Khi bánh quy bỗng hóa thành...tranh

Thái Duy
Thái Duy
05/12/2021 08:45 GMT+7

Vẽ và tạo hình cho bánh quy, một công việc kết hợp giữa ẩm thực và hội họa, hiện thu hút không ít bạn trẻ theo đuổi.

Vẽ tranh bằng kem đường, “xây nhà” bằng bánh quy

Ngoài công việc chính là dạy làm bánh, Lê Phan Viên Hy (29 tuổi, ở TP.HCM) còn say mê với công việc vẽ và tạo hình cho bánh quy. Đến nay cô đã có 7 năm gắn bó với công việc này.

Lúc đầu, Viên Hy chuyên làm bánh cho các sự kiện như sinh nhật, tiệc cưới... Khi khách hàng yêu cầu, cô chỉ thử vẽ những mẫu bánh đơn giản như nhân vật hoạt hình, công chúa….

Chiếc bánh quy bỗng hóa thành bức tranh qua đôi tay khéo léo của Viên Hy

NVCC

Dần dần khi đi sâu vào tìm hiểu, Viên Hy càng phát hiện ra những điều thú vị từ công việc này. Cô thấy thích thú khi những bức tranh có thể vẽ bằng kem đường, những ngôi nhà có thể dựng nên bằng bánh quy. “Cảm giác tạo ra mọi thứ từ bánh quy với mình rất vi diệu và tuyệt vời, nên mình theo đuổi nghệ thuật này từ đó”, Viên Hy chia sẻ.

Viên Hy cũng gặp không ít khó khăn khi bắt đầu vẽ tranh lên bánh quy do nghệ thuật này còn khá xa lạ đối với nhiều người. Dù vậy, cô vẫn cố gắng tự mày mò học hỏi qua các kênh YouTube, thử nghiệm với rất nhiều công thức kem đường và nền bánh mới cho ra được công thức như hiện tại.

“Ngoài ra, khí hậu Việt Nam rất ẩm nên việc xử lý kem đường rất khó khăn. Khi mình tự học qua YouTube, đa số những clip hướng dẫn đến từ những nước có khí hậu ôn đới lạnh và khô, khác với khí hậu nước mình, vì vậy sản phẩm ban đầu cho ra đời bị hỏng cũng rất nhiều”, Viên Hy chia sẻ.

Những chiếc bánh quy được trang trí đậm chất giáng sinh

NVCC

Bên cạnh đó, Viên Hy cũng gặp khó khăn khi chưa từng học qua lớp vẽ nào vì với một số tạo hình bánh quy phức tạp cần có lượng kiến thức hội họa nhất định. Tuy nhiên, với đam mê và quan niệm “khó khăn cũng chính là cơ hội”, cô luôn tích cực trao dồi và học hỏi thêm những kỹ thuật mới để nâng cao tay nghề.

Với một chiếc bánh quy tạo hình, người làm bánh cần tạo ra 2 phần chính là nền bánh và kem đường. Để làm ra một chiếc bánh quy sống động cần nhiều kỹ thuật cao, bao gồm hai kỹ thuật chính là bơm kem tạo khối và tô màu.

Viên Hy giải thích: “Để thể hiện những phần cơ bắp hoặc mũi, miệng, gò má... cần hội tụ nhiều yếu tố, bao gồm độ đặc lỏng của kem đường, lực bơm kem, tỷ lệ giữa đường và lòng trắng trứng. Ngoài ra, sau khi bơm kem tạo khối xong cần biết cách tô màu, tạo độ đậm nhạt, sáng tối sao cho thật sống động”.

Bánh quy tạo hình Hằng Nga dịp trung thu

NVCC

Thu nhập gấp 3-4 lần vào dịp lễ

Cũng yêu thích và theo đuổi công việc vẽ và tạo hình bánh quy, Nguyễn Thị Hương Ly (28 tuổi, TP.Hải Phòng) bắt đầu bén duyên với bếp bánh, cọ vẽ từ 1 năm trước.

Nhận thấy bản thân vẽ bằng kem đường không được đẹp nên khác với nhiều người, Hương Ly dùng cọ mỹ thuật và màu nước thực phẩm để trang trí. Vốn đã quen với việc vẽ tranh trên giấy, vải toan, bánh kem, cô không gặp nhiều khó khăn khi điều khiển nét cọ.

Những chiếc bánh quy dễ thương truyền năng lượng tích cực của Hương Ly

NVCC

Với mỗi sản phẩm, tùy vào độ phức tạp của các chi tiết, Hương Ly tốn từ 3-7 giờ để hoàn thành. Phong cách cô thường thể hiện là những hình ảnh dễ thương như ảnh chibi, nhân vật hoạt hình hoặc bất kể hình tượng gì miễn là toát nên sự vui tươi, yêu đời.

“Từ ngày đầu làm, tôi đã muốn tạo cho bánh quy của mình có một phong cách riêng biệt. Nó vẫn thể hiện đầy đủ màu sắc sinh động lên chiếc bánh nhưng sẽ không bóng bẩy và rực rỡ như loại bánh quy vẽ bằng kem đường. Nó bắt buộc phải giữ được độ nhám đặc trưng vốn có, giúp tạo sự mộc mạc, ấm áp”, Hương Ly chia sẻ.

Cô cũng cho biết thêm vào những dịp lễ, do nhu cầu tặng quà của mọi người cao hơn nên lượng đơn hàng cô nhận được cũng nhiều hơn, gấp 3 - 4 lần bình thường.

Hộp bánh quy do Hương Ly làm thể hiện hình ảnh bác sĩ tuyến đầu

NVCC

Những câu chuyện được gửi gắm trong mỗi đơn đặt hàng cũng khiến Hương Ly cảm thấy ấn tượng. Một trong số đó là hộp bánh quy vẽ ảnh tuyến đầu chống dịch.

“Hộp bánh quy đó là do một anh khách hàng đặt để dành tặng cho một người con gái đặc biệt. Chị là bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch, công việc hết sức áp lực và nguy hiểm. Trên bánh, anh muốn vẽ lại hình ảnh chị đang mạnh mẽ ngày đêm chiến đấu với dịch, càng muốn tái hiện lại cả hình ảnh đời thường chị thích mặc áo sơ mi trắng”, cô kể.

Mỗi đơn đặt hàng bánh quy đều mang theo những câu chuyện, Hương Ly thấy rất vui khi được là cầu nối giúp thể hiện những suy nghĩ cũng như tình cảm của mọi người đến với nhau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.