Khách hàng báo công an mất ô tô vì bị ngân hàng siết nợ không báo trước ?

27/10/2021 14:41 GMT+7

Cơ quan Công an TP.Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết vừa nhận đơn trình báo mất tài sản là xe ô tô khách 47 chỗ của một doanh nghiệp trên địa bàn TP. Nguyên nhân ban đầu xác định do có liên quan đến một vụ “siết nợ”.

Sáng 27.10, đại Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, chi nhánh đã yêu cầu Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong Chi nhánh Nha Trang (TPBank Nha Trang) báo cáo vụ việc “nhân viên ngân hàng vào bãi xe siết nợ khách hàng mà không thông báo” mà dư luận đang bàn tán.

Ngân hàng siết xe

Theo nội dung đơn trình báo, sáng ngày 15.10, có khoảng 7 người tự xưng là nhân viên Ngân hàng TPBank và các đơn vị liên quan đưa xe cẩu đến bãi giữ xe số 5 đường Phong Châu, xã Vĩnh Thái, (TP.Nha Trang, Khánh Hòa) để cẩu xe khách 47 chỗ BKS 79B-027.54 của Công ty Anh Tuấn Phát mang đi mà không báo cho chủ xe.

Xe ô tô 47 chỗ đang được Ngân hàng TPBank làm thủ tục phát mãi

hải thanh

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Công ty Anh Tuấn Phát, một ngày sau khi bị mất xe, nhân viên Ngân hàng TPBank Nha Trang đã gửi email đến công ty thông báo với nội dung: “Đề nghị công ty thực hiện nghĩa vụ tín dụng kể từ ngày nhận được thông báo này đến hết ngày 22.10.2021. Sau thời gian nêu trên, nếu công ty chưa thực hiện nộp tiền để tất toán khoản vay và các khoản quá hạn tại thông báo, TPBank tiến hành thực hiện đấu giá, phát mại tài sản thu hồi nợ theo quy định”.

Lý giải về việc tại sao lại bị ngân hàng kê biên và siết xe thì ông Tuấn cho biết, năm 2018, công ty vay Ngân hàng TPBank Nha Trang với số tiền khoảng 3,8 tỉ đồng mua 3 ô tô loại 47 chỗ để vận chuyển khách du lịch. Do dịch Covid-19, từ tháng 3.2020 đến nay công ty không hoạt động nên đã xin miễn, giảm, giãn nợ theo Thông tư của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Tuy được ngân hàng hỗ trợ 2 đợt giãn nợ vào năm 2020, nhưng trước những khó khăn chung do dịch kéo dài, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. “Mới đây nhất, ngày 13.10, đại diện ngân hàng có đến làm việc và yêu cầu bàn giao tài sản. Phía công ty đã kiến nghị với ngân hàng khi nào hoạt động kinh doanh bình thường trở lại, doanh nghiệp có nguồn thu thì sẽ trả nợ ngay nhưng họ không đồng ý” ông Tuấn cho biết thêm.

Cần hợp tác để xử lý

Trước phản ánh của Công ty Anh Tuấn Phát, đại diện Ngân hàng TPBank cho biết, vào các ngày 8.7 và 21.7, đơn vị đã gửi văn bản thông báo tự nguyện bàn giao, thông báo thu giữ, quyết định thu giữ tới Công ty Anh Tuấn Phát qua chuyển phát nhanh và công ty đã nhận được các văn bản này (1 thư có xác nhận của đơn vị chuyển phát nhanh và ký nhận của nhân viên công ty, thư còn lại có chữ ký nhận nhưng chưa rõ ai ký - PV).

Trong nội dung thông báo, ngân hàng có ghi rõ việc sẽ thực hiện thu giữ tài sản và đề nghị Công ty Anh Tuấn Phát phối hợp bàn giao. Trước đó, tháng 9.2020, Công ty có bản cam kết bàn giao tài sản thế chấp cho ngân hàng toàn quyền xử lý trong trường hợp không thu xếp được tài chính trả nợ, phát sinh nợ quá hạn. Vậy nên, việc doanh nghiệp viết đơn nói ngân hàng siết nợ mà không báo trước là không đúng.

Ngoài ra, sau khi thu giữ xe, ngân hàng có cung cấp cho bãi xe thông tin liên lạc, quyết định thu giữ để đơn vị này có căn cứ làm việc với chủ xe. Đồng thời, ngày 16.10, ngân hàng có thông báo cho Công ty Anh Tuấn Phát biết việc TPBank đã thu giữ tài sản. Nội dung nêu rõ thời gian đã thu giữ là ngày 15.10 và đề xuất thời gian để công ty cân đối nguồn tài chính thanh toán các khoản nợ quá hạn theo hợp đồng tín dụng đã ký trước khi ngân hàng chuyển sang thủ tục là phát mãi tài sản đã thu giữ, tức chiếc xe ô tô nói trên. “Ngân hàng rất mong Công ty Anh Tuấn Phát hợp tác, hai bên sẽ ngồi lại với nhau, xem xét, đánh giá lại để tái cấu trúc khoản vay, cơ cấu giãn nợ hợp lý, tạo điều kiện doanh nghiệp kinh doanh”, đại diện TPBank cho biết.

Theo ông Tuấn, lĩnh vực hoạt động chủ yếu của công ty là du lịch nên khi dịch Covid bùng phát, công ty bị động, dù đã cố gắng xoay sở để thanh toán trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng mà vẫn đuối sức. Vì vậy, công ty rất cần sự hỗ trợ của ngân hàng để có thể sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh, từ đó có điều kiện trả nợ như đã cam kết. “Đối tác Pegas - một công ty lữ hành có thâm niên đã liên hệ với doanh nghiệp chúng tôi đặt vấn đề về việc đưa khách nước ngoài trở lại Việt Nam theo lộ trình đón khách mà Chính phủ đã lên kế hoạch. Hy vọng, động thái này sẽ mở ra cơ hội để doanh nghiệp thu hồi số nợ mà đối tác (đơn vị lữ hành Pegas) chưa thanh toán do dịch Covid. Số tiền này sẽ góp phần thanh toán số nợ mà doanh nghiệp đã vay của ngân hàng nhưng chưa trả được lâu nay”, ông Tuấn thông tin.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.