Khi đề văn mở

Nhìn vào hoạt động giáo dục hôm nay, nhiều người không khỏi lo lắng vì sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật có thể làm máy móc hóa đời sống tâm hồn và sự phát triển tư duy, tình cảm của trẻ con.

Nhìn vào hoạt động giáo dục hôm nay, nhiều người không khỏi lo lắng vì sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật có thể làm máy móc hóa đời sống tâm hồn và sự phát triển tư duy, tình cảm của trẻ con. 

Ảnh: ShutterstockẢnh: Shutterstock
Ai cũng đã đi qua giai đoạn trẻ thơ - giai đoạn hồn nhiên và trung thực nhất của đời người. Vậy nên người ta lo đứa bé có thể đánh mất tính hồn nhiên và trung thực ấy một khi đã biết sử dụng những phương tiện kỹ thuật mới như máy tính hay điện thoại di động.
Thực tế là dù khoa học kỹ thuật tiên tiến có phát triển đến bao nhiêu đi nữa, trẻ con của chúng ta vẫn giữ được trái tim hồn nhiên, trung thực và thơ mộng. Hơn tất cả các môn học khác, môn văn trong nhà trường tiểu học và phổ thông cơ sở phản ánh khá trung thực tư duy của các cháu thiếu nhi. Nếu có thời giờ khái quát lại nhiều bài tập làm văn trong nhà trường ở hai cấp học này, ta sẽ thấy được những suy nghĩ rất đáng yêu của các cháu về con người và cuộc sống chung quanh chúng. Có được điều đó là nhờ ngành giáo dục hôm nay đề xuất được phương pháp ra đề văn theo hướng mở, nghĩa là không gò bó tư duy của trẻ con.
Văn chương của trẻ con mới đúng tinh thần của câu “văn là người” làm sao! Trẻ con thấy gì viết ra vậy, suy nghĩ thế nào thì viết ra như thế đó, nhiều khi có thể khiến chúng ta buồn cười, thế nhưng đó mới đúng là thứ văn chương trung thực nhất mà con người có thể có được. Tôi sưu tầm được một số bài tập làm văn của các cháu và phải thú nhận là ngày xưa ở tuổi các cháu, tôi không thể viết được như thế này.
Cháu Võ Triết Sơn, 9 tuổi, học sinh lớp 3/9 Trường tiểu học Thanh Đa (P.27, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) viết một bài tập làm văn rất thú vị. Đề bài của nhà giáo ra là “Em hãy viết về một người lao động trí óc mà em quen biết”. Đề bài không khó nhưng cũng không dễ bởi yêu cầu nhân vật được nói đến là “người lao động trí óc”học sinh phải chọn đúng nhân vật này để không nhầm lẫn với lao động chân tay vốn rất quen thuộc với mình. Cháu Triết Sơn ban đầu định chọn ba mình cho gần gũi. Thế nhưng, ba cháu là một cán bộ trong một công ty nhà nước, dấu ấn của “lao động trí óc” chưa rõ nét lắm. Vậy là cháu chọn ông nội - một nhà văn, người mà mỗi năm cháu chỉ gặp được mấy lần trong những ngày lễ tết về thăm ông.
Triết Sơn viết: “Trong xã hội, có rất nhiều người lao động trí óc nhưng người để lại nhiều ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng em là ông em.
Ông em là một nhà văn nổi tiếng được nhiều người biết đến. Công việc chính của ông là sáng tác văn để phục vụ cho độc giả trong và ngoài nước. Hằng ngày, ông viết văn trên máy tính hoặc chỉnh sửa bản thảo của ông. Ông cũng hay đi du lịch ở nơi khác để tìm ý tưởng mới cho các quyển sách của mình. Những quyển sách do ông sáng tác làm cho người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc sống và làm cho tâm hồn họ ngày càng phong phú hơn. Ông em làm việc rất cần cù, siêng năng, miệt mài với công việc.
Em rất kính trọng và yêu quý ông em. Em vô cùng tự hào vì có một người ông tài giỏi như vậy. Em sẽ cố gắng học hành chăm chỉ để mai sau trở thành một nhà văn nổi tiếng như ông”.
Bài của Triết Sơn có 1 lỗi chính tả, được cô khen là bài hay. Quả là một bài tập làm văn dễ thương, dù có hình ảnh của chiếc máy tính hiện đại nhưng tình ý thì vẫn là tình cảm gia đình truyền thống - tấm lòng đứa bé kính trọng, thương yêu ông mình.
