Khán giả giúp phim Việt 'đập cánh'

28/11/2014 04:30 GMT+7

Nhiều buổi chiếu phim Việt tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 3 đã chật kín khán giả.

 
Khán giả xếp hàng vào xem phim Đập cánh giữa không trung - Ảnh: TL

Gần như không có những ngôi sao quốc tế đình đám xuất hiện trên thảm đỏ, nhưng liên hoan phim (LHP) năm nay đã được khán giả quan tâm hơn tại các rạp chiếu.  Có khán giả ra về giữa chừng, có người thích thú theo dõi hết bộ phim, có người đến rạp chiếu do giấy mời… Nhưng dù thế nào, LHP đã làm được việc “nuôi” khán giả cho dòng phim nghệ thuật.

Từ liên hoan đến phòng vé

Nhiều người đã ngạc nhiên khi tất cả ba buổi chiếu Đập cánh giữa không trung (Nguyễn Hoàng Điệp) luôn trong tình trạng quá tải khán giả. Thậm chí, nhân viên phòng vé đã phải xin lỗi những khán giả không được vào xem phim vì hết chỗ. Buổi chiếu bộ phim Nước 2030 (Nguyễn Võ Nghiêm Minh) tại Trung tâm chiếu phim quốc gia cũng không còn một chỗ trống, kể cả lối đi. Hiện tượng này có thể lý giải bằng việc vé được phát miễn phí, nhưng không thể phủ nhận khán giả đã quan tâm đến phim nghệ thuật Việt.

Trong khi trước đó, nhà sản xuất Nước 2030 gặp khó khăn về tài chính để đưa phim ra rạp, bởi vậy phim đã hoàn thành từ tháng 2 nhưng đến giờ vẫn chưa công chiếu rộng rãi, còn nhà sản xuất Đập cánh giữa không trung thì đang tìm nhà phát hành. “Tôi sợ rằng phim ra rạp chẳng ai đến xem nữa” - Nguyễn Hoàng Điệp không tự tin. Không phải vô cớ nữ đạo diễn lại nói như vậy, bởi phim nghệ thuật, phim độc lập vốn dĩ là những dòng phim “mang tiếng” kén khán giả. Dù vậy, không phải phim nghệ thuật, phim độc lập nào cũng không thể ra ngoài rạp chiếu. Một nền điện ảnh ngay gần VN là Philippines đã chứng minh nhiều bộ phim nghệ thuật, độc lập hút khán giả không kém phim chiếu rạp, không những thu hồi vốn, trả cho các quỹ tài trợ mà còn có lợi nhuận. Ngay như LHP độc lập Cinemalaya của Philippines cũng cho thấy sức hút lớn. Năm nay, LHP này đã có tới 20.000 khán giả tham dự. Một bài học từ điện ảnh Philippines là việc thành lập tổ chức giúp liên kết các nhà làm phim độc lập với mạng lưới phát hành, để phim của họ được công chiếu rộng khắp.

Không có ranh giới ngôn ngữ điện ảnh

11 bộ phim tham dự ở hạng mục tranh giải cho thấy điện ảnh có thể mang màu sắc văn hóa của từng quốc gia, nhưng không có ranh giới trong ngôn ngữ thể hiện.

“Cá và mèo là bộ phim có cách làm cách tân vô cùng độc đáo”, nhà nghiên cứu điện ảnh Lưu Nghiệp Quỳnh - giám khảo Giải thưởng Netpac, nhìn nhận. Dựa theo một câu chuyện có thật về sự biến mất đầy bí ẩn của một nhóm sinh viên và một nhà hàng địa phương bị kết tội bán thức ăn làm từ thịt người, Cá và mèo (Fish and Cat) dễ khiến người ta nghĩ ngay đến những tình tiết rùng rợn, những hình ảnh bạo lực, nhưng đạo diễn Shahram Mokri lại không đưa bất cứ hình ảnh máu me, chết chóc vào phim. Không theo lối dẫn chuyện theo từng tình tiết nối tiếp nhau, không có câu chuyện cụ thể, phim là những tình huống lặp đi lặp lại, đưa người xem vào một vòng tròn luẩn quẩn. Với cách làm phim thể nghiệm mới lạ, Cá và mèo đã được chọn trình chiếu tại hạng mục Horizons và giành giải Nội dung sáng tạo tại LHP Venice năm 2013.

