'Khát' nghệ sĩ opera

Ngọc An
Ngọc An
18/03/2020 06:18 GMT+7

Kế hoạch dàn dựng lại vở opera kinh điển Cosi fan tutte của nhà soạn nhạc thiên tài người Áo Wolgang Amadeus Mozart trên sân khấu Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) chưa biết đến bao giờ mới thực hiện được, khi NSƯT Vũ Mạnh Dũng đột ngột đi xa.

“Cùng với vở Cosi fan tutte, hàng loạt vở opera lớn của thế giới và Việt Nam mà cố NSƯT Vũ Mạnh Dũng từng đảm nhận vai chính như Cây sáo thần của Mozart (vai Papageno), La boheme của Puccini (vai Colline), Carmen của Bizert (vai chàng đấu bò tót Escamillo), Người đi qua thung lũng của Pierre Oser (vai phù thủy Merlin), Cô Sao (vai Anh Hà), Người tạc tượng (vai Thạch Sơn) của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận... khó dàn dựng lại vì chưa có nghệ sĩ solist nào khác có thể đảm đương”, đạo diễn Huyền Nga, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, chia sẻ.
Chị xót xa trước thực tế hiện nay, ngay một nhà hát quốc gia như VNOB cũng chỉ dám nhìn vào những gương mặt nghệ sĩ hiện có để xem có thể dàn dựng được những vở diễn nào, chứ không phải muốn dựng vở nào cũng được.

Quá hiếm nghệ sĩ solist

Có một bất cập là hiện tại, hầu hết các cơ sở đào tạo âm nhạc cổ điển thính phòng chỉ chú trọng đến kỹ thuật thanh nhạc, chứ không đưa những bộ môn kỹ thuật biểu diễn, giải phóng hình thể vào trong chương trình đào tạo. “Chính đó là nguyên nhân dẫn đến việc sinh viên khi ra trường đầu quân về nhà hát theo dòng opera đều phải mất rất nhiều thời gian đào tạo lại mới có thể đảm nhận được vai diễn. Bởi nghệ sĩ opera không chỉ cần kỹ thuật thanh nhạc mà còn đòi hỏi cả khả năng diễn xuất và nghệ thuật trình diễn”, đạo diễn Huyền Nga cho hay.
'Khát' nghệ sĩ opera1

NSƯT Vũ Mạnh Dũng trong vở opera Người tạc tượng

Đó cũng là lý do vì sao nghệ sĩ opera làm nghề tại Việt Nam chỉ có thể trưởng thành qua từng vai diễn và không ít trong số họ đã tham gia hoặc được đào tạo tại nước ngoài mới có thể trụ được với nghề. “NSƯT Vũ Mạnh Dũng đang ở độ tuổi chín muồi, sung sức nhất của nghề. Anh không chỉ gần như là nghệ sĩ opera đẳng cấp quốc tế hiếm hoi tại Việt Nam, mà còn là nghệ sĩ solist đảm nhận vai “chính kịch” của hàng loạt vở diễn mà rất ít nghệ sĩ đã kinh qua. Cho đến thời điểm này, opera Việt Nam chưa thể có được nghệ sĩ solist có kỹ thuật ổn định và kinh nghiệm dày dạn như anh”, đạo diễn Huyền Nga lý giải.

Giờ có sinh viên nào đam mê opera, mình đều muốn truyền đạt hết. Nhưng học trò của mình đến giờ gần như chưa có ai muốn theo con đường này cả

Nghệ sĩ opera Hà Phạm Thăng Long

Nghệ sĩ opera Hà Phạm Thăng Long cũng chỉ dám hy vọng: “Trong vài năm tới, tình hình sẽ cải thiện dần. Còn hiện giờ số lượng nghệ sĩ solist rất ít ỏi, còn như NSƯT Vũ Mạnh Dũng là chưa có ai”. Sở hữu chất giọng full lirico soprano (giọng nữ cao trữ tình dày dặn), nghệ sĩ Hà Phạm Thăng Long gắn bó với sân khấu opera 17 năm, nhưng từ nhiều năm nay chị đã chuyển hẳn sang giảng dạy (tại Trường ĐH Nghệ thuật quân đội). “Nhớ sân khấu lắm nên giờ có sinh viên nào đam mê opera, mình đều muốn truyền đạt hết. Nhưng học trò của mình đến giờ gần như chưa có ai muốn theo con đường này cả. Nguyên nhân là đầu ra hẹp, hơn nữa cần có thể lực tốt mới theo được opera”, nữ nghệ sĩ chia sẻ.

Cần nhìn nhận đúng về nghệ thuật tinh hoa

Đạo diễn Huyền Nga kể, dù opera không giúp trang trải nổi cuộc sống, người nghệ sĩ như NSƯT Vũ Mạnh Dũng vẫn phải làm những công việc khác để lo cho gia đình, nhưng bất cứ khi nào nhà hát dựng vở hay biểu diễn, anh đều sẵn sàng đặt những công việc đó sang một bên. Tuy nhiên, theo đạo diễn Huyền Nga, nếu không có sự nhìn nhận đúng về nghệ thuật tinh hoa để có phương thức đào tạo, định hướng phát triển, chế độ đãi ngộ phù hợp thì rất khó giữ chân được những nghệ sĩ tài năng. Không phải ai cũng chấp nhận đặt gánh nặng cơm áo gạo tiền xuống để theo đuổi đam mê.
Ở khía cạnh khác, nghệ sĩ Hà Phạm Thăng Long trông chờ nhu cầu thưởng thức của công chúng trong nước với opera tăng lên khi đời sống kinh tế được nâng cao. Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, gốc rễ vẫn là đào tạo khán giả cho nghệ thuật hàn lâm. “Chúng ta cần “nuôi” khán giả từ khi họ còn nhỏ với nghệ thuật hàn lâm, mà trong đó có opera. Cụ thể, điều đó phải được thực hiện qua nhiều hình thức giáo dục thẩm mỹ âm nhạc, nâng cao trình độ thưởng thức nghệ thuật”, ông Long nói.
Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long cho rằng nhiều loại hình nghệ thuật đỉnh cao hiện tại vẫn khó có thể rời bàn tay của “bà đỡ” nhà nước khi không thể sống dựa vào thị trường như nhiều loại hình nghệ thuật khác. “Một vở diễn opera nằm trong khuôn khổ lớn, không chỉ đòi hỏi trình độ cao mà còn phải đầu tư rất nhiều công sức, tiền bạc. Trong khi đó, khán giả có nhu cầu hay có trình độ thưởng thức opera chưa nhiều; giá vé bán ra lại thấp”, ông Long lý giải.
Nghệ sĩ opera cần có chế độ sinh hoạt chuẩn chỉnh, luyện tập nghiêm ngặt để đảm bảo sức khỏe và giọng hát. Họ cũng không được phép “đá” sang dòng nhạc mang tính thị trường khác vì việc này dễ phá giọng. Trong khi đó, nghệ sĩ opera lại khó có thể trang trải cuộc sống chỉ bằng công việc biểu diễn. Một nghệ sĩ opera solist dù phải gần như vắt kiệt sức trong một buổi tập nhưng cũng chỉ nhận được 20.000 đồng, mới đây tăng lên 50.000 đồng. Cùng với đó, lương tháng của một nghệ sĩ solist cũng chỉ được vài triệu đồng. “Mình phải bươn chải chứ biết làm sao”, nghệ sĩ Hà Phạm Thăng Long nói. Trong thời gian gắn bó với opera, chị vẫn làm thêm công việc dạy học. Dù vậy, với chị đó còn là may mắn vì đủ sống bằng nghề.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.