Khám phá những vi sinh gây bệnh nguy hiểm cho người

Liên Châu
Liên Châu
20/04/2019 18:15 GMT+7

Hôm nay, 20.4, dù trời nắng nóng oi ả nhưng rất nhiều các bạn nhỏ đã dự ngày hội khoa học y sinh để tận tay "bắt" vi khuẩn , tận mắt quan sát các tác nhân gây bệnh dịch nguy hiểm.

Trong ngày 20.4, dù thời tiết oi bức và nắng nóng nhưng khuôn viên của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Hà Nội) vẫn đông vui bởi các bạn trẻ cùng đến dự "Ngày hội Khoa học y sinh - khơi nguồn cảm hứng".
Tại đây, những gian hàng trưng bày chân dung vi rút, vi khuẩn cùng những dụng cụ phòng thí nghiệm như ống nghiệm, chất nhuộm màu, kính hiển vi đã thực sự thu hút các bạn trẻ ưa thích khám phá thế giới vi sinh, tìm hiểu về những "thủ phạm" gây dịch bệnh nguy hiểm cho cộng đồng.
“Con thấy chân muỗi gầy gầy mà dài, cái bụng thì to còn cánh xòe rộng. Muỗi này đốt chắc khó chịu lắm”, cậu học sinh lớp 5 bày tỏ sau khi được quan sát “chân tơ kẽ tóc” phiên bản muỗi truyền bệnh viêm não qua chiếc kính phóng đại.
Với trò chơi bắt bọ gậy của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, các bạn nhỏ được cung cấp kiến thức phòng sốt xuất huyết cho bản thân và cộng đồng Ảnh Liên Châu
Còn ở gian hàng “nuôi bọ gậy”, hai chị em sinh đôi Ngọc Mai và Ngọc Lan (nhà ở quận Đống Đa, Hà Nội) lại say sưa bắt bọ gậy. Cầm ống nghiệm chứa bọ gây trên tay, hai bạn nhỏ hào hứng nghe các anh chị tình nguyện viên giải thích: "Đây là bọ gậy của muỗi sốt xuất huyết, chúng ưa sống trong nước sạch. Bọ gây này trưởng thành trở thành muỗi bay đi hút máu người, truyền bệnh sốt xuất huyết. Để phòng bệnh, trong gia đình cần thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy, không để các nguồn nước đọng nơi muỗi sốt xuất huyết đẻ trứng. Các em cũng nhớ phòng muỗi đốt để phòng sốt xuất huyết".

Hiểu vi khuẩn, vi rút để chống lại chúng

Một cán bộ trẻ của Khoa Vi khuẩn (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư) đã giúp các bé lấy mẫu vi khuẩn trên bàn tay của mình. Chỉ với phần đánh dấu nhỏ  2 ngón tay, sau khi nuôi cấy trong môi trường phù hợp, chân dung các vi khuẩn sẽ hiện rõ.
Không chỉ các bạn nhỏ mà các phụ huynh cũng rất hào hứng khi tận mắt nhìn thấy từng đám vi khuẩn hiện hình trên những hộp nhỏ được đóng gói cẩn thận. Hiếu Minh, bé trai học lớp 3, cho hay: “Con được các cô cho xem kính hiển vi hình ảnh vi khuẩn trên răng và vi khuẩn trên bàn tay. Con nghĩ mình sẽ ý thức vệ sinh tốt hơn để loại bỏ vi khuẩn gây bệnh”.
Chị Ngọc Anh (nhà ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, có con gái học lớp 4) cho biết, con gái chị rất thích thú khi xem các cô soi tìm vi khuẩn trên tay. "Cháu đã rất vui vì không tìm thấy vi khuẩn sau khi được thực hành rửa tay sạch với xà phòng. Đây là hoạt động rất thiết thực giúp các con biết phòng bệnh và thêm hào hứng với các môn sinh học lâu nay thường chỉ được học chay", chị Anh nói.
Các em nhỏ hào hứng khi tìm hiểu về vắc xin và hiệu quả phòng bệnh nhờ tiêm chủng Ảnh Liên Châu
Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Quỳnh Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết đây là lần đầu tiên viện tổ chức Ngày hội khoa học y sinh và đã nhận được 600 lượt đăng ký tham dự.
"Thông qua các trò chơi mô phỏng một số công việc của phòng thí nghiệm nghiên cứu về vi khuẩn, vi rút..., không chỉ giúp khám phá để có thêm kiến thức phòng bệnh, mà chúng tôi mong rằng, ngày hội này giúp các  bé, các học sinh, sinh viên thêm hào hứng trong học tập. Đây chính là khởi nguồn niềm say mê của những nhà khoa học trong tương lai", tiến sĩ Quỳnh Mai bày tỏ.
Tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, kết quả của những nghiên cứu về đặc tính, sự biến đổi của vi khuẩn, vi rút và các nghiên cứu cơ bản khác cũng như sự tiếp nhận thành công các công nghệ hiện đại đã giúp các nhà khoa học thành công trong sản xuất nhiều loại vắc xin phòng bệnh như: tả, viêm não Nhật Bản, viêm gan B, vắc xin cúm... phòng bệnh cho cộng đồng.
Các nhà khoa học cho hay, vi rút cúm biến đổi thường xuyên nhất, do đó, sự "theo sát" vi rút này có vai trò quan trong trong việc cập nhật, sản xuất vắc xin, đảm bảo tốt nhất hiệu quả của vắc xin cúm, đó cũng là lý do mà vắc xin này cần được tiêm lại sau mỗi năm. Ngoài ra, các nghiên cứu tại Viện về vi khuẩn kháng kháng sinh cũng hỗ trợ tích cực cho việc nghiên cứu tạo ra dòng kháng sinh mới hoặc có các khuyến cáo để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.