Kết nối... vùng cao

29/07/2018 08:06 GMT+7

Từ thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông), qua 2 lần chuyển xe mới đến được nơi các thanh niên tình nguyện chuyển giao kỹ thuật cho người dân về cách trồng bơ trĩu trái.

Đội tình nguyện đến từ chương trình “Tri thức khoa học trẻ tình nguyện” do Trung tâm khoa học trẻ, Thành đoàn TP.HCM tổ chức, kết nối các nhà khoa học trẻ và sinh viên với người dân vùng cao.
Để bơ trĩu trái…
Chị Nguyễn Thị Bích Ngân (ngụ xã Quảng Khê, H.Đắk Glong, Đắk Nông) sau khi nghe các chuyên gia tình nguyện tập huấn kỹ thuật trồng bơ theo hướng bền vững và năng suất cao mới vỡ lẽ lâu nay mình trồng cây bơ quá lung tung, đụng đâu trồng đó.
“Lần đầu tiên được nghe hướng dẫn về kỹ thuật trồng cặn kẽ như thế này. Giờ mới biết vì sao trồng hoài mà năng suất không cao, trong khi vùng mình có nhiều điều kiện thuận lợi”, chị Ngân tâm sự.
Tại một vườn bơ ở Quảng Khê (H.Đắk Glong), cầm chiếc kéo để hướng dẫn kỹ thuật tỉa cành, tiến sĩ Lâm Thị Bích Lệ (chuyên gia nghiên cứu về cây bơ, Trường ĐH Tây nguyên), chỉ lỗi: “Hầu hết mọi người khi trồng bơ đều không quan tâm đến việc tỉa cành, trong khi đây là kỹ thuật rất quan trọng để tăng năng suất cây trồng, không thua gì kỹ thuật tưới nước và bón phân”.
Tiến sĩ Lệ phân tích tỉa cành sẽ hãm ngọn, khống chế chiều cao của cây, giúp hạn chế sâu bệnh và thu hái thuận lợi hơn. Không chỉ thế, cây bơ cho trái ngoài tán nên cây càng vươn cao thì trái sẽ rất ít. Điều này ngoài kỹ thuật tỉa cành, còn phải trồng với mật độ vừa phải, để cây cho tán rộng và không vươn cao. Một sai lầm của người dân hiện nay là trồng bơ quá dày nên năng suất không cao. Vùng Tây nguyên gió rất mạnh nên tỉa cành còn giúp cây ít bị ngã đổ. Tây nguyên có độ ẩm cao là điều kiện lý tưởng cho nhiều loại sâu bệnh, nếu trồng với mật độ hợp lý kết hợp với tỉa cành, vườn sẽ thông thoáng, từ đó sẽ hạn chế được các loại sâu bệnh, giúp hạn chế sử dụng thuốc hóa học.
Dùng kỹ thuật thay dần thói quen
Tiến sĩ Lệ khuyên mọi người canh tác có kỹ thuật chứ đừng theo thói quen. Vì một số thói quen rất có hại và ảnh hưởng đến năng suất cây trồng mà nhiều người dân không hề hay biết.
Theo tiến sĩ Lệ, thông thường khi làm cỏ mọi người nhổ sạch trắng, nhưng với địa hình đồi dốc thì nên dùng máy cắt để cắt, để giữ lại một thảm cỏ nhằm hạn chế xói mòn đồng thời chống bốc hơi nước vào mùa khô.
“Mọi người có thói quen là cứ mùa mưa là mang phân đi rải xuống gốc cây. Nhưng điều này khiến hiệu suất phân bón cực kém vì mưa to là trôi hết, do địa hình đồi núi dốc. Còn nếu không mưa to thì ngày mai nắng lên, toàn bộ lượng phân bón đó cây chưa phân giải để hút được thì đã bốc hết lên không khí. Vì thế, đối với những vùng đồi dốc của Tây nguyên phải tốn thêm công để đào rãnh và lấp, mà bón thì nên bón ở mé cao để khi mưa chảy xuống vẫn đọng lại ở mé dưới”, tiến sĩ Lệ hướng dẫn cặn kẽ.
Nghe đến đây, Hạng A Lồng (xã Đắk Ha, Đắk Glong), thắc mắc: “Hiện tại em có 2 mẫu, trồng bơ được 2 năm, giờ rễ cây đã dài hơn 3 m, lan rộng khắp nơi. Nếu đào rãnh để bón phân như vậy thì sẽ làm đứt rễ?”. Tiến sĩ Lệ khẳng định: “Không sao cả, vì đặc tính của rễ là tái sinh. Chính cái đầu rễ mới tái sinh đó mới có khả năng hút được nước và chất dinh dưỡng chứ không phải là rễ ăn sâu. Rễ ăn sâu là hút nước ở tầng sâu còn rễ lan, rễ tái sinh sẽ hút chất dinh dưỡng để nuôi cây”.
Giúp học sinh trồng rau sạch
Những ngày này, Đắk Nông mưa dầm lê thê, đường trơn trượt nhưng mỗi sáng đội hình nông nghiệp của chiến dịch, gồm giảng viên và sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, lại vượt đoạn đường núi gần 20 km lên điểm Trường tiểu học Vừ A Dính để thực hiện vườn rau sạch cho học sinh bán trú và hướng dẫn các kỹ thuật trồng rau an toàn cho giáo viên. Cầm trên tay nắm đất phía sau lưng trường, chị Phạm Thị Thùy Dương, giảng viên Khoa Nông học Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, phân tích: “Đất này thành phần sét rất nhiều, vì thế sẽ thoát nước kém. Muốn tránh ngập, tránh hư rau vào mùa mưa thì phải làm luống cao. Bên cạnh đó, nên có các giá thể đất sạch để phủ lên bề mặt, hoặc tận dụng vỏ cà phê của vùng mình phủ lên trên để tạo độ tơi xốp của đất”.
Đến từng nhà vận động học tin học
Đều đặn mỗi ngày, thanh niên tình nguyện mở các lớp tin học miễn phí cho các em nhỏ tại xã Đắk Som. Để học sinh đến lớp, các tình nguyện viên phải thay phiên nhau lội bộ đường rừng, đến từng nhà dân vận động các em. Vừa thấy nhóm tình nguyện viên ghé vào, cô bé K’Hâm (10 tuổi) vừa chạy trốn vừa nói: “Không đi học”. Nhưng cuối cùng, sau khi được thuyết phục, cô bé đã đồng ý. Tình nguyện viên Phan Trí Lực, Trường ĐH Trần Đại Nghĩa, vui mừng: “Cuối cùng cô bé cũng đồng ý đi học. Mình đã đến nhà bé lần này là lần thứ 2 rồi”.
Chương trình đưa về 20 bộ máy tính để phổ cập tin học cho học sinh trong suốt chiến dịch tình nguyện. Sau đợt tình nguyện, tất cả máy tính sẽ được tặng lại cho 3 trường tiểu học tại xã của H.Đắk Glong.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.