Những năm gần đây, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Nguyễn Lê Tuyên đã được Viện Bảo tàng nhân loại ở Paris (Pháp), Thư viện Quốc gia Pháp và Viện lưu trữ của Đài phát thanh Pháp (Radio France) cho phép tiếp cận nhiều bộ sưu tập về các loại hình nghệ thuật của thế giới, trong đó họ đặc biệt chú ý những hiện vật liên quan đến Việt Nam đầu thế kỷ 20.

Cổ nhất trong số các hiện vật là 332 ống sáp ghi âm giọng hát của nhiều dân tộc trên thế giới (74 ngôn ngữ và thổ ngữ). Những ống sáp này xuất hiện ở Triển lãm toàn cầu Paris do Leon Azoulay tổ chức năm 1900 (hơn 120 năm trước). Kỹ thuật ghi âm bằng ống sáp do Thomas Alva Edison sáng chế, ghi âm giọng hát vào một ống sáp có phần rỗng ở ruột (gần giống cuộn băng keo dán các thùng giấy). Khi phát lại thì lồng ống sáp vào một dụng cụ quay bằng tay, âm thanh phát ra nhờ một cây kim đặt trên mặt ống sáp. Mỗi ống sáp được bảo quản trong một hộp giấy.

Riêng Việt Nam có 15 ống thu âm, trong đó 14 ống thu giọng hát của các nghệ nhân miền Bắc: Hà Nội, Bắc Ninh; 1 ống thu giọng hát của người phụ nữ miền Nam. Nữ nghệ nhân này có tên Ba, ở Sài Gòn, nghề nghiệp được ghi là “diễn viên bi kịch”. Thể loại nghệ thuật được ghi là “dân ca trữ tình” (Chanson d’Amour), nhưng theo tiến sĩ Tuyên thì có lẽ bài ca này dẫn đến sự hình thành loại hình đờn ca tài tử vào cuối thế kỷ 19. Tiến sĩ Nguyễn Lê Tuyên đã cùng thạc sĩ Huỳnh Khải (Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TP.HCM) mổ xẻ đoạn ghi âm này và ký âm lại, đó là tâm trạng mòn mỏi chờ chồng (người yêu) của người phụ nữ Nam bộ cuối thế kỷ 19, với nhiều câu có âm tiết lặp lại như: “Xui khiến xui khiến xui căn nợ/ Trông luống trông thề nguyền chưa cạn/Ủ liễu ủ liễu ủ phai tàn/Thôi thế thôi thế thôi cho đành/ Hương lửa hương lửa hương không thành/Khuya sớm khuya sớm khuya nương dựa”, rất giống những câu “Trông luống trông tin nhạn...” trong Dạ cổ hoài lang mà mãi đến 19 năm sau cụ Cao Văn Lầu mới sáng tác (1919).

Tháng 10.2020, Thư viện Quốc gia Pháp công bố một loạt sách (đa phần là kịch bản cải lương). Những sách này được biên soạn và in ấn trong nước trong khoảng 15 năm (1920 - 1935) và được người Pháp thu gom đưa về nước. Tiến sĩ Nguyễn Lê Tuyên đã chụp lại và gửi cho chúng tôi nội dung 2 cuốn Vọng cổ lịch sử: Cô Năm Phỉ đi Tây (xuất bản năm 1924) và cuốn Vọng cổ cô Phùng Há và cô Năm Phỉ (1933). Cả hai cuốn này đều do soạn giả Ngô Vĩnh Khang soạn lời ca.

Ở cuốn Vọng cổ lịch sử: Cô Năm Phỉ đi Tây (cuốn thứ nhứt, giá 20 xu), bìa in “chơn dung cô Năm Phỉ”, và “PR” thêm: Có bài Chào Xuân và những bài huê tình rất hay. In tại Nhà in Xưa Nay, Ng Háo Vỉnh 60-62 Boulevard Bonard - Saigon (địa chỉ này trước 1975 là Nhà sách Khai Trí, bây giờ là trụ sở Công ty FAHASA).

