Khan hiếm nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện

07/05/2015 21:07 GMT+7

(TNO) 'Tôi rất ngạc nhiên khi biết rằng Việt Nam thiếu rất nhiều nhân viên công tác xã hội (CTXH) ở các bệnh viện. Còn ở Mỹ, bác sĩ sẽ không làm việc hiệu quả nếu không có đội ngũ CTXH'.

(TNO) “Tôi rất ngạc nhiên khi biết rằng Việt Nam thiếu rất nhiều nhân viên công tác xã hội (CTXH) ở các bệnh viện. Còn ở Mỹ, bác sĩ sẽ không làm việc hiệu quả nếu không có đội ngũ CTXH”. Đó là chia sẻ của học giả chương trình Fulbright - GS.TS Peggy McFarland trong buổi tọa đàm CTXH trong lĩnh vực y tế, do Khoa Công tác xã hội Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tổ chức vào ngày 7.5. 

GS.TS Peggy McFarland chia sẻ tâm huyết về lĩnh vực CTXH trong y tế ở Mỹ, với mong muốn thúc đẩy sự phát triển đội ngũ CTXH trong các bệnh viện ở Việt Nam - Ảnh: Như Lịch

Nhân viên CTXH làm gì trong bnh vin?

GS.TS Peggy McFarland cho biết nhân viên CTXH trong các bệnh viện ở Mỹ có những vai trò sau: Lập kế hoạch xuất viện và giới thiệu các dịch vụ; can thiệp khủng hoảng trong các phòng cấp cứu; lượng giá sức khỏe tâm thần; lượng giá sự phụ thuộc vào thuốc men; tham vấn về việc đưa ra những quyết định ngắn hạn; tạo điều kiện cho các nhóm hỗ trợ.

Không những vậy, nhân viên CTXH còn tham vấn cho thân chủ khi họ gặp mất mát hay đau buồn; đánh giá và phối hợp đặc biệt như trong nhóm ghép thận; điều tra báo cáo về xâm hại tình dục trẻ em…

“Nhân viên CTXH còn hỗ trợ tinh thần cho các nhân viên bệnh viện như bác sĩ, y tá đồng thời giúp giảm tải công việc cho đội ngũ y tế”, bà Peggy McFarland nói thêm.

Trong khi đó, đại diện Khoa CTXH Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: Theo thống kê của ngành y tế, hiện nước ta có hơn 1.000 bệnh viện, với gần 300.000 giường bệnh. Hiện tại, ở cả ba cấp độ hoạt động của ngành y tế (tại cộng đồng, trong bệnh viện và ở cấp hoạch định chính sách) đều thiếu hoặc ít có sự tham gia của nhân viên CTXH. 

Bà Phạm Thị Yến Trinh - thành viên của nhóm CTXH Happier hoạt động tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) - cho biết: Ban đầu, nhóm chỉ tổ chức cho bệnh nhân vui chơi, kể chuyện, vẽ tranh. Sau này, nhóm đóng vai trò nâng đỡ tâm lý cho bệnh nhân, thân nhân người bệnh, đồng thời tạo mối quan hệ tốt với nhân viên y tế, để hỗ trợ kịp thời trong việc điều trị của bệnh nhân…

Là một trong số ít nhân viên chuyên trách CTXH làm việc trong ngành y tế, bà Lê Thị Bích Sơn đề cập đến những công việc bà và các cộng sự đã, đang thực hiện tại Bệnh viện đa khoa Long An: Vận động hỗ trợ bệnh nhân khó khăn về vật chất lẫn tinh thần; tổ chức hòa giải những hiểu lầm giữa bệnh nhân và nhân viên y tế; tổ chức các trò chơi, tư vấn tâm lý cho những bệnh nhân bị bạo lực gia đình; thu thập các góp ý của bệnh nhân để đề xuất cải thiện chất lượng phục vụ.

Bên cạnh đó, công tác hồi gia cũng được chú trọng: Đưa bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về địa phương; tìm thân nhân cho những bệnh nhân bị tai nạn bất ngờ; tham gia tìm cha mẹ nuôi cho trẻ sơ sinh bị bỏ rơi; giáo dục sức khỏe phòng ngừa bệnh…

S “khng hong nhân s”, nếu…

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nhận xét: “Ngành y tế rất cần các nhân viên CTXH. Hiện nay người ta chưa hiểu nhiều về CTXH trong các bệnh viện là như thế nào. Vì chưa có quy định, quy chế cụ thể nên các bệnh viện chưa dám mở rộng đội ngũ này. Tuy nhiên, theo tôi có những cái không cần chờ đến khi luật ra đời mà vẫn cứ tiến hành làm được. Điều quan trọng là các trường đào tạo, các bệnh viện phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhau”.

