Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên

26/03/2022 08:55 GMT+7

Hơn 2.000 câu hỏi của các đoàn viên, thanh thiếu niên trong và ngoài nước đã được gửi tới cuộc đối thoại với Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn diễn ra chiều qua 25.3. Cuộc đối thoại với chủ đề Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên

Tất cả đều tập trung vào giải pháp khơi dậy khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên để cùng dựng xây một VN hùng cường vào năm 2045.

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn tại buổi đối thoại ngày 25.3

Ngọc Thắng

Đặt hàng, hỗ trợ người trẻ khởi nghiệp

Là một trong những người đầu tiên nêu câu hỏi trong buổi đối thoại, Nguyễn Văn An, Chủ tịch Công ty Sách và Hành động, đơn vị chuyên thực hiện các dự án thư viện sách vì cộng đồng tại trường học, nêu câu hỏi được nhiều bạn trẻ quan tâm là việc Đoàn sẽ hỗ trợ thanh niên, học sinh, sinh viên như thế nào trên con đường chinh phục đỉnh cao trí thức, sáng tạo khởi nghiệp.

Các chương trình của Đoàn sẽ được thiết kế theo hướng các bạn trẻ sẽ là chủ thể từ việc thiết kế cho tới tổ chức nhằm tạo không gian để phát huy tốt nhất cái tôi cũng như nhiệt huyết của những người trẻ.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn

Trả lời vấn đề này, anh Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, để sáng tạo điều quan trọng nhất là phải có trí thức, hiểu biết về lĩnh vực và luôn đau đáu để tìm ra giải pháp hữu ích, phương án tối ưu hơn. Anh Tuấn dẫn chứng thực tế có nhiều câu chuyện của các nông dân, thanh niên vùng sâu vùng xa tuy không đến trường học, không được đào tạo bài bản nhưng nhờ đọc và tiếp cận từ rất nhiều nguồn thông tin, đã cho ra đời nhiều sản phẩm sáng tạo. Anh Tuấn cho rằng cũng cần phải có cơ chế đặt hàng, kết nối các ý tưởng hay tổ chức các cuộc thi, sàng lọc để có những sáng tạo tốt nhất.

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn và các bạn trẻ tại buổi đối thoại ngày 25.3

Ngọc Thắng

“Người sáng tạo vui nhất khi sáng kiến, ý tưởng được trân trọng. Mục tiêu T.Ư Đoàn đặt ra là 5 triệu ý tưởng sáng tạo, mỗi năm có 10% ý tưởng được kết nối đưa vào thực tiễn. Chỉ tiêu thứ nhất cuối nhiệm kỳ sẽ đạt được, nhưng chỉ tiêu thứ hai ước lượng chỉ đạt 70 - 80%, cần phải cố gắng hơn thời gian tới”, anh Tuấn nêu.

Theo anh Tuấn, sáng tạo trên nền tảng trí thức có tính rủi ro rất cao, tỷ lệ trên thế giới chỉ 2% các ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp thành công, ở VN theo thống kê của Bộ KH-ĐT cao hơn, đạt khoảng 7 - 8%. Tuy nhiên, hiện cơ chế để xây dựng các quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm từ nguồn của các tổ chức nghề nghiệp nhà nước đang vướng về pháp lý.

“T.Ư Đoàn cũng đang “nợ” chưa ra mắt được Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, song đáng mừng là các tổ chức Đoàn, địa phương, bộ ngành đã triển khai rất tốt qua các quỹ ủy thác, các cuộc thi, cơ chế gọi vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm...”, Bí thư thứ nhất nêu.

Gương mặt trẻ VN tiêu biểu năm 2021 Hồ Xuân Vinh cũng mong muốn có các chính sách hỗ trợ để thanh niên nông thôn tiếp cận 4.0 trong lập nghiệp, khởi nghiệp. Dẫn lại câu chuyện mô hình nuôi cá rô phi tại Hải Dương cũng như mô hình khởi nghiệp từ các phụ phẩm nông nghiệp của Vinh, theo anh Tuấn để chuyển đổi số thành công cần hội đủ 3 yếu tố: số hóa dữ liệu toàn bộ tạo thành dữ liệu lớn; con người số đủ năng lực tham gia quá trình vận hành; thể chế và cơ chế pháp lý.

Anh Tuấn cho hay cùng với các bộ, ngành khác, T.Ư Đoàn cũng đang số hóa dữ liệu các tổ chức Đoàn, dự kiến đầu tháng 4 tới sẽ trình Đề án nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên VN 2022 - 2030. Bộ NN-PTNT cũng đã có đề án chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, hình thành các HTX, cơ sở chế biến sâu; đào tạo và nâng cao năng lực số cho nông dân, thanh niên nông thôn...

“Đừng coi thường các bác, anh chị nông dân, như đợt dịch vừa qua rất nhiều người livestream bán hàng, tổ chức homestay thành công. Tôi tin năm 2022 sẽ có bước phát triển nhảy vọt trong chuyển đổi số, trong đó có chuyển đổi số trong nông nghiệp”, anh Tuấn khẳng định.

