Kênh YouTube của nghệ sĩ gạo cội: Những 'nốt trầm' xao xuyến...

Nguyên Vân
Nguyên Vân
18/02/2023 07:03 GMT+7

Khi đã đi qua thời vàng son hay giữa lúc không còn nhiều đất diễn cho loại hình của mình, không ít nghệ sĩ chọn YouTube làm kênh "hoạt động" và kết nối với người hâm mộ.

Bằng nhiều hình thức thực hiện khác nhau và tùy sở trường, có người chọn cách kể chuyện ngày xưa - về kỷ niệm với các nghệ sĩ tiền bối/đồng nghiệp cùng thời, có người sẻ chia những buồn vui cuộc sống, trăn trở với "những điều trông thấy", hay có người - thông qua sản phẩm mang tính kết nối thế hệ truyền năng lượng tích cực cho người trẻ nhằm kích thích sự sáng tạo, tiếp nối trong gìn giữ loại hình nghệ thuật truyền thống... qua kênh YouTube mang tên mình.

"Lặng lẽ" dâng cho đời

Các clip trên kênh YouTube của những nghệ sĩ gạo cội tuy "lặng lẽ" hơn những MV vào top trending hay đạt chục triệu view của những tên tuổi "hot - hit" đương thời hay của giới trẻ, song những gì mà các nghệ sĩ thực hiện lẫn thể hiện trên ấy, dù có thể là "cuộc chơi" của cảm xúc hay được đầu tư chăm chút bài bản, đã và đang dần tạo ra những giá trị không nhỏ về mặt tinh thần, và hơn thế nữa…

Kênh YouTube của nghệ sĩ gạo cội: Những 'nốt trầm' xao xuyến... - Ảnh 1.

Kênh YouTube của NSND Bạch Tuyết với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn đối với cả giới trẻ

Chụp màn hình

Một trong những kênh YouTube phải kể đến đầu tiên là của NSND Bạch Tuyết, với phong phú nội dung từ chuyện nghề đến chuyện đời, từ truyền đạt chia sẻ kinh nghiệm đến cập nhật các trào lưu và sáng tạo, phát triển dựa trên sản phẩm của các nghệ sĩ đang được giới trẻ ái mộ. Kênh của NSND Bạch Tuyết đặc biệt thu hút công chúng từ những video cover các ca khúc nhạc trẻ hit nhất với phiên bản vọng cổ: Mang tiền về cho mẹ, Sống xa anh chẳng dễ dàng, Lạc trôi, Người lạ ơi, Đừng hỏi em, Em gái mưa hay tân cổ Cánh hoa tàn… hoặc mới đây nhất là Về nghe mẹ ru - sản phẩm kết hợp giữa NSND Bạch Tuyết, Hoàng Dũng, 14 Casper và Hứa Kim Tuyền - bản hit với 18 triệu lượt xem của giọng hát ở tuổi cận kề 80 này.

NSND Bạch Tuyết từng chia sẻ với Thanh Niên rằng bà nghe, tìm hiểu và cập nhật các xu hướng, các thể loại âm nhạc … để nắm bắt rõ hơn tâm lý, suy nghĩ của người trẻ hôm nay. Và việc thực hiện những sản phẩm âm nhạc với hình thức tân cổ hay tạo ra phiên bản vọng cổ cho bài hit không ngoài mong muốn mang đến cách tiếp cận mới cho cải lương đối với giới trẻ. Về nghe mẹ ru sau đó được vinh danh giải Vàng hạng mục Những sản phẩm có tác động lớn trên mạng xã hội  tại lễ trao giải MMA Smarties, và chiến thắng hạng mục Sự kết hợp xuất sắc tại giải Làn sóng xanh 22.

