Kết thúc Liên hoan truyền hình toàn quốc lần 26: Chất lượng vượt trội

14/01/2007 00:13 GMT+7

Tối 13.1, tại Hội trường Thành ủy (TP.HCM) đã diễn ra lễ bế mạc Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 26. Sau 4 ngày (từ 9-13.1), các đơn vị truyền hình trên cả nước đã cùng tề tựu để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và mang đến những tác phẩm tham dự liên hoan. Ngày hội của những người làm truyền hình rồi cũng đến lúc chia tay với những giải thưởng được trao.

Có 86 đơn vị truyền hình trên mọi miền đất nước đã đem đến liên hoan 695 tác phẩm của 11 thể loại: chương trình dành cho thiếu nhi với 45 tác phẩm, 37 phim tài liệu; 130 phóng sự; 178 phóng sự ngắn; 40 chương trình khoa giáo; 19 chương trình truyền hình; 39 chương trình trò chơi truyền hình; 44 chương trình ca múa nhạc thơ; 23 chương trình sân khấu và  phim truyện truyền hình với gần 10 bộ phim ngắn và dài tập như: Đợi đến ngày Tết, Đời người và những chuyến đi, Y B`Rơ, Chuyện cổ tích dành cho người lớn, Duyên phận, Cổ tích ngày mưa, Chạy án, Nghề báo...

Ông Vũ Văn Hiến - Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam nhận xét "nhìn chung các chương trình về dự liên hoan năm nay đều có chất lượng tốt, nội dung và cách thể hiện có nhiều điểm mới, đáng ghi nhận". Cũng theo ông Hiến, thể loại phóng sự luôn là thể loại hấp dẫn trong mỗi kỳ liên hoan, có nhiều đề tài đa dạng và phong phú, có nhiều vấn đề mang đậm hơi thở cuộc sống như: Việt Nam gia nhập WTO, đảng viên làm kinh tế, bão Chanchu, dịch rầy nâu, cúm gia cầm, nạn phá rừng, ô nhiễm môi trường, giải tỏa, đền bù, tái định cư...

Về thể loại phim tài liệu, số lượng dự thi năm nay có phần ít hơn các năm nhưng chất lượng cao hơn. Điều đáng ghi nhận là phim tài liệu của các đài phát thanh - truyền hình của địa phương có chất lượng gần với mặt bằng của phim các đài lớn. Riêng thể loại sân khấu có 5 vở kịch nói, 2 vở chèo, 7 vở cải lương, 5 tuồng và 2 dân ca. Các tác phẩm đề cập đến những đề tài thiết thực với cuộc sống đương đại, đề tài lịch sử khá phong phú với những tìm tòi sáng tạo nhưng so với các liên hoan trước thì năm nay chưa có những tác phẩm sân khấu xuất sắc.

Phim truyện truyền hình là thể loại có tổng thời lượng dự thi lớn nhất trong các kỳ liên hoan. Năm nay, phim truyền hình dài tập được khẳng định và được quan tâm về nội dung và nghệ thuật. Các tác phẩm với đề tài xuất phát từ nhu cầu bức xúc của người xem như Chạy án, Nghề báo... đã chứng minh sức hấp dẫn của dạng phim truyện truyền hình dài tập. Số lượng phim lẻ năm nay giảm nhiều, chất lượng không cao, nên phim truyện dài tập vẫn chiếm ưu thế.

Ông Huỳnh Văn Nam - Giám đốc Đài truyền hình TP.HCM, Trưởng ban tổ chức liên hoan nhấn mạnh: "Hình thức chấm giải của Ban giám khảo trong liên hoan lần này khá chặt chẽ, những giải thưởng đúng với giá trị thực của tác phẩm, tác giả. Về số lượng, liên hoan năm nay có ít hơn nhưng chất lượng thì vượt trội. Đặc biệt, các đài địa phương mang đến liên hoan những tác phẩm đa dạng và có tay nghề, đề tài đi sâu vào phản ánh, mổ xẻ các vấn đề của chính địa phương họ".

Kết quả liên hoan truyền hình toàn quốc lần 26

- Phim truyện truyền hình dài tập: Giải vàng dành cho Chạy án (Hãng phim Truyền hình Việt Nam) và 3 giải bạc dành cho các phim Nghề báo (Hãng phim Truyền hình TP.HCM), Đời người và những chuyến đi (Điện ảnh chiều thứ bảy), Duyên phận (Hãng phim PT-TH Bình Dương).

- Phim truyện truyền hình: Nhà có ba chị em (Hãng phim Truyền hình Việt Nam) đoạt giải vàng và 3 giải bạc cho các phim: Cho em một ngày vui (Hãng phim Truyền hình Việt Nam), Đợi đến ngày Tết (Điện ảnh chiều thứ bảy), Cải ơi (Hãng phim Truyền hình TP.HCM).

- Phim tài liệu: 3 giải vàng dành cho các phim Khát vọng mùa trăng (PT-TH Hải Phòng), Một tấm gương, một tấm lòng (TTTH VN tại Đà Nẵng), Con đường ánh sáng (Đài PT-TH Hà Nội) và 12 giải bạc.

- Chương trình sân khấu: 4 giải vàng cho tác phẩm Ngôi đền cổ (Hãng phim Truyền hình TP.HCM), Điều vô giá, Thần tượng thật (TH TP.HCM), Chèo Người quê sáng mắt sáng lòng (Đài truyền hình Việt Nam) và 5 giải bạc. 

- Chương trình dành cho thiếu nhi: 2 giải vàng dành cho Chú bé và khúc hát đồng dao, Tung cánh ước mơ và 8 giải bạc.

- Thể loại phóng sự: 6 giải vàng cho các tác phẩm Từ mô hình hợp tác xã, Chuyện từ một làng nghề, Người đi mở đất, Chuyện "Chúa Ngao", Sông nhỏ ra biển lớn, Tôi và anh ai là cộng sản và 14 giải bạc. 

-  Chương trình khoa giáo: 4 giải vàng cho các tác phẩm: Cho niềm vui trọn vẹn (TH TP.HCM), 24H ở Côn Đảo (Ban khoa giáo - Đài TH Việt Nam), Giải pháp làm sạch môi trường (Hãng phim Truyền hình TP.HCM), Những bí ẩn về đồng hồ sinh học (Ban chuyên đề - Đài TH Việt Nam) và 11 giải bạc.

- Chương trình giao lưu, đối thoại, tọa đàm: 2 giải vàng cho tác phẩm Nhận diện những vi phạm trong quản lý đất đai (Đài PT-TH Hà Tĩnh), Văn hóa, nhân vật và sự kiện tháng 7.2006 (VTV) và 5 giải bạc.

- Chương trình trò chơi truyền hình: 3 giải vàng cho Rung chuông vàng, Kim tự tháp, Đấu trường 100 và 3 giải bạc cho Vượt lên chính mình, Đi tìm ẩn số, Bí mật gia đình.        

- Chương trình truyền hình tiếng dân tộc thiểu số: 5 giải vàng cho các tác phẩm: Tôi đi tìm tôi (PT-TH Bình Phước), Tín vật tình yêu (PT-TH Bắc Kạn), Quá tang (PT-TH Tuyên Quang), Chợ tình... năm có một phiên (Đài Truyền hình Việt Nam), Bản tin văn hóa (TT THVN tại Cần Thơ) và 15 giải bạc.

- Chương trình ca múa nhạc, thơ: 2 giải vàng dành cho Giọt mưa (TTTH VN tại TP.HCM), Cuộc chia ly màu đỏ (TH TP.HCM) và 5 giải bạc.

Trâm Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.