Hòa vào dòng chảy chung để “đi ra biển lớn”

Cho rằng thế hệ Gen Z hiện nay với đặc tính đề cao cái tôi và sự tự do cá nhân đôi khi xao lãng trách nhiệm với gia đình, trọng trách với Tổ quốc, Hồng Trường Trinh (Đoàn cơ sở xã Ninh Hòa, tỉnh Bạc Liêu) đề nghị

Bí thư thứ nhất cho biết những đổi mới trong phương thức tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao lý tưởng cách mạng cho thế hệ Gen Z để thế hệ này cống hiến tài năng, làm giàu cho bản thân và cho Tổ quốc.

Trả lời câu hỏi này, anh Nguyễn Anh Tuấn cho rằng trong giai đoạn xã hội cởi mở và tôn trọng tính cá nhân của mỗi người, việc các bạn Gen Z khẳng định cái tôi tốt đẹp là chính đáng. Điều quan trọng là làm thế nào để cái tôi phát huy đúng lúc, đúng nơi, mang giá trị cho cá nhân, gia đình bạn đó, cho cộng đồng, đất nước. Không đồng tình với đánh giá cho rằng Gen Z thường vì mải khẳng định cái tôi mà quên các trách nhiệm với cộng đồng, anh Tuấn cho rằng câu chuyện chống dịch 2 năm vừa qua cho thấy mong muốn khẳng định cái tôi của các bạn trẻ đã hòa vào dòng chảy chung như thế nào…

Bí thư thứ nhất cũng cho biết các cấp bộ Đoàn cần có trách nhiệm hơn trong việc tạo ra môi trường, dòng chảy chung để từng cái tôi của các bạn Gen Z như “giọt nước hòa vào dòng chảy chung để cùng đi ra biển lớn”. Theo anh Tuấn, T.Ư Đoàn cũng đang trăn trở về vấn đề này để xây dựng văn kiện trình Đại hội Đoàn lần thứ XII vào cuối năm nay nhằm phát huy tinh thần sáng tạo, xây dựng nhiệt huyết trong các bạn trẻ. Tuy nhiên, anh Tuấn lưu ý, hiện nay không nên giáo dục các bạn trẻ theo phương pháp dạy dỗ, một chiều, đẩy thông tin từ trên xuống, lôi các bạn trẻ đến hội trường đóng cửa nói từ sáng đến chiều sẽ không hiệu quả, thậm chí còn phản cảm. Ngược lại, anh Tuấn cho biết các chương trình của Đoàn sẽ được thiết kế theo hướng các bạn trẻ sẽ là chủ thể từ việc thiết kế cho tới tổ chức nhằm tạo không gian để phát huy tốt nhất cái tôi cũng như nhiệt huyết của những người trẻ.

Bác sĩ chuyên khoa cấp 1 Lò Thị Thanh Hợp, Trưởng khoa Nhi, Trung tâm y tế H.Nậm Pồ (Điện Biên), đặt câu hỏi: “T.Ư Đoàn đã có đề xuất chính sách đối với đội ngũ đặc thù này chưa, và sẽ có những chính sách hỗ trợ gì để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ tại những nơi khó khăn của Tổ quốc?”. Anh Nguyễn Anh Tuấn khẳng định những hy sinh thầm lặng của bác sĩ Hợp cũng như các y, bác sĩ trong đại dịch Covid-19 đã mang lại cuộc sống bình yên cho người dân... Anh Tuấn cũng cho biết T.Ư Đoàn đã kiến nghị Bộ Y tế để đội ngũ y, bác sĩ được thường xuyên đào tạo nâng cao nghề nghiệp, trên các nền tảng trực tuyến. Anh Tuấn cũng cho biết cần phải tháo gỡ cơ chế luân chuyển, không thể bắt một y bác sĩ phải về phường làm 3 năm hay thậm chí 30 năm.

Thanh niên phải luôn có niềm tin, suy nghĩ tích cực

Trả lời Nguyễn Văn Chung (H.Vạn Ninh, Khánh Hòa) về trách nhiệm của thanh niên trước vấn đề chủ quyền biển đảo, Biển Đông, anh Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh mỗi người cần cố gắng học hành, rèn luyện, chiến đấu vững vàng để đất nước ngày một giàu mạnh. Vì đất nước không giàu mạnh, tiềm lực quân sự, quốc phòng không tốt tất yếu sẽ bị đe dọa về quốc phòng, an ninh. Anh Tuấn cũng lưu ý đoàn viên luôn giữ bầu nhiệt huyết, trái tim nóng nhưng cái đầu lạnh để phản ứng với thông tin sai lệch.

Không phải làm chức to mới đóng góp được cho đất nước

Trả lời câu hỏi về khát vọng của bản thân lúc mười tám, đôi mươi và khát vọng của bản thân hiện nay, anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết khi 18 tuổi, ước mơ lớn nhất của anh là học ngành vật lý địa cầu vì đam mê thiên văn học, khoa học vũ trụ. Về khát vọng hiện nay anh Tuấn nói “đã hòa chung vào khát vọng của thế hệ thanh niên VN hiện nay”. “Tôi mong được đóng góp sức lực, trí tuệ của mình để đóng góp cho đất nước. Các bạn trẻ đừng suy nghĩ mình làm phải làm chức to, làm những công việc thật lớn lao mới là đóng góp cho đất nước, mà ngay trong công việc hằng ngày. Hãy cố gắng sáng tạo, tìm tòi nghiên cứu để hoàn thành công việc đó một cách tốt nhất, thì cũng là đang góp phần đóng góp cho xã hội, dựng xây đất nước rồi”, anh Tuấn nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.