Khi đàn heo bị đầu độc

03/08/2015 05:22 GMT+7

Nền chăn nuôi của VN đang thực sự gặp khó khăn. Thịt gà công nghiệp ngoại nhập bán tại siêu thị giá rẻ chỉ bằng một nửa giá thịt gà sản xuất trong nước khiến cho những hộ gia đình, trang trại nuôi gà lao đao trước viễn cảnh bị lỗ nặng.

Nền chăn nuôi của VN đang thực sự gặp khó khăn. Thịt gà công nghiệp ngoại nhập bán tại siêu thị giá rẻ chỉ bằng một nửa giá thịt gà sản xuất trong nước khiến cho những hộ gia đình, trang trại nuôi gà lao đao trước viễn cảnh bị lỗ nặng.

Trong lúc đó, những cuộc kiểm tra mới đây của cơ quan thú y và khuyến nông tại “vương quốc nuôi heo” Đồng Nai cho biết nhiều trang trại nuôi heo ở tỉnh này vẫn tiếp tục dùng chất tạo nạc độc hại nhóm beta agonist.
Từ hai năm trước, báo chí đã lên tiếng cảnh báo nhiều hộ dân và trang trại nuôi heo hàng trăm con trở lên ở Đồng Nai đã dùng các chất tạo nạc độc hại như salbutamol, clenbuterol hay ractopamine trộn vào thức ăn cho heo ăn. Các cơ quan chức năng ở đây đã xử lý. Đến cuối năm 2014 và đầu năm nay, tình hình ấy tái diễn. Kiểm tra thịt heo ngoài chợ, cơ quan chức năng nhận thấy thịt heo dương tính với chất tạo nạc salbutamol - một chất dễ gây ung thư cho người tiêu dùng.
Tại sao tình hình ấy tái diễn? Các cơ quan chức năng giải thích việc dùng các chất tạo nạc độc hại thuộc nhóm beta agonist này cho heo ăn là do “đơn đặt hàng” của thương lái mua heo giết thịt. Điều dễ nhận ra nhất là thứ thịt heo bị dùng chất tạo nạc này có màu sắc miếng thịt đẹp hơn, phần nạc nhiều và bắt mắt hơn. Đó là cách đánh lừa cảm quan của người tiêu dùng khi họ đi chợ.
Có ý kiến cho rằng việc xử phạt hành chính những người nuôi heo và những chủ lò mổ heo vi phạm việc dùng chất tạo nạc độc hại 15 triệu đồng mỗi lần vi phạm là quá nhẹ; không đủ sức răn đe, ngăn chặn. Có ý kiến cho rằng cần phải xử lý hình sự những kẻ cố tình vi phạm thì mới mong chấm dứt được việc đầu độc đàn heo và qua đó, đầu độc sức khỏe con người như thế này. Có ý kiến cho rằng cần kiểm tra sâu sát các lò mổ heo, lấy mẫu nước tiểu và thịt heo xét nghiệm thì mới tìm ra được người mổ heo và người nuôi heo dùng chất cấm.
Ngày xưa, khi dân ta sản xuất nhỏ lẻ, nuôi mươi con heo thì chuyện đầu độc bầy heo chưa có và chưa đặt ra thành vấn nạn. Ngày nay, Đồng Nai đã trở thành địa phương có đàn heo lớn nhất nước thì việc kiểm tra kỹ thuật chăn nuôi của hai ngành nông nghiệp và công thương cần phải thường xuyên và nghiêm túc hơn. Thật đáng lo khi đến hôm nay mà đàn heo ở Đồng Nai vẫn bị cho ăn chất tạo nạc độc hại.
Nhân danh sức khỏe hàng triệu người tiêu dùng, nhân dân có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng Đồng Nai xử lý nghiêm các trường hợp chủ nuôi heo vi phạm dùng chất tạo nạc. Việc xử lý nghiêm ấy đồng thời là cách bảo vệ sự nghiệp chăn nuôi nội địa để đủ sức cạnh tranh với mặt hàng thịt ngoại nhập tràn sang VN như cách mà ta đã thấy ở thịt gà.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.