Khám phá con đường tơ lụa: Lịch sử con đường tơ lụa

27/11/2022 07:30 GMT+7

Trước khi có đường biển kết nối giao thông giữa phương Đông và phương Tây thì trong nhiều thế kỷ, con đường tơ lụa là sự gắn kết giữa Trung Quốc , Tây Á, Trung Á và một phần của Địa Trung Hải.

Nuôi tằm lấy tơ đã bắt đầu từ khoảng hơn 1.000 năm trước Công nguyên (TCN) tại Trung Quốc. Thời cổ đại, lụa là một sản phẩm có giá trị cực cao, chỉ dành riêng cho hoàng gia và tầng lớp quý tộc của triều đại phong kiến.

Bản đồ con đường tơ lụa cổ đại

CHIBOOKS cung cấp

Khi lụa lần đầu tiên được phát hiện, chỉ hoàng đế, phi tần và các quan lại có chức tước cao mới được phép sử dụng. Dần dần, các tầng lớp khác nhau trong xã hội bắt đầu mặc quần áo bằng lụa và lụa được sử dụng phổ biến hơn. Thực tế, lụa đã nhanh chóng trở thành một trong những yếu tố chính của nền kinh tế Trung Hoa cổ đại.

Tơ lụa trở thành một mặt hàng quý giá được các nước khác săn đón từ rất sớm, và người ta tin rằng việc buôn bán tơ lụa thực sự đã bắt đầu trước khi con đường tơ lụa hình thành vào thế kỷ 2 TCN. Các sứ thần của Hán Vũ Đế khi đi sứ Ba Tư và Lưỡng Hà mang theo những món quà, trong đó có những tấm vải lụa thượng hạng.

Từ khoảng thế kỷ 4 TCN, người Hy Lạp và La Mã gọi Trung Hoa là “Seres” - nghĩa là Vương quốc của tơ lụa. Khoảng năm 200 TCN, lụa bắt đầu được trao đổi, mua bán sang Ấn Độ, Ba Tư, rồi sang tới châu Âu. Lúc đó, đế chế La Mã và toàn bộ châu Âu mê mẩn trước sự mềm mại và quyến rũ của những thước vải lụa. Trong nhiều thập kỷ, lụa Trung Hoa được các gia đình giàu có và quý tộc ở Rome ưa chuộng. Hoàng đế La Mã Elagabalus (trị vì từ năm 218 - 222) chỉ mặc quần áo được làm từ lụa. Lụa ở Trung Hoa đã đắt đỏ, khi sang đến thành Rome, nó còn đắt hơn gấp trăm lần, có giá ngang với vàng.

Hai lần đi sứ của trương khiên

Cùng khoảng thời gian đó ở Trung Quốc, nhà Hán đang bị người Hung Nô quấy rối. Vào năm 138 TCN, Hán Vũ Đế đã cử sứ giả Trương Khiên đến phía Tây đàm phán với người Nguyệt Chi để tìm cách đánh bại người Hung Nô. Tuy nhiên, mới đi được một nửa chặng đường, Trương Khiên đã bị người Hung Nô bắt giữ và giam cầm hơn 10 năm. Sau đó, ông trốn thoát được, ở lại vùng đất này, tới năm 126 TCN mới trở về Trường An.

Năm 119 TCN, Trương Khiên tiếp tục đi sứ lần hai sang quốc gia Ô Tôn và các tiểu quốc lân cận. Bốn năm sau, ông quay về Trường An cùng rất nhiều ngựa hãn huyết Ô Tôn nổi tiếng dũng mãnh. Chính giống ngựa Ô Tôn mà Trương Khiên đem về này đã góp phần rất lớn vào việc nhà Hán đánh bại người Hung Nô về sau. Thành công đó đã khiến cho hoàng đế nhà Hán suy nghĩ tới việc trao đổi hàng hóa khác ngoài ngựa với các nước Tây Vực, xa hơn nữa là các nước Trung Á, Ấn Độ, La Mã…

Trong hai lần đi sứ, hành trình mà Trương Khiên đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ để tìm ra đường đi tới các nước Tây Vực chính là tiền thân của con đường tơ lụa thời cổ đại. Sau khi nhà Hán quyết định mở cửa với Tây Vực và các nước khác, hàng hóa bắt đầu được lưu thông, trao đổi trên tuyến đường mà Trương Khiên đã khám phá.

