Kẹo cao su, thuốc lá… phải đóng quỹ môi trường

11/03/2022 14:13 GMT+7

Đây là nội dung quan trọng được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố sáng nay (11.3) tại TP.HCM, trong hội thảo phổ biến và tập huấn thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) theo quy định của luật Bảo vệ môi trường .

Theo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu một loại sản phẩm, hàng hóa được mở rộng tới giai đoạn sản phẩm, hàng hóa đó được thải bỏ.

Kẹo cao su là một trong những sản phẩm nhà sản xuất, nhập khẩu phải đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải từ ngày 1.1.2022

chụp màn hình

EPR là một công cụ kinh tế tuân theo nguyên tắc thị trường và một cách tiếp cận chính sách mới nhằm tìm kiếm giải pháp tài chính để xử lý vấn đề chất thải. EPR thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, đem lại cơ hội kinh tế, việc làm cho xã hội và giúp Chính phủ đạt được các mục tiêu về môi trường. EPR được kỳ vọng sẽ giải pháp quan trọng giúp giải quyết hiệu quả vấn đề rác thải nhựa hiện nay. EPR cũng khởi đầu nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, đặt nền móng ban đầu cho hình thành và phát triển ngành công nghiệp tái chế hiện đại, thân thiện với môi trường.

Về trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải: Nhà sản xuất, nhập khẩu 6 nhóm sản phẩm, bao bì có trách nhiệm đóng góp tài chính hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải gồm: thuốc bảo vệ thực vật, pin sử dụng một lần, tã bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần, kẹo cao su, thuốc lá, một số sản phẩm, hàng hóa chứa thành phần nhựa tổng hợp (như bóng bay, đồ chơi trẻ em, giày dép, quần áo, đồ nhựa dùng một lần, đồ dùng một lần, đồ nội thất, vật liệu xây dựng, túi nilon khó phân hủy kích thước nhỏ…). Nhà sản xuất, nhập khẩu phải đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải từ ngày 1.1.2022.

Về trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì: Nhà sản xuất, nhập khẩu 6 nhóm sản phẩm, bao bì bao gồm: săm lốp, pin và ắc quy, dầu nhớt, các sản phẩm có bao bì (như thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, xi măng, chất tẩy rửa và chế phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế); điện và điện tử; phương tiện giao thông thì phải có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì theo một tỷ lệ tái chế bắt buộc và theo quy cách tái chế bắt buộc (tùy theo từng loại sản phẩm, bao bì cụ thể). Nhà sản xuất, nhập khẩu có thể tự tổ chức tái chế hoặc có thể đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động tái chế.

Nhà sản xuất, nhập khẩu 4 nhóm sản phẩm, bao bì săm lốp, pin và ắc quy, dầu nhớt và các sản phẩm có bao bì phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1.1.2024. Nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1.1.2025. Nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1.1.2027.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.