img
Kẻ mộng mơ có tinh thần “bò tót” - Ảnh 1.

 

Hẳn anh là người rất yêu thích văn chương của Nguyễn Nhật Ánh nên mới quyết định làm phim chuyển thể từ tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh?

Tôi chưa đọc toàn bộ các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ngày xưa có một chuyện tình là truyện dài đầu tiên của ông mà tôi đọc sau khoảng thời gian ấu thơ đọc Kính vạn hoa, Bong bóng lên trời… Tôi dành một tình cảm đặc biệt cho tác phẩm này. Những mất mát và lựa chọn ở tuổi trưởng thành là chủ đề nổi bật của tác phẩm. Vượt qua được cột mốc 17 tuổi, rồi 22, chắc ai cũng thấy mình lớn lên rất nhiều, không còn có thể trong sáng, vô tư như trước. Trưởng thành cũng có nghĩa là thất lạc và mất mát. Tôi tìm được sợi dây liên kết với tác phẩm từ đó.

Theo anh, để chuyển tải những câu chữ văn học thành những thước phim điện ảnh trên màn ảnh rộng là dễ hay khó? Và "chìa khóa" của anh sẽ là như thế nào để có thể làm được một bộ phim thành công từ một cuốn sách?

Chuyển tải văn học lên màn ảnh luôn luôn đầy thách thức. Chìa khóa để chuyển tải văn học thành điện ảnh đó là nhân vật cần hành động thay vì suy nghĩ. Một chương của truyện dài có thể cho ta thấy dòng nội tâm, những giằng xé, sự lưỡng lự, đắn đo, sự phức tạp và lưỡng nan trong mỗi quyết định. Nhưng khi lên phim, ta chỉ thấy có thể thể hiện nó bằng hành động, bằng hình ảnh, bằng sự tinh tế của những thủ pháp điện ảnh.

Kẻ mộng mơ có tinh thần “bò tót” - Ảnh 2.

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Điều anh tâm đắc, muốn tập trung nhất cho Ngày xưa có một chuyện tình để khán giả sau khi xem phim có thể đọng lại nhiều ấn tượng, cảm xúc nhất?

Tôi mong chủ đề tình yêu, vốn dĩ rất gợi mở, sẽ trở nên riêng tư với từng khán giả. Tôi muốn họ xem chuyện tình trên phim như một tình yêu đẹp điển hình, nhưng vẫn liên hệ được với chính bản thân mình. Tôi muốn tập trung nhiều vào những chi tiết nhỏ của diễn xuất để các nhân vật trở nên gần gũi, đáng yêu, đáng trách, đáng thương, và chúng ta có thể thấy họ ngay trong chính chúng ta.

Ngày xưa có một chuyện tình được đầu tư kinh phí bao nhiêu, có đủ điều kiện để anh thỏa sức thực hiện hết khả năng của mình?

Phim được đầu tư kinh phí như những bộ phim hướng đến khán giả của điện ảnh VN. Kinh phí dù có nhiều đến đâu cũng không bao giờ là đủ. Tôi tin rằng cách làm quan trọng hơn. Tôi quan niệm mình cần tận dụng tối đa những điều kiện của sản xuất để tạo không gian làm việc cho diễn viên, ê kíp và chính bản thân mình.

Kẻ mộng mơ có tinh thần “bò tót” - Ảnh 3.

Trịnh Đình Lê Minh làm giám khảo cuộc thi phim ngắn CJ

Anh có cảm thấy bị áp lực khi nhiều phim từ truyện Nguyễn Nhật Ánh đã có được sự thành công vang dội như: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc, Cô gái đến từ hôm qua do những đạo diễn tên tuổi khác thực hiện?

Khi làm phim, tôi chỉ tạo áp lực cho chính mình và bộ phim mới. Tôi không tự tạo áp lực khi so sánh mình với những tác phẩm trước đó của mình và các nhà làm phim khác.

Anh có chịu áp lực từ chính nhà văn Nguyễn Nhật Ánh?

Nguyễn Nhật Ánh không tạo ra bất kỳ áp lực nào với ê kíp. Ông có những chia sẻ cách ông nhìn về chính tác phẩm của mình, nhưng ông không bao giờ xem đó là cách nhìn duy nhất về tác phẩm và nhân vật.

Kẻ mộng mơ có tinh thần “bò tót” - Ảnh 4.

Kẻ mộng mơ có tinh thần “bò tót” - Ảnh 5.

Từ một sinh viên học khoa đạo diễn, đến nay với thành công đạt được, anh mất thời gian, công sức thế nào? Với vai trò là giám khảo các cuộc thi phim ngắn, anh có thể chia sẻ kinh nghiệm, lời nhắn nhủ gì cho lứa đạo diễn sau?

