Khai thác quỹ đất ở các tuyến metro

Đình Sơn
Đình Sơn
10/11/2021 06:31 GMT+7

Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đã kiến nghị lên UBND TP.HCM việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 và lập đồ án thiết kế đô thị riêng khu vực xung quanh những nhà ga các tuyến metro nhằm khai thác quỹ đất này.

34 khu vực được lập đồ án

Theo đó, TP.HCM có tất cả 34 khu vực đã được đề xuất lập đồ án thiết kế đô thị riêng tỷ lệ 1/500. Trong đó, có 9 đồ án đã được chấp thuận danh mục, ghi vốn và đang thực hiện, 10 đồ án đã được chấp thuận danh mục nhưng chưa được ghi vốn để triển khai thực hiện và 15 đồ án mới được UBND TP chấp thuận chủ trương.

Đất dọc các tuyến metro số 1, xa lộ Hà Nội được doanh nghiệp “xí phần” và phát triển các dự án, ít chịu sự điều tiết của nhà nước

NGỌC DƯƠNG

Đối với các khu vực dọc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), có 11 đồ án quy hoạch riêng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đề xuất rà soát, hoàn tất thủ tục pháp lý về đăng ký danh mục, thẩm định và trình duyệt tổng dự toán. Đối với các khu vực xung quanh các nhà ga dọc tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), hiện có 10 đồ án thiết kế đô thị riêng. Trong đó, có 4 đồ án thiết kế đô thị riêng đã được chấp thuận danh mục, ghi vốn thực hiện; 2 đồ án (ga Tao Đàn và ga Bảy Hiền) được chấp thuận danh mục nhưng chưa ghi vốn thực hiện; 1 đồ án thiết kế đô thị riêng khu vực xung quanh nhà ga Phạm Văn Hai đang triển khai thực hiện bước nhiệm vụ và 3 đồ án thiết kế đô thị riêng khu vực xung quanh ga Lê Thị Riêng, Dân Chủ và Hòa Hưng đang triển khai đấu thầu lựa chọn tư vấn.

Ngoài ra, các khu vực liên quan đến nhà ga các tuyến metro khác như tuyến 3a, tuyến 3b, tuyến số 5 giai đoạn 1 có 6 đồ án đã được UBND TP.HCM chấp thuận danh mục nhưng chưa được ghi vốn. Đối với các khu vực dự án khác có 7 đồ án. Trong đó, có 5 đồ án thiết kế đô thị riêng khu vực nút giao thông dọc đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây - TP.HCM và QL1 đã được chấp thuận danh mục, ghi vốn triển khai thực hiện. 1 đồ án khu vực trung tâm TP đã được chấp thuận danh mục, chưa ghi vốn thực hiện và 1 đồ án khu vực bờ sông Sài Gòn đoạn từ bến Nhà Rồng đến Ba Son được chấp thuận chủ trương.

Trước đó, UBND TP.HCM cũng đã xây dựng và thông qua đề án “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP”. Theo đó, có nội dung đang nhận được sự đồng tình ủng hộ của rộng rãi người dân, doanh nghiệp về việc thu hồi đất hai bên công trình hạ tầng để đấu giá và dùng làm quỹ đất xây nhà tái định cư cho người dân bị thu hồi đất. Điều này giúp tăng sự minh bạch, thu hút doanh nghiệp tham gia cũng như tăng nguồn thu ngân sách, góp phần vào chỉnh trang đô thị TP. Ngoài ra, TP cũng đang rà soát, lập quy hoạch không gian đô thị dọc sông Sài Gòn nhằm quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn việc khai thác quỹ đất, không gian dọc tuyến sông đặc biệt quan trọng này của TP.

Hết thời nhà siêu mỏng, siêu méo

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhận định việc khai thác quỹ đất hai bên đường mới mở, mở rộng, các tuyến metro, quỹ đất hai bên các con sông, kênh, rạch… đúng ra TP cần làm sớm hơn nhằm giảm áp lực cho ngân sách, đem lại công bằng cho những người dân phải di dời làm công trình, tăng sự minh bạch và tạo cho đô thị một bộ mặt văn minh, hiện đại. Bởi việc mở rộng hay làm mới các tuyến đường như hiện nay khiến nhà nước phải bỏ ra những khoản tiền khổng lồ, có khi lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng. Điều này vượt quá khả năng ngân sách, bên cạnh đó người dân bị giải tỏa để thực hiện dự án thì chịu thiệt thòi, trong khi những người trong hẻm sau khi triển khai dự án lại được ra mặt tiền đường, hưởng lợi gấp nhiều lần từ việc tăng giá bất động sản. Từ đó gây bất công, khiếu kiện tại nhiều nơi. Không những thế, bộ mặt đô thị không đẹp vì xuất hiện những căn nhà siêu mỏng, siêu méo.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, bình luận: “Nếu khai thác tốt quỹ đất hai bên các tuyến đường mới mở hay tại các nhà ga của các tuyến metro sẽ không gây thất thoát tài sản nhà nước, tạo môi trường kinh doanh minh bạch trong đấu giá và sẽ hạn chế việc khiếu kiện. Không những thế có thể còn thu được tiền về cho ngân sách, bù đắp được khoản tiền đã bỏ ra đầu tư hạ tầng, từ đó đem tái đầu tư ở các dự án khác”.

Ủng hộ cách làm của TP, lãnh đạo một công ty bất động sản cho rằng cách làm như trước nay là chỉ tập trung giải tỏa làm đường theo lộ giới mà không có quy hoạch hai bên. Việc này không chỉ khiến nhà nước thất thu mà còn tạo tiền đề cho việc phát triển các nhà siêu mỏng, siêu méo. Bởi sau khi giải tỏa, hai bên đường còn những khoảng đất rất nhỏ nhưng vẫn chắn mặt tiền, trở thành đất vàng nên người dân tiếp tục xây những căn nhà làm nhếch nhác, xấu bộ mặt đô thị. Không những thế, lợi ích từ việc tăng giá đất hai bên đường đã chảy vào túi một số người khi các doanh nghiệp nắm được quy hoạch trước đó đã nhanh tay đi mua gom đất. Khi đường hoàn thành họ xây chung cư, xây nhà bán thu lợi rất cao. Vị này đã đưa ra dẫn chứng tuyến đường metro số 1, xa lộ Hà Nội, đại lộ Võ Văn Kiệt… khi nhà nước đầu tư hạ tầng, chỉnh trang đô thị, các doanh nghiệp đã đi mua gom đất hai bên đường, từ đó phát triển các dự án bất động sản bán với giá rất cao so với mặt bằng chung vì giao thông thuận tiện. Vì thế, quy hoạch đi trước để khai thác quỹ đất hai bên tuyến metro nói riêng và khi mở đường, xây cầu nói chung sẽ giải quyết được tất cả những vướng mắc, bất công, thất thoát hiện nay.

“Ở các nước, việc điều chỉnh lợi ích tại những nơi được nhà nước đầu tư hạ tầng mang lại bằng cách mua mở rộng quỹ đất hai bên đường, quy hoạch lại các quỹ đất gần các nhà ga metro để phát triển các dự án trung tâm thương mại, nhà ở, bãi đậu xe phục vụ cho chính các tuyến metro và giúp nhà nước thu được nguồn tiền khổng lồ. Một số nước điều tiết bằng cách xác định lại giá đất và thông qua thuế để điều tiết phần tăng thêm này”, vị này cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.