Kê toa không hợp lý gây hại người bệnh

11/02/2015 08:30 GMT+7

Hơn 8.000 trường hợp phản ứng có hại do thuốc gây ra trên người bệnh trong năm qua. Bác sĩ kê toa không hợp lý là một trong những nguyên nhân khiến người bệnh gánh hậu quả.

Hơn 8.000 trường hợp phản ứng có hại do thuốc gây ra trên người bệnh trong năm qua. Bác sĩ kê toa không hợp lý là một trong những nguyên nhân khiến người bệnh gánh hậu quả.

Một trường hợp bị phản ứng phụ do thuốc gây ra Một trường hợp bị phản ứng phụ do thuốc gây ra - Ảnh: Ngọc Thắng

 Kê đơn “đón” bệnh

Mới đây, Trung tâm dị ứng - miễn dịch lâm sàng (BV Bạch Mai, Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân nam P.H.H (26 tuổi, trú Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị ban đỏ ngứa toàn thân, loét miệng, họng, bộ phận sinh dục, niêm mạc mắt. 

Trước nhập viện, anh H. đi khám sức khỏe, kết quả xét nghiệm cho thấy hàm lượng a xít uric cao hơn mức bình thường một chút, anh được bác sĩ (BS) chẩn đoán mắc bệnh gút. Lúc này anh H. không có biểu hiện của bệnh (sưng, đau khớp...). BS kê đơn cho anh H. sử dụng một loại thuốc có hàm lượng 300 mg/viên, ngày uống 1 viên, uống đến một tháng. Nhưng chỉ uống 10 ngày, anh H. bị dị ứng. Không chỉ trợt loét hốc tự nhiên và đỏ ngứa toàn thân, bệnh nhân còn bị bọng nước khắp vùng lưng, ngực. Anh H. được chẩn đoán bị hội chứng Lyell do dùng thuốc, test chẩn đoán cũng xác định thuốc BS kê chính là nguyên nhân gây dị ứng.

Phản ứng có hại của thuốc tăng trong 3 năm qua: năm 2012 có 3.236 trường hợp; năm 2013 tăng lên 6.016; năm 2014 tiếp tục tăng với 8.513 trường hợp. Trong đó, do thuốc kháng sinh chiếm 82,1%.

Theo BS Bùi Văn Khánh (Trung tâm dị ứng - miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai): “Bất cứ thuốc nào cũng có thể gây phản ứng phụ không mong muốn. Tuy nhiên, với bệnh nhân trên, việc kê đơn của BS là không hợp lý”.

Trước đó, trung tâm trên cũng tiếp nhận một số trường hợp bị phản ứng với thuốc điều trị lao. Cụ thể, một bệnh nhân nữ được chẩn đoán lao cột sống. Sau một tuần uống thuốc theo đơn, bệnh nhân bị nổi ban ở ngực và chân nhưng BS vẫn tiếp tục cho dùng thuốc đó. Hậu quả, gần 4 tuần dùng thuốc, bệnh nhân dị ứng trầm trọng hơn, ban đỏ lan rộng toàn thân. Lúc này BS mới cho ngưng sử dụng thuốc và chuyển bệnh nhân đến Trung tâm dị ứng - miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai.

Theo BS Bùi Văn Khánh, phản ứng do thuốc có thể gây Hội chứng Lyell - thường bắt đầu ở niêm mạc (mắt, mũi, miệng, cơ quan sinh dục) với tình trạng loét, trên da nổi các bọng nước, những đám da bị xé rách. Thuốc là nguyên nhân chiếm khoảng 70% các trường hợp hội chứng này, có thể gây tử vong nếu không điều trị hiệu quả.

Tai biến gấp cả 100 lần số báo cáo

“Trong năm qua, Trung tâm quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc nhận được 8.513 báo cáo về phản ứng không mong muốn do thuốc xảy ra trên người VN. Tuy nhiên, con số thực có thể gấp cả 100 lần con số báo cáo. Có những trường hợp tác dụng phụ nghiêm trọng không được báo cáo, do phía bệnh viện, bác sĩ hoặc nhà sản xuất e ngại, che giấu”, TS Nguyễn Hoàng Anh, Phó giám đốc Trung tâm nói.

Theo TS Nguyễn Hoàng Anh, nhiều trường hợp bị dị ứng thuốc do BS kê đơn điều trị bệnh gút, trong khi bệnh nhân chỉ mới tăng a xít uric qua xét nghiệm, chứ chưa xuất hiện triệu chứng của bệnh.

Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), cho biết cơ quan này thường xuyên tiếp nhận các báo cáo, thông tin về phản ứng nguy hiểm do thuốc từ các đơn vị. “Để giảm thiểu các tác dụng nguy hiểm do thuốc, cả BS kê đơn và người dùng thuốc theo đơn cùng lưu ý về những bất thường nghi ngờ liên quan đến tác dụng phụ của thuốc. BS không chủ quan mà cần cân nhắc thật kỹ khi kê đơn”, ông Cường khuyến cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.