Học xong bất kỳ trường điện ảnh nào, sinh viên đạo diễn mới ra trường chưa thể gọi mình là đạo diễn. Tôi mất đúng 10 năm sau khi tốt nghiệp trường điện ảnh đầu tiên để thực hiện được bộ phim dài đầu tay. Quá trình đó không chỉ dành cho việc trui rèn về nghiệp vụ, bước chân vào cộng đồng những nhà làm phim, giúp am hiểu hơn về thị trường điện ảnh tại VN, mà quan trọng đó là quãng thời gian tích lũy vốn sống, có những va chạm, làm dầy thêm kinh nghiệm và trải nghiệm cảm xúc của mình.

Lời khuyên của tôi dành cho các bạn trẻ là hãy bước những bước thật chắc, tìm ra câu chuyện mình bắt buộc phải kể như là một dấu ấn của chính câu chuyện, hay của bản thân người đạo diễn. Và đặc biệt là cứ va chạm và thử hết mọi khả năng mà cuộc sống bày ra cho mình.

Một bộ phim hay, với anh là như thế nào?

Có nhiều cách gọi tên một bộ phim hay. Đó có thể là một bộ phim khiến ta cảm thấy cực kỳ xúc động. Đó có thể là một bộ phim khơi gợi lại những ký ức xưa cũ, khiến ta như thấy mình ở trong đó. Đó cũng có thể là một bộ phim mang lại những trải nghiệm điện ảnh hoàn toàn mới mẻ, đột phá. Cũng có thể là bộ phim mở ra những điều ta chưa biết, khiến ta tò mò hơn về thế giới và cuộc sống. Và cũng có thể là một bộ phim hoàn toàn giải trí, khiến ta vui, cười, khóc hay sợ hãi cùng nhân vật.

Kẻ mộng mơ có tinh thần “bò tót” - Ảnh 6.

Làm sao để có sự khác biệt, sự nhận diện phong cách của một đạo diễn, giữa rất nhiều đạo diễn hiện nay? Phong cách đạo diễn mà anh hướng đến ở mình?

Những đạo diễn giỏi, bằng một cách nào đó, đều có phong cách của riêng mình, đơn giản vì anh ta có góc nhìn riêng biệt về từng vấn đề trong cuộc sống, và những quan niệm độc lập về điện ảnh. Phong cách riêng là quan trọng. Với mỗi phim khác nhau, do đề tài, thể loại khác nhau, đạo diễn luôn có những cách xử lý khác nhau, tuy nhiên phong cách của anh ta vẫn luôn ở đó, khó lẫn. Làm phim không phải là những sự lặp lại, mà là tái khám phá, mở ra những khả năng mới trong phong cách đã định hình.

Tôi luôn muốn là một đạo diễn khiến cho người xem thấy được vẻ đẹp của những điều nhỏ bé, giản dị. Tôi muốn người xem cảm nhận được "những điều chưa nói" của nhân vật. Tôi muốn họ thấy cả những điều không hoàn hảo của cuộc sống để trân trọng nó. Về thể loại, tôi luôn muốn trong bộ phim của mình có sự pha trộn về thể loại như tính đa dạng của cuộc sống.

Kẻ mộng mơ có tinh thần “bò tót” - Ảnh 7.

Cảnh trong phim Bằng chứng vô hình

Tình hình thị trường điện ảnh hiện nay theo anh đã khác như thế nào so với 4 - 5 năm trước, thời điểm được xem là phát triển rực rỡ nhất của điện ảnh Việt? Liệu đó là thách thức hay cơ hội cho các nhà làm phim?

Về thị trường, thời điểm hiện nay các nhà sản xuất đã thận trọng hơn sau cuộc sàng lọc mạnh mẽ sau những năm đại dịch. Khán giả đã chọn phim để xem ở rạp một cách kỹ lưỡng hơn. Vì vậy, cách duy nhất để thu hút họ là làm những sản phẩm thật sự tươi mới và chất lượng. Rõ ràng cơ hội đã mở ra khi chúng ta không chỉ làm phim theo cách đại trà, mà chú ý nhiều hơn về tính độc đáo và thu hút của nó.

Theo anh, cơ hội hiện nay để một đạo diễn trẻ được nhà đầu tư bỏ vốn cho làm phim chiếu rạp có rộng mở hay vô cùng khó khăn?

Cơ hội này luôn luôn nhỏ dù ở bất kỳ thời điểm nào. Để được chú ý, các nhà làm phim trẻ phải có những bộ phim ngắn thật tốt cùng một kịch bản, một hồ sơ dự án đã sẵn sàng. Anh ta/cô ta phải trải qua rất nhiều bài kiểm tra về sự vững vàng và kiên nhẫn của mình, về sự hiểu chính bộ phim của mình, về những câu hỏi và yêu cầu của nhà sản xuất, nhà đầu tư; những khó khăn, thử thách kéo dài của quá trình làm phim. Đạo diễn mới quả thực phải là một nghệ sĩ mộng mơ với tinh thần của "con bò tót" gan lì và luôn sẵn sàng chiến đấu!

