Khi cánh cửa này khép lại vì dịch Covid-19

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
15/09/2021 07:08 GMT+7

Đổ bể kế hoạch xuất khẩu lao động do dịch bệnh Covid-19 , một số bạn trẻ ở Quảng Trị đã kịp 'quay đầu' trở về khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương...

Tiến thoái lưỡng nan

Ở nhiều làng quê Quảng Trị, khi đói nghèo quẩn quanh, những người trẻ lớn lên nếu không học hành đến nơi đến chốn thường có 2 lựa chọn: hoặc vào nam, hoặc xuất khẩu lao động. Nhưng 2 năm trở lại đây, khi dịch Covid-19 xuất hiện đã “ngáng đường” nốt 2 lựa chọn ấy.
Nguyễn Đức Bảo (30 tuổi) ở xã Cam Chính, H.Cam Lộ, từng học trung cấp xây dựng và lay lắt vài năm ở Sài thành để kiếm sống. Năm 2019, Bảo nộp hồ sơ và học tiếng Hàn để xuất khẩu lao động. Cuối năm đó, khi mọi thủ tục đã xong xuôi thì đùng một cái dịch bệnh xuất hiện, mọi dự định đều tan biến.
“Ngoài 100 triệu đồng đặt cọc vào ngân hàng có thể lấy lại được, thì số tiền gần 40 triệu đồng chi phí học hành, đi lại, thi cử... coi như mất trắng. Mà đó là tiền đi mượn, chứ phải tiền của mình đâu”, Bảo trần tình.
Khoảng thời gian đó, Bảo thực sự bế tắc, bởi vợ anh đã sang Nhật trước đó, để lại chàng trai trẻ lo cho 2 đứa con. “Có lúc mình nản lắm. Phải mất mấy tháng mới ổn định được suy nghĩ, thôi thì mình không có duyên... xuất ngoại”, Bảo nói.
Khác với Bảo, Lê Thị Linh, trú xã Triệu Phước, H.Triệu Phong đã được đặt chân lên đất khách. Cô gái 25 tuổi này sang Đài Loan năm 2017 làm việc trong một công ty làm kính áp tròng sau khi đầu tư tròm trèm 200 triệu đồng chi phí. Thu nhập của Linh cũng rất ổn định, dao động khoảng 25 triệu đồng/tháng. “Tháng 6.2019, em về thăm nhà và bị kẹt dịch Covid-19 rồi đành ở lại luôn. Số tiền tích cóp 2 năm ở xứ người chỉ vừa đủ trả nợ chi phí bỏ ra ban đầu”, Linh kể.
Còn chàng trai miền biển Gio Hải (H.Gio Linh) tên Trần Đức Thịnh lâm thế “tiến thoái lưỡng nan” khi mới 27 tuổi, đã có vợ và 2 con. Thịnh kể gia đình đã lo cho 160 triệu đồng với giấc mộng đi Hàn Quốc làm nghề nuôi trồng thủy sản với mức lương 30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, giấc mộng đã tan vỡ khi đầu 2020, Thịnh không thể bước lên máy bay đến xứ sở kim chi vì… Covid-19.

Trang trại gà công nghệ cao của Nguyễn Đức Bảo, xã Cam Chính (H.Cam Lộ)

Đổi hướng...

Câu nói trên rất đúng với hoàn cảnh của Bảo, Linh và Thịnh, chỉ có điều cánh cửa khép lại là do nguyên nhân khách quan (dịch bệnh) nhưng chính họ phải tự mở ra cánh cửa khác cho mình.

Chúng tôi đã chọn 8 dự án của 8 bạn trẻ để hỗ trợ hơn 800 triệu đồng, nhằm giải quyết các khó khăn về nguồn vốn, máy móc sản xuất... Đặc biệt hỗ trợ này không cần hoàn lại, chỉ cần những người được hỗ trợ quyết tâm, thực hiện đúng những cam kết đặt ra ban đầu.

Chị Trần Thị ThuBí thư Tỉnh đoàn Quảng Trị

Ví như Bảo, anh đã bén duyên với nghiệp nuôi gà. Năm 2020, vay mượn nội ngoại, bạn bè, Bảo khởi nghiệp khi xây dựng trại gà với 4.000 con. Đầu năm 2021, Bảo tiếp tục dựng trại gà thứ 2, nhân đôi số gà được nuôi.
“Mỗi lứa gà mình nuôi chừng 3 tháng, nặng khoảng 1 kg mỗi con là phía công ty cho người đến bắt, trừ chi phí thì lãi chừng 70 - 90 triệu đồng”, Bảo đưa ra phép tính của mình.
Chưa hết, chàng trai còn được Tỉnh đoàn Quảng Trị đưa vào diện “hỗ trợ không hoàn lại” số tiền 93 triệu đồng để phát triển sản xuất. “Số tiền này mình tính mua máy phát điện 3 pha, khoan giếng và xây dựng nhà ở cho công nhân…”, Bảo phấn khởi kể.
Với Linh, cô gái này lại chọn phát triển nghề chăn nuôi heo. “Ngay từ khi về nước, em đã phụ bố mẹ lo cho đàn heo. Tuy nhiên năm 2020 gặp nhiều khó khăn do dịch tả heo châu Phi và mưa bão… Em thực sự cần vốn để mua lại đàn heo giống, mở rộng chuồng nuôi”, Linh kể. Chính vì thế, số tiền 80 triệu đồng được Tỉnh đoàn Quảng Trị xét và duyệt cho cô gái chọn một ngành nghề khá vất vả này như là niềm động viên kịp thời và lớn lao.
Nhưng người được hỗ trợ số tiền lớn nhất là Thịnh, chàng trai miền biển không thể xuất khẩu lao động thì mở xưởng mộc mỹ nghệ ở địa phương mình. “Mình được duyệt 156 triệu đồng. Số tiền này em sẽ mua máy chạm khắc gỗ và dạy nghề, thuê thêm 3 nhân công cũng là thanh niên địa phương đang tìm lối đi giữa lúc dịch bệnh”, Thịnh nói.
Chị Trần Thị Thu, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Trị, cho biết Bảo, Linh và Thịnh là 3 trong số 8 thanh niên không thể ra nước ngoài như kế hoạch ban đầu vì Covid-19, được hỗ trợ để chuyển đổi, khởi nghiệp ngay trên quê hương.
“Chúng tôi đã chọn từ 27 dự án khởi nghiệp, lấy 8 dự án của 8 bạn trẻ để hỗ trợ hơn 800 triệu đồng, nhằm giải quyết các khó khăn về nguồn vốn, máy móc sản xuất, con giống, quy trình kỹ thuật... Đặc biệt số tiền hỗ trợ này không có lãi, không cần hoàn lại, mà chỉ cần những người được hỗ trợ quyết tâm, thực hiện đúng những cam kết đặt ra ban đầu”, chị Thu cho hay. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.