Thành viên nhóm CTXH Happier (phải) sinh hoạt cùng bệnh nhân Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) - Ảnh: Nhóm Happier cung cấp

Theo bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, ông rất quan tâm đến vai trò của nhân viên CTXH trong việc can thiệp khủng hoảng, trong việc lập kế hoạch xuất viện - chú ý chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau khi về với cộng đồng. Ông đề nghị những nội dung như vậy phải được “dạy kỹ” khi đào tạo nhân viên CTXH trong lĩnh vực y tế.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đào tạo trong nhân viên CTXH trong nhiều trường đại học cũng như việc tiếp cận đội ngũ này ở các bệnh viện hiện còn mang tính tự phát, nên chưa có sự “ăn khớp” giữa cung và cầu.

Ông Lê Chí An - giảng viên Trường đại học Mở, thành viên CLB CTXH chuyên nghiệp TP.HCM, phản ánh rằng ông có gửi một số sinh viên CTXH đến một bệnh viện trên địa bàn TP.HCM để thực tập nhưng các em không được tạo điều kiện để làm việc, không được đi đến các khoa để tiếp cận bệnh nhân…

Theo ông An, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng khá phổ biến này là do “nhiều bệnh viện xem đây là nhiệm vụ mới lạ, không hiểu đúng về vai trò của nhân viên CTXH”.

Ông Võ Công Luận - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Long An, nhìn nhận: “Do còn mang tính tự phát, mỗi nơi làm một kiểu nên sinh viên không biết làm gì trong các bệnh viện. Nếu không có sự điều chỉnh và sự chuẩn bị kịp thời, dự báo sẽ có khủng hoảng nhân sự thiếu về nhân viên CTXH trong các bệnh viện”.

Trao đổi thêm với PV Thanh Niên Online, ông Trần Công Bình, chuyên gia Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc - UNICEF tại Việt Nam, nói: “Tham dự buổi tọa đàm hôm nay, như nhiều đồng nghiệp, tôi rất phấn khởi và như được truyền thêm cảm hứng từ những người tâm huyết, dũng cảm tiên phong khai phá một lĩnh vực mới, CTXH trong ngành y tế.

Tuy nhiên, niềm vui chưa trọn vẹn vì ngay cả những người trong cuộc, như bên phía một số bệnh viện và các trường đại học đã tự thực hiện thí điểm, vừa mày mò vừa vận động thuyết phục, nhưng lại chưa cập nhật kịp thời những tiến triển ở cấp vĩ mô trong lĩnh vực này. Cụ thể như đề án phát triển nghề CTXH trong lĩnh vực y tế giai đoạn 2011-2020 đã được phê duyệt vào tháng 7.2011, Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn triển khai thí điểm tại một số bệnh viện, dự thảo thông tư quy định về chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của phòng CTXH trong bệnh viện, rồi biên soạn tài liệu đào tạo...”.

Vì thế, theo ông Bình, rất cần sự năng động và đột phá để có sự hợp tác hiệu quả hơn giữa những bên liên quan để có thể rút ngắn khoảng cách và lộ trình hiện thực hóa các chiến lược và chính sách, cụ thể ở đây là phát triển dịch vụ CTXH trong lĩnh vực y tế.

Kiến thức, kỹ năng cần thiết của nhân viên CTXH trong bệnh viện

Theo GS.TS Peggy McFarland, những kỹ năng cần thiết để thành công với nghề CTXH trong lĩnh vực y tế, đó là: Ngoài những kiến thức, kỹ năng về CTXH thông thường, cần phải tham gia học phần tự chọn về CTXH trong y tế hoặc thực tập tại bệnh viện; kiến thức về các thuật ngữ y khoa; hiểu biết về vai trò của nhóm chăm sóc sức khỏe; hiểu biết các khía cạnh tâm lý xã hội của bệnh tật và sức khỏe; kiến thức về cơ sở hạ tầng và nguồn lực cộng đồng cho việc lập kế hoạch xuất viện; kỹ năng can thiệp khủng hoảng; kỹ năng tham vấn ngắn hạn; kiến thức về lập kế hoạch chăm sóc và quá trình lập kế hoạch xuất viện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.