Kẻ mộng mơ có tinh thần “bò tót” - Ảnh 8.

Kẻ mộng mơ có tinh thần “bò tót” - Ảnh 9.

Anh nghĩ gì khi có những đạo diễn chọn hướng làm phim nghệ thuật, được đánh giá cao, nhưng lại không thu hút khán giả đến xem? Phải chọn làm phim thị trường, phù hợp thị hiếu, hay làm điện ảnh là để thực hiện khao khát nghệ thuật thôi thúc bên trong của người đạo diễn?

Kẻ mộng mơ có tinh thần “bò tót” - Ảnh 10.

Trịnh Đình Lê Minh chỉ đạo diễn xuất trên trường quay

Khi chọn lựa làm một phim nghệ thuật, tác giả, đạo diễn, nhà sản xuất, các nhà đầu tư đều đã nhận thức được việc khán giả của bộ phim sẽ hạn chế. Chính vì vậy chúng ta mới có những quỹ điện ảnh để hỗ trợ các bộ phim thuộc dòng phim này. Sự đa dạng của điện ảnh luôn luôn là cần thiết. Khán giả luôn tìm đến những bộ phim giải trí và gần gũi, nhưng một bộ phận lại tìm thấy niềm an ủi ở những đề tài khác biệt, ở sự riêng tư, ở sự thiêng liêng và độc nhất của điện ảnh.

Tôi luôn nghĩ rằng đạo diễn cần làm phim về những điều mình thôi thúc cần chia sẻ. Người đạo diễn may mắn nhất là người đạo diễn làm được điều mình quan tâm, yêu và tin, và điều đó lại giao với những gì khán giả đang cần, đang tìm kiếm.

Không ít khán giả đang chê phim Việt, bởi có những bộ phim thực sự là "thảm họa". Giới làm phim nói chung có đang nhìn lại mình?

Điều này bắt nguồn từ một giai đoạn quá nhiều bộ phim được làm cẩu thả đã ra rạp, tạo nên những ấn tượng xấu về điện ảnh VN trong khán giả. Chúng tôi đúng là nên tự nhìn lại mình để cố gắng hơn. Tôi tin chúng ta đang tiệm cận điện ảnh khu vực về kỹ thuật, điều quan trọng còn lại là tìm ra những kịch bản xuất sắc và những tiếng nói riêng biệt của chính những nhà làm phim.

Anh có thể dự đoán tình hình điện ảnh Việt trong 2 - 3 năm tới?

Thị trường điện ảnh VN chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong vài năm tới. Điều này cần một sự vận động tổng lực, không chỉ đến riêng lẻ từ một vài nhà làm phim, diễn viên ngôi sao đa lĩnh vực, mà còn từ sự nỗ lực, chung tay của các nhà sản xuất, đạo diễn, và cả chính sách từ phía nhà nước. Quan trọng không kém là phải có sự vươn lên của những nhà làm phim mới, một thế hệ cần vững chắc về nghề nghiệp, nhạy cảm về thời cuộc, những thay đổi dồn dập của đời sống hiện đại, am hiểu chính khán giả cùng thế hệ.

Kẻ mộng mơ có tinh thần “bò tót” - Ảnh 11.

Một cảnh trong phim Thưa mẹ con đi

Hỏi thật, làm một đạo diễn như anh thì có đủ sống?

Nếu chỉ chờ vào lương đạo diễn thì quả thực không đủ sống vì lương đạo diễn tuy vừa phải, nhưng số tiền đó lại trải dài cho khoảng thời gian 2 - 3 năm từ lúc chuẩn bị đến khi xong một bộ phim. Tôi khá may mắn vì có những công việc hỗ trợ khác. Một số đạo diễn trẻ khác thực sự chật vật để sống với nghề.

Trịnh Đình Lê Minh sau Ngày xưa có một chuyện tình có dự định gì? Sẽ là một bộ phim mới khác như thế nào trong sự nghiệp, hay nghỉ ngơi xả hơi?

Hiện tại tôi chỉ tập trung vào bộ phim nên thật sự không nghĩ đến sau bộ phim sẽ làm gì tiếp. Cuộc sống luôn có nhiều bất ngờ chờ đợi mình phía trước. Tôi đón nhận nó và trân trọng những gì mình đã, đang và sẽ trải qua bởi nhờ đó mới có tôi, như một con người, và một nhà làm phim.

Kẻ mộng mơ có tinh thần “bò tót” - Ảnh 12.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.