Cháu Nguyễn Ngọc Quyên, học sinh lớp 9/12 Trường trung học cơ sở Chu Văn An (Duy Xuyên, Quảng Nam) thì nhớ lại một lỗi lầm của mình trong một lần đùa nghịch vào 7 năm trước làm bể chiếc bình hoa của một người hàng xóm. Đề của cô ra là “Hưởng ứng chủ trương đại đoàn kết toàn dân, người người đều tham dự các cuộc gặp gỡ ở các tổ đoàn kết trong thôn khiến em nhớ lại một lần mắc lỗi với người hàng xóm. Hãy kể lại sự việc đó”. Bài văn của cháu Quyên khá dài, trên 5 trang giấy tập (mỗi trang 23 dòng, mỗi dòng trung bình 13 chữ). Sau khi kể lại chuyện lúc 8 tuổi ham chơi chuyền banh làm bể chiếc bình hoa của bác Hai hàng xóm, cháu về nhà kể lại chuyện này với mẹ. Mẹ bảo cháu qua xin lỗi bác Hai.
“Thấy bác vui, tôi cũng mừng thầm trong lòng. Bác hôm nay thật hiền lành, không như những gì tôi nghĩ. Tôi can đảm kể hết sự việc cho bác nghe. Bác im lặng vài giây rồi cười hiền tha lỗi cho tôi nhưng vội nghiêm mặt lại khuyên tôi lần sau nên cẩn thận hơn khi vui chơi. Được bác tha lỗi, tôi mừng rúm, niềm vui của tôi lúc đó khó tả lắm… Thời gian sau đó, bác Hai bắt đầu già yếu, bệnh tật rồi qua đời sau cơn đột quỵ. Từ khi bác mất, khoảng sân nhà bác cũng im lặng hẳn. Bác đi rồi nhưng kỷ niệm giữa tôi và bác sẽ còn mãi trong tâm trí tôi, sẽ song hành cùng tôi, sẽ luôn là người bạn tắm mát tâm hồn tôi”.
Nhưng nếu chỉ ngừng lại ở đó thì khái niệm mở trong đề văn của cô giáo ra chưa được học sinh thể hiện trọn vẹn. Cháu Ngọc Quyên kết luận thật mới và cũng thật bất ngờ: “Buổi họp tổ đoàn kết không nhàm chán như tôi nghĩ, nhờ đó mà tôi ôn lại được kỷ niệm, được sống lại thời con nít một lần nữa. Để rồi, sau vụ làm bể chiếc bình lần đó, tôi biết sống có trách nhiệm hơn, biết nhận lỗi và sửa sai để trưởng thành hơn trong cuộc sống”. Bài viết này được cô giáo cho điểm 9. Văn chương của một cháu thiếu nhi mới 15 tuổi chân thành và thẳng thắn làm chúng ta cảm động.
Cám ơn những đề văn mở trong nhà trường - những đề văn tạo cảm hứng cho học sinh sáng tạo và sống trung thực hơn đối với mình, với người. Rõ ràng là con em của chúng ta ngày nay khôn ngoan hơn, tự tin hơn so với chúng ta ngày xưa trong việc phát biểu những ý kiến về cuộc sống chung quanh các cháu. Chứ còn nếu cứ đi vào công thức cổ điển “Hãy tả ông của em” hay “Hãy kể lại một chuyện mắc lỗi của em” thì trẻ con thật sự khó mà bày tỏ những tình cảm, những nhận xét cá nhân của mình.
Hàng năm, các vị lãnh đạo TP.HCM thường tổ chức cuộc gặp mặt các đại diện thiếu nhi toàn thành để lắng nghe nguyện vọng, ý chí, tình cảm của các em. Đó cũng là một “đề mở” bởi các cháu được phát biểu tự do những suy nghĩ của mình. Trong cuộc gặp gỡ năm 2016, nhiều ý kiến của các em khiến người lớn chúng ta giật mình bởi chúng ta không nghĩ trẻ con ngày nay quan tâm sâu sắc đến cuộc sống đến vậy. Có em phát biểu về tình hình tội phạm phát triển và mong thành phố có biện pháp ngăn ngừa, phòng chống tội phạm. Có em phát biểu về tình trạng tắc đường làm trễ việc đến trường và mong thành phố tích cực giải quyết chuyện giao thông. Có em nói về các bữa ăn trưa bán trú chưa đạt về chất lượng dinh dưỡng…
Trẻ con ngày nay vẫn lễ phép, ngoan ngoãn như chúng ta ngày xưa khi còn là trẻ con. Các em, các cháu hơn chúng ta ở chỗ chúng sớm được tiếp cận với phương tiện khoa học, kỹ thuật tiên tiến; nhạy bén hơn chúng ta trong những mối quan hệ với cuộc sống; tự tin và sáng tạo hơn chúng ta trong việc học hành. Khổng Tử từng phát biểu “Hậu sinh khả uý” (Kẻ sinh sau thật đáng sợ) để khen sự thông minh trong cuộc đối đáp giữa ông với cậu bé Hạng Thác thì chúng ta ngày nay cũng có thể khen trẻ con của mình như vậy.
Rất mong ngành giáo dục quan tâm thực hiện hướng ra đề văn mở như vậy để trẻ con có cơ hội phát biểu những tình cảm và tư duy trung thực nhất của các em, các cháu. Các môn khoa học tự nhiên thì có công thức nhưng văn chương thì không nên công thức hóa làm mất đi tính sáng tạo và tính trung thực của các em. Tôi thật sự lấy làm buồn lòng khi một số thầy cô… viết sẵn một bài diễn văn rồi giao cho một em học sinh đọc lên trong một số buổi lễ ở nhà trường. Thứ văn chương thô thiển, công thức đó làm mất cái hồn nhiên của trẻ thơ, nghe chẳng ra làm sao cả. Nó là một biểu hiện của bao cấp tư duy. Hãy để cho trẻ con được nói những lời mà các cháu muốn nói!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.