Khẩn trương chi trả tiền hỗ trợ Covid-19 cho dân

Thu Hằng
Thu Hằng
15/07/2021 06:43 GMT+7

Một tuần sau khi Chính phủ hướng dẫn thủ tục về gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng, nhiều địa phương đã có kế hoạch chi trả tiền hỗ trợ Covid-19 . Trong khi đó, có những địa phương vẫn xin ý kiến, chờ hướng dẫn.

33 địa phương có kế hoạch hỗ trợ

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm trong lĩnh vực người lao động (LĐ), người có công và xã hội, và thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức ngày 14.7, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho hay, đợt dịch lần thứ 4 đã ảnh hưởng tới LĐ và việc làm rất lớn. Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 2,42%, tỷ lệ thiếu việc làm là 2,6%. Riêng khu vực phi chính thức trên 60%.

Sáng 15.7: TP.HCM thêm 603 ca Covid-19, sắp vượt 20.000 bệnh nhân

TP.HCM là địa phương duy nhất đã triển khai chính sách hỗ trợ cho người dân đến thời điểm này. Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết HĐND TP đã thông qua gói an sinh hỗ trợ người dân gặp khó vì đại dịch với tổng kinh phí 886 tỉ đồng, hỗ trợ 6 nhóm đối tượng, trong đó có 226.000 LĐ tự do. Tính đến 13.7, đã có 46% LĐ tự do được hỗ trợ. Dự kiến ngày 15.7, TP.HCM kết thúc chi trả cho các LĐ tự do giãn cách từ ngày 31.5 - 2.6; đồng thời tiếp tục triển khai hỗ trợ đợt 2 trong 15 ngày giãn cách, với mức 50.000 đồng/người/ngày. Những đối tượng còn lại của Nghị quyết 68 sẽ thực hiện quyết liệt, hoàn thành công tác hỗ trợ ngay trong tháng 7. Dự kiến từ nay đến 23.7, TP sẽ bước vào đợt cao điểm chi trả tiền cho người LĐ bị ảnh hưởng. Ngoài ngân sách, TP.HCM vận động các nguồn khoảng 87 tỉ đồng để hỗ trợ người LĐ.
“Các cơ quan chức năng TP đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, đơn giản các thủ tục, làm nhanh nhất để người dân, doanh nghiệp, tiểu thương nhanh chóng nhận được hỗ trợ. Thậm chí, có những chính sách, người LĐ, người dân không phải làm bất cứ thủ tục gì mà các cơ quan chức năng, doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ để chuyển tiền cho người dân, LĐ sớm nhất”, ông Tấn chia sẻ.
Sau TP.HCM, Đồng Nai đã ban hành quyết định hỗ trợ ngày 13.7, trong đó có nhiều chính sách cụ thể cho LĐ tự do. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đồng Nai, cho hay: “Đồng Nai dự kiến dành khoảng 45 tỉ đồng hỗ trợ 30.000 LĐTD, với mức 1,5 triệu đồng/người, chi trả 1 lần”.
Ông Nguyễn Tiến Cơi, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bắc Giang, thông tin trong ngày 14.7, tỉnh này đã ban hành hướng dẫn hỗ trợ với thủ tục thông thoáng, đơn cử một số đối tượng F0, F1 chỉ cần giấy biên nhận tiền ăn hoặc xác nhận đi cách ly, điều trị gửi chính quyền. Tuy nhiên với LĐ tự do, dù đã có dự kiến hỗ trợ, song kinh phí khó khăn nên tỉnh đang phải tính toán thêm.

Bản tin Covid-19 ngày 14.7: Cả nước "kỷ lục" gần 3.000 ca, TP.HCM siết mạnh nhiều biện pháp phòng dịch

Chậm trễ là có lỗi với dân

Nhiều địa phương khác như Bắc Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng... cũng đã gấp rút ban hành kế hoạch cụ thể, tuy nhiên vẫn có những địa phương mới dừng ở mức xây dựng dự thảo nghiên cứu, trình thủ tục giấy tờ và chờ hướng dẫn.
Bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.Hà Nội, cho biết: “Sở LĐ-TB-XH đang đôn đốc các sở, ngành khẩn trương góp ý kiến để hoàn thiện quyết định, trình UBND TP.Hà Nội ban hành, nhằm triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ tới các đối tượng thụ hưởng. Đề nghị Bộ LĐ-TB-XH sớm ban hành quy định về thủ tục hành chính về hỗ trợ người LĐ và người sử dụng LĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19”.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận xét Hà Nội triển khai Nghị quyết 68 chậm và lưu ý: “Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đều đã rõ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội đều đã có hướng dẫn, tinh thần là Bộ không ban hành văn bản gì thêm, Hà Nội cần đeo bám nhanh hơn nữa, có hiệu quả hơn, nhất là trong tình hình hiện nay Hà Nội đang tạm dừng một số hoạt động kinh doanh, dịch vụ để phòng chống dịch”.
Với những địa phương chưa tiến hành chi trả tiền hỗ trợ, ông Dung yêu cầu phải khẩn trương trong tuần này. “Các địa phương đừng chờ thêm thủ tục gì nữa, bớt thủ tục hành chính thì càng tốt, sau này chúng ta hậu kiểm. Đơn vị nào chậm trễ là có lỗi với dân, để xảy ra trục lợi là có tội với dân”, ông Dung nhấn mạnh.
Lấy dẫn chứng từ TP.HCM, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH nhắc nhở: “Các chính sách của Chính phủ ban hành cởi mở hết mức, các địa phương đừng có thêm thủ tục gì nữa, bớt đi càng tốt. Từ ngày 15.7, những địa phương, đơn vị thờ ơ, thiếu trách nhiệm, chậm triển khai hỗ trợ, Bộ sẽ nêu tên, phê bình trên các phương tiện truyền thông”.
Về tình hình dịch bệnh tấn công các khu công nghiệp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH lưu ý: “Đây là “pháo đài” quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế, bằng mọi giá phải bảo vệ. Trước cả nước dồn sức cho Bắc Ninh, Bắc Giang, hiện cả nước dồn sức cho TP.HCM, nếu để ảnh hưởng, tình hình rất khó khăn. Chỉ khi nào thực sự an toàn mới sản xuất kinh doanh, nếu không an toàn và dự báo không an toàn phải dừng ngay”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.