Khi các 'đại gia' công nghệ chống dịch

Xuân Thu Thủy
Xuân Thu Thủy
23/03/2020 14:18 GMT+7

Các tỉ phú và công ty công nghệ đang cho thấy vai trò của mình trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19.

Ngày 5.3, Quỹ Gates của nhà sáng lập Microsoft Bill Gates và vợ tuyên bố chuyển 100 triệu USD (hơn 2.300 tỉ đồng) cho nghiên cứu và trị liệu Covid-19, trong đó chú trọng giúp đỡ các nước thu nhập thấp và trung bình ở châu Phi và Nam Á chống lại sự lây lan của căn bệnh này.

Ủng hộ nghiên cứu khoa học, vật tư y tế

5 ngày sau đó, Bill Gates cùng Quỹ nghiên cứu Wellcome Trust và Mastercard của Vương quốc Anh công bố thỏa thuận hợp tác trị giá 125 triệu USD (gần 2.900 tỉ đồng) để tạo ra máy gia tốc trị liệu Covid-19.
Trong khi đó, Schmidt Futures, một sáng kiến từ thiện của cựu Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt và vợ, đang tập trung vào vai trò của công nghệ, dữ liệu trong việc đối phó với đại dịch.
Sherlock Biosciences, công ty khởi nghiệp ở Cambridge chuyên sản xuất các công cụ chẩn đoán vi rút trong thời gian ngắn với giá thành thấp, bất ngờ nhận được khoản tài trợ 17,5 triệu USD (khoảng 400 tỉ đồng) từ Quỹ The Open Philanthropy vào năm 2019. CEO của Sherlock chia sẻ rằng khoản tài trợ này sẽ giúp tạo ra các công cụ chẩn đoán vi rút có thể được sử dụng ở bất cứ đâu, từ phòng khám cho đến nhà riêng. Tầm quan trọng của khoản tài trợ chỉ được nhìn nhận đúng khi SARS-CoV-2 bắt đầu xuất hiện.
The Open Philanthropy, được thành lập bởi vợ chồng Dustin Moskovitz, người đồng sáng lập Facebook. Quỹ này tập trung tài trợ cho các giải pháp nghiên cứu khoa học và trị liệu nhằm vào các đại dịch tiềm tàng.
Ngày 19.3, CEO Tim Cook tiết lộ trên Twitter rằng Apple sẽ hỗ trợ Cơ quan Dự đoán, phòng ngừa, quản lý các sự kiện khẩn cấp của Ý Protezione Civile thuốc men và chi phí cho các nhân viên y tế, tình nguyện viên.
Tuần trước, Apple cũng đã kêu gọi quyên góp được 15 triệu USD (khoảng 350 tỉ đồng) cho các nỗ lực phòng chống Covid-19. Động thái này được đánh giá cao trong bối cảnh công ty công nghệ có giá trị lớn nhất thế giới đóng cửa tất cả Apple Store ngoại trừ ở Trung Quốc.
“Giúp đỡ lẫn nhau luôn là điều quan trọng nhất", CEO Apple nhấn mạnh.

Chống tin giả, trục lợi

Giữa đại dịch, Facebook thể hiện vai trò của mình khi chống lại sự lan truyền thông tin sai lệch. Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg cho ra mắt Trung tâm thông tin Covid-19 vào ngày 18.3. “Đảm bảo người dùng có thể tiếp cận thông tin về Covid-19 từ các nguồn đáng tin cậy là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”, ông Zuckerberg nói trong cuộc họp báo.
Ít ai có thể ngờ rằng có một ngày khẩu trang lại vào top những cuốn sách bán chạy nhất trên Amazon. Đây là chiêu trò gian lận của các đối tác trên sàn giao dịch này khi Amazon không cho phép bán mới các sản phẩm y tế trên trang web của mình kể từ cuối tuần qua để tránh việc trục lợi bất chính từ đại dịch, đại diện công ty xác nhận với CNBC. Bởi Amazon chủ động loại bỏ một triệu sản phẩm quảng cáo sai lệch cũng như hàng chục nghìn mặt hàng bị nâng giá quá cao, theo tạp chí Wired.

Cắt giảm giải trí, hỗ trợ công việc

450 triệu người dân châu Âu đang làm việc và giải trí tại nhà đã gây ra áp lực lớn cho các nhà cung cấp internet trên toàn Liên minh Châu Âu. Vì vậy, Ủy viên Ủy ban Châu Âu Thierry Breton kêu gọi các ứng dụng phát trực tuyến giảm bớt chất lượng video trong thời hạn nhất định.
Đáp ứng điều này, Reed Hastings, nhà sáng lập Netflix, quyết định giảm 25% chất lượng hình ảnh trên tất cả các đường truyền ở châu Âu trong ít nhất 30 ngày kể từ 19.3. “Ông Hastings đã thể hiện mạnh mẽ tinh thần trách nhiệm và đoàn kết”, ông Breton ca ngợi.
Chiều 20.3, YouTube, công ty con của Google, cũng ủng hộ đề xuất này khi chuyển định dạng tiêu chuẩn từ HD sang SD, tờ Deccan Herald đưa tin.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.