Những hoạt động sở thích hay những hoạt động tạo ra được giá trị của người ở tuổi "nghỉ hưu" sẽ giúp cho tinh thần họ minh mẫn hơn, khiến họ cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa và thấy hạnh phúc hơn, từ đó bộ não hoạt động hiệu quả hơn, có thể tránh được một số bệnh liên quan đến nhận thức, suy giảm trí nhớ…

PGS-TS Trần Thành Nam

Không chỉ vậy, từ kênh YouTube của NSND Bạch Tuyết, khán giả có thể biết đến nhiều hơn các hoạt động cũng như nét đặc sắc của văn hóa nghệ thuật truyền thống VN. Chẳng hạn mới đây, bà đã thực hiện video rất sinh động về chương trình À Ố Show. Trong đó, nữ nghệ sĩ đến show diễn (tại Nhà hát TP.HCM), theo dõi, chuyện trò cùng khán giả - chủ yếu du khách, nhận thấy họ rất hồ hởi, thích thú… Bà cho biết thêm luận văn tiến sĩ của bà năm 1995 có nói nếu trước đây khán giả đến với sân khấu, thì ở thế kỷ 21 sân khấu đã tìm đến khán giả. Không chỉ VN mà nếu quan sát nền sân khấu trên toàn cầu, điều này thể hiện rất rõ. Hình thức À Ố Show là một ví dụ: đi khắp nơi tiếp xúc khán giả cùng du khách và được khán giả trân trọng, tìm hiểu và yêu mến…

Gần đây, nhiều nghệ sĩ khác ở lĩnh vực sân khấu cũng bắt đầu có kênh YouTube và chăm chút chỉn chu, phát sóng định kỳ các nội dung. Chẳng hạn: NSND Việt Anh có chuỗi phim ngắn Chuyện tử tế, với những mẩu chuyện đời thường, được thể hiện gần gũi và không thiếu sự hài hước cùng những thông điệp nhân ái, yêu thương; nghệ sĩ Trung Dân được yêu thích với các video clip chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc vườn tược hay suy nghĩ của mình trước các vấn đề thời sự của xã hội, với lối thể hiện duyên dáng vốn có của nghệ sĩ hài; NSND Thanh Tuấn chia sẻ những sản phẩm kết hợp với các nghệ sĩ cũng như những video cập nhật hoạt động lẫn chuyện hậu trường… Ở lĩnh vực âm nhạc, kênh YouTube của ca sĩ Thái Hiền và Thanh Lan được công chúng quan tâm, tương tác bởi những chuyện xưa chuyện nay, những video ca hát thật mộc mà chạm…

Kênh YouTube của nghệ sĩ gạo cội: Những 'nốt trầm' xao xuyến... - Ảnh 3.

Ca sĩ Thái Hiền nhận được nhiều sự quan tâm, sẻ chia của người hâm mộ từ video đàn, hát trên kênh YouTube của mình

Chụp màn hình

Sống lạc quan hơn

Theo PGS-TS Trần Thành Nam, nhà tâm lý học, dù là người của công chúng hay người bình thường, khi đến tuổi "nghỉ hưu", tâm lý chung thường cảm thấy hụt hẫng, sợ bị lãng quên. Và dù với mục đích gì, việc tham gia mạng xã hội, lập kênh YouTube… cũng là cách tương tác tích cực, giúp giữ kết nối với mọi người và khán giả của mình. Chẳng hạn với ca sĩ Thái Hiền, từ khi lập kênh YouTube, chị chia sẻ mình cảm thấy rất may mắn, hạnh phúc khi có khán giả ở nhiều lứa tuổi khác nhau; tuy không thể trả lời được hết những bình luận nhưng chị rất thích đọc những sẻ chia từ khán giả, để lắng nghe, hiểu hơn tình cảm mà mọi người dành cho mình.

"Những hoạt động sở thích hay những hoạt động tạo ra được giá trị của người ở tuổi "nghỉ hưu" sẽ giúp cho tinh thần họ minh mẫn hơn, khiến họ cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa và thấy hạnh phúc hơn, từ đó bộ não hoạt động hiệu quả hơn, có thể tránh được một số bệnh liên quan đến nhận thức, suy giảm trí nhớ…", ông Nam nói và cho biết thêm: "Vì vậy, không chỉ với nghệ sĩ gạo cội, người nổi tiếng ở độ tuổi không còn chạy show nữa, mà cần khuyến khích cho người về hưu nói chung khởi nghiệp, đừng tự giới hạn nghỉ hưu là nghỉ làm; hoặc nếu không thì khuyến khích, hỗ trợ họ lập ra các diễn đàn, các kênh… để tư vấn, truyền nghề…, giúp các bạn trẻ khởi nghiệp. Khi họ vẫn có thể tạo ra những ảnh hưởng xã hội tích cực, đó cũng là một trong những phương cách giúp họ minh mẫn, sống lạc quan hơn ở độ tuổi "gió heo may đã về". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.