Khắc lợi ích, hết đồng minh

19/04/2023 11:36 GMT+7

Câu khái quát lưu truyền lâu nay với đại ý "không có bạn hay đồng minh vĩnh viễn mà chỉ có lợi ích vĩnh viễn" dường như đang ứng nghiệm ở châu Âu.

Châu lục hiện bị đảo lộn dữ dội trên nhiều phương diện bởi cuộc chiến ở Ukraine. Mỹ, NATO, EU và một số nước khác trở thành đồng minh quan trọng nhất của Ukraine. Phe này quyết tâm hậu thuẫn Ukraine bằng mọi giá và về mọi phương diện cần thiết để Ukraine thắng Nga trong cuộc chiến nói trên. Phe này luôn quả quyết là không ngại hao tốn tiền bạc và của cải vì Ukraine, nhưng thật ra lại là vì mục đích buộc Nga phải thua và chấp nhận bị lép vế ở châu Âu thời hậu chiến. Nhưng khi xuất hiện xung khắc lợi ích thì ngay lập tức mối quan hệ đồng minh trở nên lỏng lẻo.

Khắc lợi ích, hết đồng minh - Ảnh 1.

Thu hoạch lúa mì ở Donbass hồi tháng 7.2022

REUTERS

Biểu hiện rõ nét mới nhất là việc Ba Lan, Hungary rồi đến Slovakia cấm nhập khẩu lương thực và nhiều nông phẩm khác của Ukraine để ngăn chặn hàng hóa của Ukraine được xuất khẩu miễn thuế ngập tràn thị trường 3 nước thành viên EU kia khiến nông dân và ngành nông nghiệp ở đó bị tổn thất nặng nề. Xuất khẩu nông phẩm và ngũ cốc hiện vô cùng quan trọng đối với Ukraine và dành cho Ukraine quyền xuất khẩu hàng hóa miễn thuế vào thị trường EU là cách EU biểu thị mối quan hệ đồng minh gắn bó với Ukraine. Nhưng đối với nhiều thành viên EU và NATO ở châu Âu, quan hệ đồng minh với Ukraine chỉ tồn tại khi mức độ lợi ích riêng của họ không bị tổn hại vì Ukraine.

Tổng thống Macron nói Pháp không phải 'chư hầu' của Mỹ

Tương tự như thế cũng có thể thấy trong mối quan hệ giữa Mỹ với một số thành viên EU và NATO ở châu Âu liên quan đến Trung Quốc và vấn đề Đài Loan. Những đồng minh của nhau này công khai thể hiện sự bất đồng quan điểm giữa họ với Mỹ về Trung Quốc và Đài Loan khi lợi ích của hai bên trong quan hệ với Trung Quốc và trong vấn đề Đài Loan khác biệt nhau. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.