Khi bác sĩ bị... stress!

24/02/2018 18:33 GMT+7

Vì sao xảy ra nhiều vụ xung đột giữa người nhà bệnh nhân với nhân viên y tế? Khi bị stress, bác sĩ làm gì để giải tỏa căng thẳng?...

Đó là những vấn đề chính trong buổi giao lưu giữa bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, bác sĩ Nguyễn Lan Hải với những phụ huynh, bạn trẻ tại TP.HCM (do Hội quán Các bà mẹ tổ chức vào ngày 24.2, nhân dịp kỷ niệm Ngày thầy thuốc VN - 27.2).

Cần tôn trọng và thấu cảm bệnh nhân

Là khán giả đặt câu hỏi đặt câu hỏi đầu tiên trong chương trình, anh Phó Đức Huỳnh (thuộc Câu lạc bộ Quản lý chất lượng và an toàn người bệnh tại TP.HCM) nêu tâm tư: “Gần đây nổi lên chủ đề mới và thời sự là nhân viên y tế, bác sĩ bị hành hung bởi chính  người nhà bệnh nhân. Với những vụ việc này, truyền thông đưa tin rất nhanh . Trong khi đó, những ca bệnh nhân tri ân bác sĩ thì không được nhắc tới, coi như chuyện bình thường. Chúng ta cần làm gì để thay đổi thực trạng này?”.

BS Đỗ Hồng Ngọc (phải) và BS Nguyễn Lan Hải 

Bác sĩ (BS) Đỗ Hồng Ngọc, nguyên Giám đốc Trung tâm truyền thông - giáo dục sức khỏe TP.HCM, kể câu chuyện một em gái 16 tuổi bị nổi mụn đầy mặt, tới gặp bác sĩ da liễu. Nhưng vị BS đó chỉ hỏi vài câu qua loa rồi đưa toa thuốc cho em. Em gái ra về trong tâm trạng lo âu, bức xúc chất chứa, thậm chí có ý định tự tử.

“Bệnh nhân thì lo âu sợ hãi, còn vị BS này đã làm trong nghề lâu năm, hàng ngày tiếp xúc với quá nhiều bệnh nhân nên có thái độ thản nhiên. Điều đó khiến mối quan hệ hai bên đổ vỡ, xung đột. Nếu BS hỏi thăm, hướng dẫn hoặc đưa thêm thông tin cho bệnh nhân thì tình hình không đến mức độ như vậy”, BS Đỗ Hồng Ngọc phân tích.

Theo thạc sĩ, BS Nguyễn Lan Hải (thành viên ban cố vấn Hội quán các bà mẹ), stress không phải là bệnh mà là do áp lực, căng thẳng đến từ môi trường sống, đời sống nội tâm, vấn đề tài chính... Khi bị stress, những nhân viên y tế cũng có những rối loạn thể chất, rối loạn nhận thức gây ảnh hưởng rất nhiều công việc, tâm lý...

Để hạn chế những mâu thuẫn, xung đột như trên, BS Đỗ Hồng Ngọc cho rằng có ba nguyên tắc cần được áp dụng trong quá trình khám chữa bệnh.

Thứ nhất, đó là sự tôn trọng bệnh nhân. BS Đỗ Hồng Ngọc nói: “Khi tiếp xúc bệnh nhân là gái mại dâm, mình cũng tôn trọng họ như đối với bệnh nhân là hoa hậu. Nếu không tôn trọng người ta thì sẽ không truyền thông được”.

Thứ hai là sự chân thành. Thứ ba là sự thấu cảm, tức là đặt mình vào vị trí bệnh nhân để hiểu nguồn cơn đau khổ của họ.

“Còn sống, còn yêu, còn phấn đấu là còn stress”

Một bà mẹ trẻ thẳng thắn đặt câu hỏi: “BS Đỗ Hồng Ngọc, BS Nguyễn Lan Hải có hay gặp stress không? Nếu có, các bác sĩ làm gì để xả stress?”.

BS Nguyễn Lan Hải nhìn nhận: “Nhiều người bảo tôi hay tươi cười, chắc không có gì căng thẳng trong cuộc sống. Thực ra, với một người làm truyền thông, một người mẹ và là một bác sĩ, tôi có gặp stress. Stress đến với tôi là từ những người thân yêu hoặc từ bệnh nhân – những người quát nạt hoặc biếu quà cho tôi như một sự đòi hỏi ưu tiên phục vụ”.

Những người trẻ đặt câu hỏi giao lưu với bác sĩ

BS Nguyễn Lan Hải khẳng định ở góc độ khác, stress cũng có những cái lợi, giúp cho cuộc sống bớt tẻ nhạt. Theo bà, stress nhắc nhở mỗi người phải biết chăm sóc sức khỏe, cảm xúc và tinh thần.

“Chúng ta cần suy nghĩ tích cực rằng còn sống, còn yêu, còn phấn đấu là còn stress. Mình không thể tránh được stress, cho nên tôi chọn cách chấp nhận, đón nhận và vui nhận đối với stress”, BS Lan Hải lạc quan.

BS Đỗ Hồng Ngọc cho hay những lúc căng thẳng, ông uống cà phê với bạn bè, đọc sách, xem phim, làm thơ hoặc chuyển âu lo sang một hướng khác tích cực hơn...

Theo BS Đỗ Hồng Ngọc, hiện nay có xu hướng  sử dụng thiền cho những y, bác sĩ để tâm họ thanh tịnh, ổn định, từ đó giúp giảm bớt những sai lầm do căng thẳng, giảm tỷ lệ xung đột với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân...

“Những trường y nên giảng dạy về thiền học”, BS Đỗ Hồng Ngọc nhắn nhủ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.