Kết nối nhà hảo tâm đến với đồng bào vùng biên giới phía bắc

02/01/2021 06:08 GMT+7

Nhiều công trình trị giá hàng trăm triệu đồng Báo Thanh Niên làm cầu nối vận động nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí xây dựng ở biên giới phía bắc đang góp phần chăm lo đời sống tinh thần người dân ở nơi địa đầu Tổ quốc.

Nhiều công trình trị giá hàng trăm triệu đồng Báo Thanh Niên đứng vai trò làm cầu nối vận động nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí xây dựng ở biên giới phía bắc đang góp phần chăm lo đời sống tinh thần, khích lệ người dân, học sinh ở nơi địa đầu Tổ quốc vươn lên vượt khó.

Nhà văn hóa ở nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt...

Nhà văn hóa thôn Nậm Giang 1 (xã A Mú Sung, H.Bát Xát) khánh thành cuối năm 2018 là công trình đầu tiên Báo Thanh Niên vận động kinh phí xây dựng ở tuyến biên giới Lào Cai. Chúng tôi chọn A Mú Sung làm điểm mở đầu, bởi đây là mảnh đất thiêng ở vị thế đặc biệt. Nó nằm án ngữ ngã ba biên giới là nơi đầu tiên con sông Hồng từ Trung Quốc chảy vào địa phận Việt Nam. Còn lý do khác nữa là tấm lòng nhiệt huyết của thiếu tá Nguyễn Văn Thắng, nguyên là Chính trị viên phó Đồn biên phòng A Mú Sung, hiện giờ đã chuyển công tác về làm Chính trị viên Đồn biên phòng Trịnh Tường.
Thiếu tá Thắng kể, thôn Nậm Giang 1 trước đây không có nhà văn hóa, mỗi lần tổ chức sinh hoạt cộng đồng phải đi mượn nhà văn hóa của thôn khác. Các cuộc họp thôn phải đến nhà trưởng thôn hoặc mượn tạm phòng học của học sinh. Đó cũng là lý do thiếu tá Thắng nhiệt tình kết nối với Báo Thanh Niên hỗ trợ xây nhà văn hóa.
Dẫn chúng tôi thăm lại công trình, ông Sùng A Phừ, Trưởng thôn Nậm Giang 1, hào hứng kể về ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc 8.11, sự kiện lớn gần nhất diễn ra ở nhà văn hóa. “Ngoài sân tổ chức trò chơi, trong nhà bày đủ 16 mâm cỗ mời toàn bộ người dân đến chung vui, điều mà trước đây chưa bao giờ có”, ông Phừ nói. Ở công trình này, gia đình ông Phừ tình nguyện hiến tặng 500 m2 đất để xây dựng nhà văn hóa khang trang, rộng rãi.
Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Đồn trưởng Đồn biên phòng A Mú Sung, cho biết sau 2 năm đưa vào sử dụng đã có rất nhiều hoạt động văn hóa, sinh hoạt cộng đồng được tổ chức. “Nhà văn hóa ở vùng biên giới có ý nghĩa đặc biệt, là điểm kết nối sum họp cư dân, gìn giữ lễ hội, sinh hoạt văn hóa địa phương. Khi có đám cưới, nhiều gia đình đến đây tổ chức. Nó ví như mái nhà chung củng cố tình đoàn kết đồng bào vùng biên giới”, thượng tá Sơn nói.
Kết nối nhà hảo tâm đến với đồng bào vùng biên giới phía bắc1

Niềm vui của bà Sàng Chẻo Chua (79 tuổi) khi vợ chồng cháu gái Ly Thị Dở được giúp xây nhà mới

Dựng bể nước ngầm ở “Trường Sa cạn”

