Khát vọng chanh Việt

17/02/2018 09:00 GMT+7

Những ngày cuối năm 2017, đi từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vào trung tâm TP.HCM sẽ thấy tòa nhà Chanh Việt cao vút ở số 261 Hoàng Văn Thụ (P.2, Q.Tân Bình).

Ở đó đang thành hình nhiều giải pháp cất cánh cho nông sản Việt Nam, đặc biệt là trái chanh của nông dân miền Tây.
Khát vọng chanh Việt 1
Sản phẩm Chanh Việt tham gia triển lãm thực phẩm ở Malaysia Ảnh: An nhiên
Chủ nhân tòa nhà Chanh Việt vừa qua tuổi 40 Nguyễn Văn Hiển, xuất thân từ Quảng Nam và tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa TP.HCM. Vốn không “ruột rà” với nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long, nhưng khi chứng kiến hành trình long đong của nông sản Việt, Hiển đã quyết định tìm hiểu với khát vọng góp phần thay đổi.
Từ vùng đất phèn
Bằng tâm huyết và sự chân thành, Hiển gõ cửa các nhà khoa học, các doanh nhân đàn anh cùng chuyên gia thương hiệu để lắng nghe và kết nối. Nhờ vậy, ngay từ bước đi đầu tiên là xây dựng vùng trồng chanh không hạt quy mô lớn ở xã Thạnh Lợi (huyện Bến Lức, Long An), Hiển đã nhận được sự trợ giúp chuyên môn tích cực của các thầy cô Trường đại học Nông Lâm TP.HCM. Không dừng lại ở đó, các thầy cô, bằng uy tín cá nhân của mình, còn đứng ra làm cầu nối để nhiều giáo sư chuyên ngành từ các trường đại học tên tuổi của Mỹ, Nhật và một số quốc gia Đông Nam Á đến vùng trồng chanh của Hiển tham quan, chia sẻ kinh nghiệm. Rồi nhiều đoàn sinh viên nông nghiệp trong nước và quốc tế cũng lặn lội xuống xã vùng sâu Thạnh Lợi tình nguyện “làm nông dân” với Hiển. Nhiều bạn trẻ trong số ấy sau khi tốt nghiệp đã từ giã thị thành về khoác áo “nông dân công nghiệp” trên cánh đồng chanh quy mô lớn.
Tại Long An, nhiều năm nay Chanh Việt của Hiển đã nổi lên là một công ty tiêu biểu áp dụng công nghệ cao vào trồng trọt và chế biến các sản phẩm từ chanh. Có thể nói đến thời điểm này, ít có ban ngành nào của tỉnh Long An không biết đến Chanh Việt. Vì Hiển không chỉ mang lại màu xanh làm thay đổi bộ mặt của vùng đất phèn nổi tiếng “khỉ ho cò gáy” của Long An, mà còn tạo ra công ăn việc làm cho một bộ phận lớn bà con nông nhàn, làm “bà đỡ” chia sẻ kinh nghiệm, thu mua sản phẩm “chanh nhà lá vườn” và đóng góp vào ngân sách hằng năm của tỉnh.
Bước ra thế giới
Một lần thấy người bán quán dùng bột chanh của nước ngoài pha nước cho khách uống ở đường phố Sài Gòn, Hiển trăn trở: “Bột đó làm gia vị, uống trực tiếp với hàm lượng nhiều có hại cho sức khỏe, trong khi chanh tươi của bà con mình thì bán không ai mua, giá rẻ bèo”. Không ngồi yên, Hiển mang câu chuyện đó đặt lên bàn các nhà khoa học và tiếp tục tìm kiếm giải pháp.
Trên thực tế, nhiều năm qua Chanh Việt đã đưa sản phẩm chanh tươi không hạt từ Long An xuất khẩu ra nhiều nước, kể cả thị trường khó tính như châu Âu. Tuy nhiên, đầu ra đó cũng phập phù theo giá cả thế giới nên “bài toán bán thô” phải cân nhắc từng thời điểm thích hợp. Giải pháp cho đầu ra là chế biến sâu bằng công nghệ hiện đại. Tự nhận mình “chỉ là nông dân”, Hiển lại gõ cửa các chuyên gia công nghệ, thực phẩm và cả trong lĩnh vực y học, sức khỏe. Những tinh chất quý hiếm từ trái chanh lần lượt được gọi tên; những công dụng có ích cho sức khỏe của vỏ, của nước chanh, của hạt chanh lần lượt được xác định. Kết quả là thương hiệu “chavi” của Hiển ra đời, với hàng loạt sản phẩm tiện lợi đi vào nhà bếp từng gia đình, bắt đầu là bột chanh gia vị, tinh dầu chiết xuất từ vỏ chanh, nước giải khát từ chanh… cho đến muối tiêu chanh, muối ớt chanh.
Tại TP.HCM, trong một thời gian ngắn cũng đã có nhiều cửa hàng mang tên “chavi store” lần lượt ra đời, chuyên bày bán các sản phẩm từ chanh của Hiển. Khi chavi dần chinh phục khách hàng trong nước thì Hiển tiếp tục đi “đánh xứ người”. Đầu tháng 8.2017, gian hàng của Chanh Việt đã trở thành “điểm trưng bày độc đáo” thu hút sự chú ý của khách tham quan triển lãm thực phẩm lớn nhất Malaysia. Rất nhiều khách tham quan là những nhà phân phối, chủ nhà hàng, khách sạn… quốc tế đã đến tìm hiểu và bày tỏ mong muốn hợp tác.
4 nhà chụm lại
Khi về thăm cánh đồng chanh của Hiển, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã đánh giá rất cao những nỗ lực của chàng trai miền Trung trên vùng đất miền Tây này. Nhưng với Hiển, sự chân thành chính là “mật mã” thành công của tâm huyết. Là một doanh nhân lăn lộn nhiều năm trong lĩnh vực xây dựng ở TP.HCM, Hiển ý thức rất rõ nếu thiếu sự chân thành thì không dễ gì có được sự giúp đỡ của các nhà khoa học, sự hợp tác của bà con nông dân và nhất là sự đồng tình của nhà nước. Khi “4 nhà chụm lại” thì khát vọng sẽ thành sự thật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.