Kháng thể thoát khủng hoảng

07/06/2021 04:44 GMT+7

Mùa hè, lẽ ra là mùa của những chuyến đi xa, mùa vui chơi, nhưng trẻ em ở các đô thị đang phải trải qua một kỳ nghỉ đặc biệt - kỳ nghỉ của những đợt giãn cách đề phòng dịch bệnh.

Ở một số vùng dịch, nhiều trẻ em phải trải qua cảnh khó khăn, thiếu thốn trong các khu cách ly tập trung khi chính các em là F1 của các chuỗi lây nhiễm.
Không gian sinh hoạt vận động nhỏ hẹp lại, việc học hành gián đoạn và phải ứng phó với những thay đổi bất thường theo tình hình dịch bệnh, năng lực chuẩn bị, thích ứng còn nhiều hạn chế trước các thử thách lớn lao mà hoàn cảnh dịch bệnh đang gây ra, trẻ em dễ rơi vào những chuỗi ngày buồn chán, mất phương hướng.
Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy xu hướng học sinh tự tử ở Nhật Bản gia tăng trong thời gian xảy ra các đợt giãn cách xã hội. Nguyên do chính: những áp lực lây lan từ chính cha mẹ, ức chế bởi bạo lực gia đình, những khó khăn trong việc học hành và nhất là sự hoang mang, bi quan về tương lai...
Ngày 3.6 vừa qua, Tổ chức KidsRights (Quyền trẻ em) đã có một cảnh báo về việc hàng triệu trẻ em trên thế giới sẽ rơi vào “cuộc khủng hoảng thế hệ” do mất cơ hội học tập - hệ lụy của những biện pháp giãn cách xã hội nhằm kiểm soát dịch bệnh. Ngoài ra, nhiều nguy cơ sức khỏe tâm thần của trẻ em ở giai đoạn này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và dai dẳng.
Cũng trong bản thống kê của tổ chức trên, có một vài con số đáng chú ý:142 triệu trẻ em trên thế giới đang rơi vào cảnh nghèo đói do hệ lụy của khủng hoảng kinh tế toàn cầu; 80 triệu trẻ em dưới 1 tuổi không được tiêm chủng phòng các loại bệnh thông thường.
Từ góc độ gia đình, làm sao vừa đảm bảo kinh tế, vừa chu toàn trong việc dưỡng dục con trẻ - đó là thử thách lớn của phụ huynh trong bối cảnh dịch bệnh đang tác động đến mọi mặt của đời sống. Nhiều phụ huynh đã nhận ra rằng việc cân bằng giữa các mục tiêu phát triển, mưu sinh và dành thời gian quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tâm thần của con trẻ là điều quan trọng nhất. Bởi họ nhận ra rằng trong đại dịch, chính con cái trong gia đình họ thuộc nhóm dễ tổn thương nhưng ít được nhận ra nhất. Bởi tư duy xuề xòa theo lối “thuận theo tự nhiên” và thói quen chuyển hóa các bức bối của người lớn qua con trẻ, bắt con cái phải chịu gánh nặng về sự áp đặt, thậm chí bạo lực gia đình… đều có thể đẩy trẻ nhỏ đến bờ vực trầm cảm. Ngoài ra, việc giao thí con cái cho máy móc công nghệ cũng dễ dẫn tới tình trạng con trẻ nghiện game, xem các kênh nội dung độc hại và mất năng lực kết nối trở lại với xã hội bên ngoài...
Trong giãn cách, những ngôi nhà vui vẻ lạc quan cũng có thể là đề kháng chống lại dịch bệnh và những hệ lụy của nó tác động lên tâm thế chúng ta.
Ngoài ra, đối với các tổ chức bảo vệ quyền trẻ em, đây cũng là lúc cần kích hoạt mạnh nhất các hoạt động giám sát, để ứng phó với tình trạng bạo lực gia đình mà trẻ em là nạn nhân; hội tụ các nguồn lực xã hội để xây dựng các dự án, sáng kiến tạo điều kiện cho trẻ em nghèo được chăm sóc y tế, văn hóa giải trí đầy đủ và phù hợp trong điều kiện mới, tránh trở thành nạn nhân của đói nghèo, kỳ thị và chán chường...
Cần xây dựng một thế hệ thoát được khủng hoảng, có kháng thể phát triển mạnh mẽ sau đại dịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.