Theo tài liệu rút gọn thì bà Năm Phỉ tên thật là Lê Thị Phỉ, sinh năm 1906 tại Mỹ Tho, trong một gia đình có đến 11 người con. Ông bố (tên Công) lấy tên mình ghép vào tên các con thành 3 câu thành ngữ: Công Thành Danh Toại - Phỉ Chí Nam Nhi - Bia Truyền Tạc Để. Bà là chị ruột NSND Bảy Nam (mẹ ruột nghệ sĩ Kim Cương) và là người dẫn dắt Kim Cương vào nghề. Bà qua đời tại Sài Gòn ngày 2.6.1954, hưởng dương 48 tuổi.

Còn theo soạn giả Ngô Vĩnh Khang “diễn giải” tiểu sử của bà bằng ca từ cải lương thì khá chi tiết: “Tiếng khóc bưng đầu, cô mới sanh ra thì cha đà khuất sớm/Ở với từ huyên, đến khi khôn lớn cô chịu lắm gian nan...”.

Còn cuốn Cô Bảy Phùng Há và cô Năm Phỉ gặp nhau là “câu chuyện của 2 “khôi tinh” (chữ dùng của tác giả) trong nghề cải lương” được Ngô Vĩnh Khang viết lại lời thoại bằng bài ca vọng cổ (2 người thay nhau đối đáp bằng ngôn ngữ cải lương). Về soạn giả Ngô Vĩnh Khang, rất ít thông tin về ông. Chỉ biết rằng vào nửa đầu thế kỷ 20, ông là một soạn giả đã biên soạn khá nhiều tuồng tích (khoảng 20 vở tuồng, phần nhiều khai thác từ các điển tích trong truyện Tàu).

Ở Viện Lưu trữ âm thanh thuộc Viện Bảo tàng nhân loại (Pháp) có bộ sưu tập đĩa than khổng lồ của Charles Wolff (1905 - 1944), gồm gần 18.000 đĩa được thu âm từ những thập niên đầu thế kỷ 20. Đặc biệt, trong số đó có đĩa ghi âm tuồng cải lương Mẫu tử tình thâm qua giọng ca của nghệ sĩ Phùng Há (được tác giả vở tuồng này là Huỳnh Hà, xưng tụng là “Ngôi sao vô địch nước Nam” - 1932). Đó là một đĩa 78 vòng của Hãng Odeon. Đĩa gốc này hiện được bảo tồn ở Đài phát thanh Pháp (Radio France) và đã được số hóa vào năm 2019.

Tháng 9.2020, Viện Bảo tàng nhân loại Paris (Pháp) phát hiện trong kho lưu trữ một “báu vật Việt Nam” khác, đó là đĩa than 78 vòng/phút của Công ty Victor Talking Machine (Mỹ), sản xuất từ thập niên 1920. Mặt A ghi bài Vọng cổ hoài lang, còn mặt B ghi bài Hành Vân do nữ nghệ nhân Chín Lịch trình bày cùng với ban nhạc tài tử của thầy Cao Quỳnh Cư. Thời lượng mỗi bản khoảng 3 phút.

Theo tiến sĩ Nguyễn Lê Tuyên, tài liệu này là một minh họa điển hình cho phong cách luyến láy diễn cảm của giọng ca và phương pháp cùng kỹ thuật hòa tấu của ban nhạc tài tử thập niên 1920.

Ngoài các tư liệu kể trên còn có tập sách Bản đờn cải lương của tác giả Lê Mai liên quan đến bài Vọng cổ hoài lang. Sách được Nhà xuất bản Lê Mai Ấn Quán in năm 1924. Trong sách có đoạn tác giả Lê Mai đưa ra nghi vấn: “Bài này có người kêu là Vọng cổ mà lại có người gọi rằng Dạ cổ, chẳng hay tiếng nào trúng hơn?”.

Bây giờ gọi thế nào đã không còn quan trọng. Quan trọng nhất là làm thế nào để bảo tồn và phát triển nghệ thuật ca cổ miền Nam (sân khấu cải lương và đờn ca tài tử) trong nhịp sống đương đại. Và chắc chắn “mỏ đồ cổ cải lương” bên Pháp vẫn còn chờ những đợt khai quật với nhiều phát hiện mới.

(Hình ảnh và tư liệu do tiến sĩ Nguyễn Lê Tuyên cung cấp).

Báo Thanh Niên
24.01.2022

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.