Tả Gia Khâu là xã vùng cao biên giới thuộc H.Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Ở đây, không có mạch nước ngầm, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu là dẫn từ các khe suối hoặc phụ thuộc nguồn nước mưa. Một năm, Tả Gia Khâu có khoảng 5 tháng cao điểm thiếu nước nên được ví như “Trường Sa cạn” ở Lào Cai.
Bể ngầm trữ nước cho học sinh nội trú không phải đi bộ vài cây số xách từng chai nước về khu nội trú là ý tưởng của Đồn biên phòng Tả Gia Khâu và Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tả Gia Khâu, được Thanh Niên vận động tài trợ hơn 200 triệu đồng để thi công. Ngoài hạng mục chính, cụm công trình này có thêm 2 nhà tắm có nước nóng và nhà vệ sinh khép kín, bắt đầu được đưa vào sử dụng từ tháng 1.2019.
Theo cô giáo Giàng Thị Thủy, Hiệu phó Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tả Gia Khâu, mùa khô cũng trùng với mùa đông khắc nghiệt ở Tả Gia Khâu. Thời tiết rét buốt, không có nhà tắm kín gió nên học sinh phải đợi khi trời nắng thì xếp hàng chờ tắm, giặt. “Trong 2 mùa đông vừa qua, học sinh nội trú có nhà tắm khép kín, được tắm nước nóng đảm bảo sức khỏe, nhiều em lần đầu được tắm vòi sen, điều mà ở gia đình các em chưa có vì đa phần đều là hộ nghèo, rất nghèo. Điều này góp phần hấp dẫn các em đi học đều, gắn bó với trường lớp”, cô Thủy nói.
Còn thầy Hiệu trưởng Phùng Thế Tùng cho biết bể nước có dung tích khoảng 90 m3 dành riêng cho khu nội trú, đảm bảo cấp đủ nước sinh hoạt cho 150 học sinh nội trú sử dụng trong hơn 1 tháng. Đây là khoảng thời gian quý giá cho nhà trường tiếp tục xoay xở, tìm kiếm nguồn nước bổ sung dùng cho cả mùa khô thường kéo dài 4 - 5 tháng.
“Bể nước này giúp giảm tải nhiều áp lực, công sức và tiền bạc khi trước đây giáo viên toàn trường phải trực tiếp đi chở nước, góp tiền thuê phương tiện lấy nước cho học sinh khu nội trú. Công trình được xây dựng kiên cố và có giá trị sử dụng bền vững hàng chục năm sau, phục vụ nhiều thế hệ học sinh”, thầy Tùng nói.
Kết nối nhà hảo tâm đến với đồng bào vùng biên giới phía bắc2

Cụm công trình bể nước ngầm và nhà tắm khép kín do Báo Thanh Niên vận động xây dựng ở Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tả Gia Khâu giúp các em học sinh có nước sinh hoạt trong những ngày đông khắc nghiệt

ẢNH: PHAN HẬU

Mái ấm tình thương ở Si Ma Cai

“Mái ấm tình thương” là tên gọi Đồn biên phòng Si Ma Cai đặt cho 10 ngôi nhà có phần kinh phí hỗ trợ từ nhà hảo tâm qua kết nối của Báo Thanh Niên xây dựng năm 2019 tại xã biên giới Nàn Sán và Sán Chải, H.Si Ma Cai (Lào Cai).
Trở lại Si Ma Cai những ngày đông khắc nghiệt mới thấy giá trị của những căn nhà kiên cố, ấm áp người dân đang thụ hưởng. Ở thôn Đội 3 (xã Nàn Sán), gia đình ông Long Văn Đoán, dân tộc Tày, nằm trong số hộ được lựa chọn hỗ trợ kinh phí xây nhà kiên cố. Ông Đoán kể, nhà cũ trước đây là gỗ lắp ghép, xập xệ nên mưa thì nước hắt, mùa đông có những ngày gió lùa lạnh buốt không ngủ được. Kinh tế gia đình trông chờ vào mấy sào ruộng, khi nông nhàn thì tìm việc làm thuê. “Mình đi làm thuê nào dám nghĩ có ngày xây dựng được nhà thế này đâu. Khi được đưa vào danh sách hỗ trợ 30 triệu đồng cũng mạnh dạn vay thêm ngân hàng, người dân cố làm cho được gian nhà tránh mưa nắng”, ông Đoán nói.

Báo Thanh Niên kỷ niệm 35 năm ngày phát hành số báo đầu tiên.

Còn tại xã Sán Chải, vợ chồng anh Ma Seo Ký và chị Ly Thị Dở, thôn Nù Dì Sá, nằm trong số các hộ được nhận tiền hỗ trợ làm nhà. Thiếu tá Thào Pú Páo, cán bộ của Đồn biên phòng Si Ma Cai, hiện đang làm Phó bí thư Đảng ủy xã Sán Chải, cho biết vợ chồng chị Dở có 3 đứa con và đang nhận nuôi bà thím Sàng Chẻo Chua (79 tuổi) chồng đã chết, con gái vượt biên sang Trung Quốc lấy chồng. Thấy 6 người trong gia đình này sống trong căn nhà tường xập xệ nên địa phương lựa chọn hỗ trợ xóa nhà tạm. Từ khi có nhà mới, vợ chồng chị Dở không còn vượt biên sang Trung Quốc làm thuê nữa mà ở lại địa phương trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò.
Trao đổi với PV Thanh Niên, đại úy Lèng Văn Trai, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Si Ma Cai, cho biết Đồn biên phòng Si Ma Cai phối hợp với các địa phương chọn 10 hộ có nhà xuống cấp, hư hỏng và chủ hộ quyết tâm làm nhà để trao kinh phí hỗ trợ làm nhà kiên cố. “Ngoài suất hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ, bộ đội biên phòng xuống giúp dân, đóng góp ngày công lao động giúp 10 hộ có nhà kiên cố, khang trang”, đại úy Trai nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.