Thời cổ đại, tuyến đường giao thương này không có tên. Những thương nhân buôn bán đá quý, ngà voi, lụa, gia vị… hàng ngàn năm vẫn đi theo mạng lưới đường mòn, đường núi ngoằn ngoèo, hiểm trở khắp Trung Hoa, Trung Á. Cho đến năm 1877, trong cuốn sách của mình có nhan đề “Trung Quốc”, nhà địa lý người Đức - nam tước Ferdinand von Richthofen lần đầu tiên đưa ra khái niệm con đường tơ lụa (tiếng Đức: Seidenstranssen, tiếng Anh: Silk Road) để chỉ tuyến đường thông thương trên bộ thời cổ đại giữa Trung Quốc và phương Tây, vì tơ lụa là hàng hóa quan trọng và có giá trị nhất trên tuyến đường này. Con đường tơ lụa gợi nên cảm xúc lãng mạn, sang trọng, nhưng thực tế, những ai đã đặt chân lên con đường này đều phải trải qua vô vàn khó khăn, nguy hiểm để tìm kiếm sự giàu có, chinh phục hoặc cứu rỗi.

Giá trị lớn nhất của con đường tơ lụa là trao đổi văn hóa và tôn giáo. Các đoàn thương nhân từ khắp các nước trên con đường tơ lụa dài hàng ngàn ki lô mét đã khiến rất nhiều nơi trở thành cửa ải phát triển sầm uất, náo nhiệt và giàu có. Điều này đã tác động sâu sắc đến lịch sử các nền văn minh châu Á, châu Âu. Rất nhiều nơi đã phát triển thành những trung tâm văn hóa, học tập, khoa học, nghệ thuật như Samarkand, Bukhara, Herat, Isfahan, Đôn Hoàng… Tôn giáo cũng theo sự trao đổi trên con đường tơ lụa mà trở nên phổ biến và được truyền bá rộng rãi.

Con đường tơ lụa có rất nhiều nhánh khác nhau. Trên bản đồ ngày nay, người ta xác định thành phố Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc là xuất phát điểm. Từ Tây An, các thương nhân đi trên trục chính qua hành lang Hà Tây, Trương Dịch, Lan Châu, rồi tập kết tại Ngọc Môn quan ở Đôn Hoàng - cửa ải cuối cùng của Trung Nguyên trước khi tiến vào Tây Vực.

Trên thực tế, con đường tơ lụa không chỉ có một con đường duy nhất, mà gồm một mạng lưới các tuyến đường giao thương được các thương nhân sử dụng thời cổ đại.

Như vậy, trong suốt hơn 1.500 năm chiều dài lịch sử, con đường tơ lụa vĩ đại là tuyến đường thông thương quan trọng nhất của nhân loại thời cổ đại. Nhờ có nó mà hai nền văn minh Đông, Tây đã được kết nối và phát triển rực rỡ, để lại rất nhiều thành tựu, công trình kiến trúc, di sản văn hóa cho chúng ta chiêm ngưỡng ngày hôm nay.

(Trích từ Con đường tơ lụa: Vạn dặm xa từ Pakistan tới Tây An, Chibooks và NXB Lao động ấn hành).

Khám phá con đường tơ lụa

Chờ ngày lên đường

Thung lũng Hunza - Mùa thu lãng mạn nhất trong cuộc đời

Vùng đất hoàn toàn khác biệt ở Pakistan

Welcome to Tashkurgan!

'Cố nhân' Khâu Từ

Turpan - Nơi thời gian ngừng lại

Mọi con đường đều dẫn đến Đôn Hoàng

Rực rỡ sắc màu Trương Dịch

Đến Tây An, lên đỉnh Hoa Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.