết là các hãng bắt tay nhau làm giá. Thị trường nội địa không còn cạnh tranh", BĐ Vinh Le thẳng thắn đánh giá.

BĐ Tican thừa nhận: "Cầu tăng cao thì cung nâng giá là chuyện không tránh được", đồng thời đề xuất: "Hành khách không mong giá rẻ như ngày thường nhưng được quyền yêu cầu mức giá thỏa đáng. Quan trọng hơn là không bị phía các hãng đưa ra giá nào thì phải chịu giá đó. Nên chăng có sự giám sát của ngành quản lý, tiếng nói của hội bảo vệ người tiêu dùng, để cùng tính toán đưa ra khung giá vé chấp nhận được mà các hãng và hành khách đều thấy có lợi".

Công nhân nhịn nhậu dành tiền mua vé máy bay tết, rưng rưng: 'Cả năm không có dư!'

* Nói giá vé máy bay ở Việt Nam rẻ thì cũng đúng mà cũng chưa đúng. Vì có thể rẻ so với những nước có nền kinh tế phát triển hơn; nhưng không rẻ với thu nhập của đa số người dân ta hiện nay.

Ha Xu

* Các vị cứ chỉ mãi bàn về giá tổng thể của vé mà không để ý là chiếc vé nào cũng cõng theo các khoản thuế, phí rồi thì làm sao còn giá rẻ nữa?

Thành Hoàng

* Ước gì các tỉnh thành có nhiều công ăn việc làm, có trường đại học tại chỗ để người dân khỏi phải đi làm, đi học ở các tỉnh thành xa; để cuối năm tốn tiền nhà xe, vé máy bay rồi không dư được gì.

datnario


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.