Hạng mục tranh giải năm nay còn ghi nhận tài năng của những đạo diễn trẻ thế hệ 8X, như đạo diễn người Philippines Jason Paul Laxamana, năm nay mới 26 tuổi. Trước LHP quốc tế Hà Nội, bộ phim The Coffin Maker (Người làm quan tài) của nhà làm phim độc lập này đã tham dự LHP Warsaw và Hawaii. Nhà làm phim độc lập trẻ VN Nguyễn Hoàng Điệp cũng gây ấn tượng với bộ phim Đập cánh giữa không trung vừa được trao giải Phim hay nhất do Hiệp hội Các nhà phê bình phim châu Âu và Địa Trung Hải bầu chọn tại Tuần lễ phê bình phim, LHP Venice vừa qua.

“Tôi đặc biệt ấn tượng với bộ phim Đập cánh giữa không trung. Tôi cho rằng đây là bộ phim có cách làm đột phá, kể một câu chuyện rất mạnh bạo” - ôngKirill Razlogov, Giám đốc Viện Phim phục vụ nghiên cứu văn hóa tại Nga, Chủ tịch Ban giám khảo hạng mục phim dài, LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 3.

Giải thưởng 10.000 USD

LHP năm nay chú trọng tới hoạt động mang tính chuyên môn. Trại sáng tác đã hoàn thành khóa lên lớp ngắn hạn của các nhà làm phim nước ngoài cho 30 học viên. Chợ dự án đã trao giải thưởng 10.000 USD hỗ trợ cho dự án Honey giver among the dogs, của tác giả trẻ người Buhtan - Dichen Roge. Còn dự án A shade of Paradise của tác giả Síu Phạm giành giải đặc biệt. Tuy không được hỗ trợ kinh phí, nhưng với giải thưởng của Chợ dự án, A shade of Paradise có thể có nhiều cơ hội xin hỗ trợ từ các quỹ điện ảnh.

Các giải thưởng

Hạng mục Phim ngắn:

Đạo diễn trẻ: Ruslan Akun

(Kyrgyzstan) phim Chăn cừu

Giải thưởng đặc biệt: Ngoài kia có gì (Nguyễn Diệp Thùy Anh)

Phim xuất sắc: Chờ đợi sắc màu (Adriyanto Dewo, Indonesia)

Giải thưởng Netpac: The Coffin Maker/Người làm quan tài (Jason Paul Laxamana, Philippines)

Hạng mục phim dài:

Nữ diễn viên chính xuất sắc: Anna Astrakhantseva (Two women/Hai người phụ nữ, Nga)

Nam diễn viên chính xuất sắc: Allen Dizon (The Coffin Maker/Người làm quan tài)

Giải biểu dương diễn viên thiếu nhi: Demos Murphy

Đạo diễn xuất sắc: Shahram Mokri (Fish and Cat/ Cá và mèo, Iran)

Giải giám khảo: Đập cánh giữa không trung (Nguyễn Hoàng Điệp, Việt Nam)

Giải phim xuất sắc: Two women/Hai người phụ nữ (Vera Glagoleva, Nga)

Minh Ngọc

>> Vô duyên như MC trên thảm đỏ Liên hoan phim Quốc tế
>> Sao' hội tụ ở khai mạc Liên hoan phim quốc tế Hà Nội
>> Dự kiến mới có 3 'sao' dự Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội
>> Liên hoan phim Đức tại Đà Nẵng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.