Khi giáo viên trường nghề thể hiện khả năng 'siêu chế tạo'

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
01/07/2022 16:06 GMT+7

Nhiều máy móc, thiết bị ứng dụng công nghệ mới nhất đã được ra đời phục vụ hiệu quả cho công tác đào tạo, giảm chi phí đầu tư trang thiết bị cho nhà trường. Tác giả không ai khác chính là những giáo viên trường nghề.

Chiều 1.7, tại Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức diễn ra lễ bế mạc Hội thi thiết bị đào tạo tự làm TP.HCM dành cho các giáo viên trường nghề. Hội thi được Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tổ chức từ ngày 22 - 30.6, có 139 tác giả, nhóm tác giả đến từ 17 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố tham gia với tổng cộng 42 thiết bị đào tạo.

Một thiết bị tại hội thi

HÀ MY

Thạc sĩ Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết: "Hội đồng giám khảo là những nhà giáo, chuyên gia đến từ Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và các doanh nghiệp thuộc Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM.

Theo đánh giá của hội đồng giám khảo, chất lượng thiết bị tham gia dự thi năm nay tương đối đồng đều và có sự tiến bộ rõ rệt so với trước đây. Các tác giả đã định hướng thiết kế sản phẩm bám sát mục tiêu và chương trình đào tạo, chế tạo thiết bị có ứng dụng đa chức năng, phục vụ hiệu quả không chỉ một mà có có thể nhiều mô-đun trong giảng dạy, học tập của giảng viên và học sinh sinh viên; đưa ứng dụng công nghệ mới nhất vào trong thiết kế sản phẩm".

Theo ông Sự, căn cứ kết quả của hội thi và đề nghị của hội đồng giám khảo, Sở LĐ-TB-XH lựa chọn 14 thiết bị tham gia hội thi cấp toàn quốc bằng ngân sách Nhà nước (gồm các thiết bị đạt giải nhất, giải nhì và giải ba), dự kiến từ ngày 10 - 14.10 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ứng dụng internet vạn vật vào chế tạo thiết bị

Tại Tiểu ban cơ khí - ô tô, nhóm tác giả Nguyễn Anh Tuấn, Võ Quốc Duy, Võ Đắc Thịnh, Hoàng Phúc Bảo, Lương Xuân Thịnh của Trường CĐ Lý Tự Trọng đã xuất sắc giành giải nhất với thiết bị "Nghiên cứu và chế tạo mô hình hệ thống mạng truyền thông trên ô tô".

Nhóm tác giả đạt giải nhất đến từ Trường CĐ Lý Tự Trọng

A.T

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Động lực, Trường CĐ Lý Tự Trọng, cho hay: "Trong xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc phát triển mạng truyền thông là một xu thế tất yếu của ngành công nghiệp ô tô. Vì vậy việc tạo ra một mô hình hệ thống mạng truyền thông sẽ giúp cho sinh viên tiếp cận các công nghệ hiện đại. Đây là một trong những mô hình mới, được thiết kế trong lĩnh vực đào tạo với nhiều ứng dụng như chẩn đoán mã lỗi dùng smartphone, hệ thống đo kiểm sử dụng oscilloscope và các máy chuẩn đoán hiện đại".

Được biết, mô hình đã được nhóm tác giả ứng dụng IoT (internet vạn vật) nhằm thực hiện chức năng tạo mã lỗi, kiểm soát, khắc phục lỗi từ xa. "Thông qua mô đun điều khiển, giáo viên có thể tạo ra các hư hỏng chủ động, đúng với hư hỏng thực tế của ô tô mà không tác động trực tiếp vào các linh kiện trên xe, giúp tăng độ tin cậy khi sử dụng. Mô hình được thiết kế với chi phí rất thấp so với việc mua một mô hình đào tạo cùng loại tại nước ngoài", tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn thông tin thêm.

Giúp sinh viên vững vàng kiến thức, thành thạo kỹ năng

Giải nhì "Mô hình máy bào ngang" của nhóm tác giả Đặng Nguyễn Nhân, Nguyễn Đăng Khoa, Nguyễn Văn Vũ, Nguyễn Văn Thông Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng cũng được các giám khảo đánh giá là rất hữu ích cho kiến thức và kỹ năng của sinh viên.

Mô hình máy bào ngang của nhóm giảng viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng

n.v

Thạc sĩ Nguyễn Văn Vũ, Phó khoa Cơ khí Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, chia sẻ: "Chúng tôi thực hiện đề tài này trong vòng 6 tháng, tập trung vào nghiên cứu thiết kế và chế tạo mô hình máy bào ngang nhằm mục đích làm sinh động thêm bài giảng máy cắt và phong phú hơn trong công nghệ gia công cơ tại xưởng. Thiết bị sẽ được nhân rộng sử dụng cho toàn bộ các tiết giảng máy cắt và thực hành xưởng".

Theo tiến sĩ Vũ, máy bào ngang này dễ thao tác, có nhiều chức năng như gia công các mặt phẳng, rãnh bậc, bề mặt định hình đồng thời gia công được các vật liệu như nhựa, đồng, nhôm và một số vật liệu mềm khác. Máy được sử dụng trong giảng dạy các môn học lý thuyết cắt gọt kim loại, máy cắt, thực hành xưởng và còn có thể gia công sản xuất đơn chiếc.

Trong khi đó, ở Tiểu ban điện - điện tử - điện lạnh - cơ điện tử, mô hình thực hành robot của nhóm tác giả Trầm Tiến Thịnh, Nguyễn Kim Đăng, Hoàng Minh Hạnh của Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức đạt giải nhì, được cho là rất cần thiết đối với sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật cơ điện tử và tự động hoá công nghiệp.

Nhóm tác giả Trầm Tiến Thịnh, Nguyễn Kim Đăng, Hoàng Minh Hạnh (tù phải qua) bên thiết bị tự chế tạo

t.t

Các mô hình đạt giải khác như mô hình sửa chữa và vận hành cánh tay robot của Trường CĐ Lý Tự Trọng (giải nhất), các giải nhì như Lắp ráp điều khiển hệ thống lạnh công nghiệp của Trường CĐ Công thương TP.HCM, Máy ép khuôn nhựa của Trường CĐ nghề TP.HCM, giải 3 như Mô hình máy phay mini của Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, Máy tiện CNC mini của Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM, Mô hình thực hành công nghiệp 4.0 của Trường CĐ Lý Tự Trọng... đều được đánh giá là có giá trị trong đào tạo lý thuyết và thực hành cho rất nhiều nghề, giúp sinh viên tiếp cận được với công nghệ mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.