Khát khao trở lại bục giảng của thầy giáo 'nghỉ hưu' tuổi 30

19/11/2019 08:33 GMT+7

Ngày nhà giáo, trên đôi chân là những vòng bánh xe lăn, người thầy giáo phải ' nghỉ hưu ' ở tuổi 30 lại nhớ lớp, nhớ học trò và nặng lòng: 'Mình muốn viết một lá thư gửi Sở GD-ĐT để nói lên nguyện ước được trở lại bục giảng'.

Cuộc sống trên xe lăn sau 3 năm gặp biến cố của thầy giáo sư phạm

Điều duy nhất níu thầy giáo trẻ bao năm qua chưa viết lá thư là đôi chân không còn lành lặn. Nhưng tấm lòng người thầy luôn mong muốn được cống hiến cho giáo dục cứ thôi thúc, đến cả trong giấc mơ cũng hiện về. Đó là câu chuyện của thạc sĩ Đặng Hoàng An (30 tuổi, nguyên giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM).

Đến với nghề giáo từ nạn nhân của bạo lực học đường

Trên chiếc xe lăn được học trò cũ về thăm, đưa đi dạo, anh An thấy hạnh phúc vô cùng. “Ngày đầu khi nhận lớp ở một trường tư thục, học sinh đứng lên hỏi: “Giờ ông muốn chủ nhiệm mấy ngày?”. Có lẽ vì tốt nghiệp ngành tâm lý - giáo dục nên ít nhiều mình hiểu được dù các em ngỗ nghịch hay cá biệt thì sâu thẳm bên trong vẫn là những học sinh có tố chất riêng và cần được tôn trọng. Mình tâm huyết với việc dùng tình thương để cảm hóa và rồi trở thành người lắng nghe, đồng hành cùng các em”, anh An kể.

Mong muốn được cống hiến cho giáo dục cứ thôi thúc anh, đến cả trong giấc mơ cũng hiện về

Nữ Vương

Những ký ức đan xen nhau ùa về, nhớ học trò, nhớ nghề giáo rồi lại nhớ những ngày đầu đi học từng là nạn nhân của bạo lực học đường.
Nhà nghèo, ba mẹ đi làm quần quật cả ngày, không được học mẫu giáo mà vào thẳng lớp 1, nên mặt chữ anh cũng không biết. Thế là, bị cô giáo đánh và phạt bằng những hình thức rất nặng nề đến nỗi anh ám ảnh trường học, cứ đến cổng trường lại tìm cách quay về nhà.
Nỗi ám ảnh kéo dài suốt 3 năm, đến năm lớp 4, anh gặp được người thầy rất tâm lý và kiên nhẫn dạy dỗ cho anh từng phép toán, con chữ. Sự ân cần, chu đáo của thầy đã trở thành hình mẫu cho anh noi theo và quyết tâm theo đuổi nghề giáo chỉ với hy vọng môi trường học đường sau này không còn tồn tại bạo lực như anh đã trải qua.
Từ đó, suốt những năm tháng đi học, những giờ ra chơi anh hay lén lên bàn thầy cô để ngồi và tưởng tượng ra cảnh sau này mình đứng trên bục giảng, cứ thế giấc mơ lớn dần.

Biến cố ập đến

Vừa làm quản nhiệm vừa phụ trách công tác tư vấn học đường ở một trường tư thục được 2 năm thì anh chuyển về làm giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
Nhưng chỉ sau 4 tháng làm giảng viên thì biến cố ập đến, anh bị ngã cầu thang từ tầng 2 xuống ảnh hưởng đến đôi chân (bác sĩ chẩn đoán do tụt can xi máu). Cộng thêm chứng suy giảm hệ thống miễn dịch, nên đôi chân ngày càng trở nặng nhưng không thể can thiệp để mổ. Vì sức khỏe quá yếu, máu trong người đang có vấn đề nên tỷ lệ thành công khi lên bàn mổ là rất thấp. Bác sĩ trả về, gia đình ai cũng nghĩ anh sẽ không qua khỏi.

Giờ anh An có thể tự lo mọi sinh hoạt trong nhà

Nữ Vương

Giờ anh An đã giữ được sự sống, nhưng phải chấp nhận tàn phế đôi chân. Hai năm đầu, anh nằm liệt trên giường bệnh, cái chân đau cứ hành hạ anh như trời giáng, từ chàng trai trẻ lành lặn, anh trở nên tàn phế và rời xa giấc mơ làm thầy giáo. “Mình là người được học về tâm lý, dạy tâm lý nhưng đến khi biến cố ập đến cũng không thể vượt qua bởi nó quá sức chịu đựng đối với bản thân. Nhưng rồi, bình tâm lại, tự khuyên chính mình và vực dậy”, anh An trải lòng.
Khi anh bình tâm và lấy lại tinh thần, thì sự lạc quan và nghị lực của anh khiến ai cũng phải ngưỡng mộ.
Qua một người quen giới thiệu, những bài viết khi cần chuyên gia tâm lý chia sẻ, tôi gọi và anh chưa bao giờ từ chối. Khi biết được câu chuyện của anh, tôi bàng hoàng sửng sốt, đến ngày gặp mới được anh kể, những lúc chia sẻ ý kiến tham vấn, anh vẫn đang chịu đựng những cơn đau như trời giáng trên giường bệnh.
 

Anh An còn làm nghiên cứu khoa học, trồng nấm để kiếm thêm thu nhập

Nữ Vương

“Trong tâm thức, tôi luôn nghĩ rằng có thể đôi chân mình không lành lặn nhưng kiến thức chuyên môn vẫn còn đó, tâm huyết với nghề vẫn ở đây thì chuyện mình muốn cống hiến cho giáo dục, cho cộng đồng là điều có thể”, anh An tâm niệm.
Không chỉ giúp đỡ phóng viên báo, đài tham vấn tâm lý cho người trẻ, mà khi gặp những hoàn cảnh đồng cảnh ngộ, anh kết nối và cùng hỗ trợ tâm lý để họ vượt qua.

Khát khao trở lại nghề giáo

Giờ anh có thể tự lo mọi sinh hoạt trong nhà, không những thế anh còn làm nghiên cứu khoa học, phụ gia đình nuôi bò, trồng nấm để kiếm thêm thu nhập.
Nhưng có lẽ, đam mê và nỗi nhớ nghề giáo chưa bao giờ nguội tắt trong anh. “Mình muốn viết một lá thư gửi Sở GD-ĐT tỉnh Long An để nói lên nguyện ước được trở lại bục giảng. Nhưng cứ sợ, không biết lãnh đạo Sở có cảm được câu chuyện của mình không”.
Anh nói với giọng cố tỏ ra lạc quan nhưng trong sâu thẳm, tôi vẫn cảm nhận được tiếng lòng nặng trĩu của anh.
“Mình nghĩ đôi khi với nhân dáng người thầy ngồi xe lăn như thế này lại là minh chứng sống động để truyền cảm hứng cho nhiều học trò hơn. Nếu không được đứng lớp dạy thì mình vẫn có thể làm việc ở phòng tham vấn tâm lý học đường, vì hiện tại các em đang rất cần điều này ở trường học”, anh An nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.