Khai vấn - nghề mới lạ ở Việt Nam

23/04/2016 10:08 GMT+7

'Khai vấn tập trung vào con người, trả lời câu hỏi trong lòng họ, trong lòng công ty. Nếu khuyến khích người khác nói lên suy nghĩ, cảm nhận, để họ tự tin đóng góp ý tưởng thì sẽ có cơ hội tạo ra những điều phi thường'.

'Khai vấn tập trung vào con người, trả lời câu hỏi trong lòng họ, trong lòng công ty. Nếu khuyến khích người khác nói lên suy nghĩ, cảm nhận, để họ tự tin đóng góp ý tưởng thì sẽ có cơ hội tạo ra những điều phi thường'.

Khai vấn là quá trình trò chuyện riêng đồng hành cùng khách hàng đi đến một mong muốn hay mục tiêu nào đó - Ảnh minh họa: ShutterstockKhai vấn là quá trình trò chuyện riêng đồng hành cùng khách hàng đi đến một mong muốn hay mục tiêu nào đó - Ảnh minh họa: Shutterstock
Đây là nghề biết lắng nghe, phản hồi và đặt câu hỏi đúng, một chuyên viên làm nghề khai vấn (coaching) ở Việt Nam đưa ra định nghĩa ngắn gọn.
Nghe nhưng phải… lắng
Chiều 22.4, tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo với chủ đề “Giải pháp khai vấn trong phát triển nhân sự”. Là một trong những người được xem là đi tiên phong trong ngành khai vấn với hơn 42 năm kinh nghiệm, tiến sĩ người Mỹ Chérie Carter Scott (thuộc tổ chức The MMS Worldwide Institute) cho biết: “Coaching tập trung vào con người, trả lời những câu hỏi trong lòng họ và trong lòng công ty. Nếu như chúng ta khuyến khích người khác nói lên suy nghĩ và cảm nhận của họ, để họ tự tin đóng góp ý tưởng thì sẽ có cơ hội tạo ra những điều phi thường".
"Cá nhân tôi nghĩ khai vấn là một công cụ tuyệt vời giúp con người và công ty phát triển, khi con người mong muốn thay đổi và sẵn sàng cho sự thay đổi đó. Chúng tôi phải học hỏi qua những trải nghiệm, qua những mối quan hệ và không bao giờ được tự mãn ngừng việc học”, tiến sĩ Chérie Carter Scott nói thêm.
Khai vấn là một công cụ tuyệt vời giúp con người và công ty phát triển, khi con người mong muốn thay đổi và sẵn sàng cho sự thay đổi đó - Ảnh minh họa: Shutterstock
Bà Chérie nhìn nhận cũng có vài lần bà gặp sự thất bại trong nghề này. “Những lúc đó, chúng ta nên tự hỏi bản thân rằng mình có kết nối được với khách hàng không? Có tạo được sự tin tưởng, chân thành, an toàn và có sự cho phép của khách hàng để họ chia sẻ với mình chưa?...”.
Bà Đoàn Huỳnh Vân Anh, đồng sáng lập Life Coaching Vietnam chia sẻ thêm: “Khai vấn là quá trình trò chuyện riêng đồng hành cùng khách hàng đi đến một mong muốn hay mục tiêu nào đó. Quá trình này bao gồm việc lắng nghe, phản hồi và đặt câu hỏi đúng”.
Theo bà Vân Anh, kỹ năng lắng nghe không chỉ đơn thuần là “nghe” mà còn cần phải biết “lắng”, tức là thấu cảm những mong muốn đằng sau những lời chia sẻ của đối tác.
Bảo mật thông tin
Trước câu hỏi: “Yêu cầu bảo mật trong nghề khai vấn là như thế nào?”, ông Wayne Bannon - người có hơn 30 năm kinh nghiệm khai vấn quốc tế và gần 20 năm khai vấn cho các tập đoàn đa quốc gia tại khu vực Đông Nam á, chia sẻ: “Vấn đề bảo mật thông tin vô cùng quan trọng. Vì vậy, khi bắt đầu ký hợp đồng khai vấn, tôi luôn đưa vấn đề này ra thảo luận cụ thể với khách hàng”.
Theo ông Wayne, khai vấn là một yếu tố rất quan trọng trong sự phát triển của con người. Nghề này là một trong những nghề phát triển nhanh nhất trên thế giới. “Bởi vì thế giới thay đổi nên con người phải thay đổi. Nghề này cần những người biết hỏi những câu hỏi đúng, từ đó giúp khách hàng nhận ra vấn đề họ đang gặp phải và phát huy hết những tiềm năng của họ”, ông Wayne nói.
Bạn trẻ Việt Nam quan tâm, tìm hiểu nghề khai vấn với tiến sĩ Chérie Carter Scott - Ảnh: Như Lịch
Chuyên gia này cho rằng sau một quá trình nhất định thì coaching mới có thể đạt hiệu quả của nó. Và kết quả của sự nỗ lực đó là giúp nhân viên lẫn công ty tăng doanh thu, tăng sự hài lòng cùng với những giá trị khác không thể đo đếm bằng tiền.
Một trong những câu hỏi khác được nhiều người quan tâm tại hội thảo là: “Làm sao để hỏi được những câu giúp người ta hiểu ra vấn đề?”.
Tiến sĩ Chérie khẳng định: “Điều đầu tiên là người khai vấn phải biết chú ý và biết lắng nghe, có mong muốn giúp người ta giải quyết vấn đề. Nhiều người do nghĩ quá nhiều đến việc cần chuẩn bị câu hỏi, nên không thể tập trung lắng nghe. Thực ra, người khai vấn không cần tỏ ra quá thông minh sắc sảo mà nên hỏi những câu đơn giản, những vấn đề chính, những vấn đề bên trong hơn là những bề nổi. Hỏi là cánh cửa để mở ra sự chuyển đổi trong quá trình khai vấn”.
Sau buổi hội thảo, Võ Trần Ngọc An (sinh viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM) hào hứng cho biết: “Trước đây, em chỉ biết ngành tư vấn, bây giờ mới biết thêm nghề coaching. Em thấy đây là một ngành mới lạ ở Việt Nam, nó cần thiết không chỉ cho sự phát triển của doanh nghiệp mà còn cho bản thân mỗi người trong cuộc sống. Cái hay của nghề này là những câu hỏi của nhà khai vấn sẽ giúp chúng ta suy nghĩ lại, tự tìm câu trả lời và tự giải quyết vấn đề”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.